Cần xác định tầm nhìn đến năm 2050, TP. Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành một trong những trung tâm tài chính quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. (Nguồn: TTXVN) |
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, tạo ra những thay đổi hết sức to lớn cho người dân. Các SDGs đã được Việt Nam quốc gia hóa thông qua ban hành Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG) thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào tháng 5/2017, trong đó trọng tâm là phát triển bền vững quá trình đô thị hóa tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước, là đầu tàu kinh tế trên các lĩnh vực và có ảnh hưởng, tác động lớn đến toàn quốc. Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW 2012 của Bộ Chính trị và KHHĐQG 2017, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh.
Tin liên quan |
Quốc hội hôm nay (26/5) thảo luận Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nghe chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh |
Dựa vào các định hướng trên, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 6/12/2017 và Thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015. Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, củng cố và nâng cao hiệu quả làm việc, chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực…
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp nhà đất của các cơ quan trung ương, chi ứng vốn cho các dự án trung ương trên địa bàn... Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; thiếu cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp Thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư…
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) làm mờ đi ranh giới sinh học, vật lý và kỹ thuật nhờ quy luật công nghệ vạn vật kết nối (IoT). Hơn nữa, 4IR tác động đến các thành phố và hình thành khái niệm “thành phố thông minh” được nhìn nhận qua lăng kính của 4IR với những thách thức cụ thể: quy hoạch, tòa nhà, kết nối, dữ liệu, năng lượng, quản trị và giao thông.
Để 4IR được tích hợp tại các thành phố, cần đáp ứng ba tiêu chí. Đầu tiên, khái niệm về tính bền vững nên vượt ra ngoài hệ sinh thái kinh tế.
Thứ hai, thực hành quy hoạch đô thị là rất quan trọng. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị là một sản phẩm thông tin đồ sộ đòi hỏi sự chính xác và cập nhật kịp thời, thường xuyên nhằm chuyển thông tin thành nguồn lực thúc đẩy hành động cộng hưởng tích cực của toàn xã hội. Công nghệ số có thể dễ dàng xây dựng các mạng ảo kết hợp với các cấu trúc vật lý để góp phần thực hành hiệu quả cho công tác thông tin quy hoạch đô thị một cách minh bạch, công khai đối với toàn dân.
Thứ ba, sự thành công của thành phố thông minh phụ thuộc vào các doanh nghiệp đổi mới đáp ứng các thách thức của 4IR và là một phần không thể thiếu của quy trình. Thành phố thông minh trước hết cần các chiến lược thiết kế quản trị hiệu quả, sáng tạo và khoa học.
Trước những cơ hội mới trong bối cảnh đất nước đang có cả vị thế kinh tế và địa chính trị tốt trong khu vực, tháng 12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31- NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chính phủ đã ra Quyết định 642/QĐ-TTg 2022 về nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP. Hồ Chí Minh trình Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết mới tập trung vào xây dựng các cơ chế, chính sách vào tám lĩnh vực như: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của Thành phố; tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức; và áp dụng pháp luật.
Các giải pháp cấp bách
Để thực hiện tốt các định hướng trên và đóng góp vào dự thảo Nghị quyết mới, trong bối cảnh hiện tại khi tốc độ tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh rất thấp (GRDP ước tăng 0,7% so với cùng kỳ); thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp giải thể, tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm; chí phí đầu vào tăng… cần có các giải pháp trong ngắn và dài hạn.
Giải pháp ngắn hạn
Chính phủ tăng cường các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ kích cầu trước mắt như gia hạn và miễn giảm thuế, tiền thuê đất. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí và đặc biệt là giảm lãi xuất ngân hàng theo hướng phát triển nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh và nguyên tắc cùng thắng (win-win). Ngoài ra, cần các biện pháp kích cầu sức mua của thị trường cũng như hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động.
Giải pháp trung và dài hạn
Cần nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị tự chủ/tự quản (Autonomus status) với sự tham gia tích cực của người dân để phát triển nguồn vốn xã hội vô tận cho sự quản trị đô thị hiện đại. Từng bước xây dựng và triển khai áp dụng mô hình đô thị hai cấp với cấp quận là cấp cơ sở cho TP. Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo tốt cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy Thành phố trong lĩnh vực đầu tư và tài chính ngân sách cũng như giảm thiểu sự quản lý hành chính quan liêu, tốn kém thời gian và thiếu sự minh bạch về quyền lợi, trách nhiệm trong quản trị đô thị. Song song với việc xây dựng mô hình mới, cần ưu tiên nghiên cứu và xây dựng những bộ luật tương ứng để đảm bảo tính thực thi. Đây cũng là tiêu chí chủ yếu đánh giá sự hoạt động hiệu quả của các nhà lập pháp.
Cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ thí điểm trong hai lĩnh vực ngành công nghiệp ưu tiên có tính đột phá và lan tỏa là tài chính và logistics vì TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước và hiện đóng góp 22,3% GDP, chiếm gần 27% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI của cả nước...
Với vị thế này và vị trí địa chính trị quan trọng của mình, TP. Hồ Chí Minh xứng đáng là một trung tâm tài chính và logistics quốc tế. Các hiệp hội và doanh nghiệp cần định hướng đổi mới theo hướng phát triển của thành phố thông minh trong hai lĩnh vực để có thể ứng dụng công nghệ mới hiệu quả và kết nối đối tác toàn cầu.
Cần xác định tầm nhìn đến năm 2050, TP. Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành một trong những trung tâm tài chính và dịch vụ logistics quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm nền tảng cho các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nhằm cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của thành phố.
Khi xây dựng quy hoạch cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy và tích hợp các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Mô hình năm nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội (bao gồm tài nguyên, con người, sản phẩm, tài chính và xã hội) có thể là sự tham chiếu hiệu quá trong quá trình này.
Cùng với sự nỗ lực tối đa của Thành phố, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ đột phá của Chính phủ trong phát triển mô hình đô thị mới và ưu tiên lĩnh vực ngành trọng tâm, đặc biệt là xác định tầm nhìn chiến lược thông qua việc quy hoạch toàn diện sẽ là động lực, là kim chỉ nam hướng tới TP. Hồ Chí Minh thông minh vào nửa đầu của thế kỷ XXI, để Thành phố không chỉ là đầu tàu kinh tế của đất nước mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong thời đại 4IR.
| TP. Hồ Chí Minh - 'điểm nóng' tiếp theo về triệu phú USD châu Á Theo báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 9 trong ... |
| 16.400 tỷ đồng được giải ngân phục hồi phát triển kinh tế - xã hội Tính đến hết tháng 3/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) đã giải ngân được 16.400 tỷ đồng cho hơn 332.000 lượt khách hàng ... |
| Thành phố Hồ Chí Minh trao hỗ trợ cho Cuba khắc phục hậu quả trận hỏa hoạn năm 2022 Hôm nay (21/4), tại thủ đô La Habana, Cuba, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức, thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và ... |
| Ngoại giao kinh tế: Đặc sắc Chương trình quảng bá du lịch Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh tại Australia Hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh tại Australia từ ngày 11-17/5 với nhiều hoạt động phong phú, ... |
| Thưởng thức hương vị ẩm thực Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh Ngày 18/5, Tổng Lãnh sự Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tiệc tối 'Taste of Australia' thường niên, sự kiện tôn ... |