Phát triển du lịch bền vững đi đôi với số hóa - Ảnh: Vọoc chà vá chân đen, loại động vật quý hiếm sinh sống tại Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. (Nguồn: TTXVN) |
Phát triển du lịch bền vững
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mà sự phát triển của nó ảnh hưởng tới sự tăng trưởng rộng khắp các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt gắn liền với sự tồn tại, phát triển của tài nguyên và môi trường. Do đó việc phát triển du lịch theo hướng bền vững là xu hướng tất yếu mà Việt Nam phải tính tới.
Theo Khoản 14, Điều 3 Luật Du lịch 2017, Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.
Thực tế, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển du lịch bền vững. Việt Nam có hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và hơn 30 vườn quốc gia, trong đó có 10 vườn di sản ASEAN nổi tiếng với hệ sinh thái gần như nguyên vẹn cùng sự đa dạng và giá trị nổi bật quần thể, có tầm quan trọng đặc biệt.
Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm, hầu hết là các bãi tắm đẹp, đặc biệt bãi biển Đà Nẵng đã được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Ngoài ra, Việt Nam còn có hai vịnh nằm trong danh sách những vịnh đẹp nhất thế giới - vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang.
Trong những năm qua, hoạt động du lịch tại Việt Nam đã tập trung phát triển theo hướng du lịch bền vững với nhiều khu nghỉ dưỡng được nhận các chứng chỉ xanh quốc tế của EarthCheck và Green Growth 2050.
Một số điểm tại Việt Nam đạt các chứng chỉ xanh gồm: khu nghỉ dưỡng Banyan Tree Lăng Cô, Khách sạn Caravelle Saigon; Angsana Lăng Cô (đạt Chứng nhận Vàng của EarthCheck); Khu nghỉ dưỡng Avani Quy Nhơn, Anantara Mui Ne Resort and Spa, khách sạn Harbour View Hải Phòng, Anantara Hoi An Resort (đạt chứng nhận Vàng của Green Growth 2050).
Bên cạnh đó, tôn trọng cộng đồng địa phương cũng là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Được định nghĩa tại Khoản 15 Điều 3 Luật Du lịch 2017: “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”.
Ở nước ta, nhiều mô hình du lịch cộng đồng phát triển khá thành công. Vùng miền núi Tây Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như ở Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh; một số tỉnh Trung Bộ như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định; các tỉnh Tây Nguyên như Ðắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum; các tỉnh Nam Bộ như Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và nhiều địa phương khác đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng tốt và mang lại hiệu quả cao.
Những mô hình này không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa, cảnh quan thiên nhiên mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030" với những định hướng phát triển cụ thể theo hướng tăng trưởng xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Trong đó, một vấn đề cần được quan tâm thực hiện để phát triển bền vững là “Chuyển đổi số trong ngành du lịch”.
Số hóa ngành du lịch
Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 đã nêu rõ, du lịch là một trong những ngành được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là định hướng chính sách quan trọng để Việt Nam phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số hóa.
Với tinh thần trên, Tổng cục Du lịch đã tập trung tạo dựng nền tảng cho chuyển đổi số trong ngành. Đến nay đã hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch. Phối hợp với các bên liên quan phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở và các ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch.
Phát triển du lịch bền vững Phố cổ Hội An để lại dấu ấn đặc sắc trong lòng du khách với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, những ngôi nhà lợp mái rêu phong, vẻ trầm mặc, cổ kính - Hình ảnh từ clip "Việt Nam - đi để yêu". (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản) |
Đầu năm 2021, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra mắt chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội Youtube - “Việt Nam: Đi để yêu” nhằm kích cầu du lịch nội địa. Các trải nghiệm bằng hình ảnh được đăng tải trên Youtube đã thu hút hàng triệu lượt xem và tạo hiệu ứng lớn cho hoạt động quảng bá.
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch còn phối hợp với Tập đoàn Google (Mỹ) thực hiện triển lãm trực tuyến “Kỳ quan Việt Nam” (Wonders of Vietnam) với 1.369 bức ảnh nghệ thuật về các cảnh đẹp của Việt Nam, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến các tín đồ du lịch trên khắp thế giới. Đây được xem là bước đột phá của du lịch Việt Nam trong ứng dụng công nghệ số để quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế.
Việc chuyển đổi số cũng tạo nên diện mạo mới cho du lịch Việt Nam, khi hàng loạt các địa phương, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng... số hóa các điểm đến bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D, công nghệ thực tế ảo, hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR code tương tác tại các điểm tham quan, bảo tàng, di tích....
Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn. Các địa phương và doanh nghiệp du lịch cũng chủ động đăng ký, thường xuyên tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19 quốc gia, triển khai ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn".
Tổng cục Du lịch đang xây dựng chính sách có tính đột phá trong phát triển du lịch thông minh, du lịch số, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai các chính sách, đáp ứng yêu cầu đồng bộ để phát triển du lịch thông minh, du lịch số trên phạm vi cả nước. Đồng thời sẽ xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch số, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đến năm 2045 thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch số.
Có thể thấy, số hóa du lịch góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá thông qua đẩy mạnh marketing bằng công nghệ; tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển điểm đến.