Một người theo đạo Phật của Thái Lan, một người theo đạo Thiên chúa của Philippines, hai người Hồi giáo và một người theo đạo Hindu của Indonesia, Malaysia và Singapore là những nhà lãnh đạo đã ngồi lại với nhau sáng lập ra ASEAN. 50 năm sau, ASEAN được đánh giá là đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan ký bản Tuyên bố ASEAN ngày 8/8/1967. (Nguồn: The StraitsTimes) |
Một phép lạ
Hãy tưởng tượng một thế giới mà ở đó Trung Đông được hưởng hòa bình. Dường như đó là một điều xa vời. Cũng khó có thể tưởng tượng một thế giới mà ở đó Israel và Palestine có thể chung sống vui vẻ với nhau. Nhưng đây là điều mà Malaysia và Singapore đã làm được trong lịch sử. Sau một cuộc “ly hôn” gay gắt vào năm 1965, họ đã cùng nhau chung sống trong hòa bình.
Cũng khó có thể tưởng tượng một thế giới mà ở đó Ai Cập, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất ở Trung Đông, có thể đảm bảo một nền dân chủ ổn định và thịnh vượng.
ASEAN được thành lập ngày 8/8/1967 sau khi Bộ trưởng Ngoại giao các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan ký bản Tuyên bố ASEAN. Ngày 8/1/1984, Brunei được kết nạp vào ASEAN, nâng số thành viên của Hiệp hội lên thành sáu nước. Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 tổ chức tại Brunei, đưa tổng số thành viên của ASEAN lên thành bảy nước. Tháng 7/1997, Lào và Myanmar trở thành thành viên thứ tám và thứ chín của Hiệp hội. Campuchia gia nhập ASEAN tháng 4/1999, hiện thực hóa ý tưởng thành lập một Hiệp hội bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á. |
Thế nhưng, Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất ở Đông Nam Á (với dân số gấp bốn lần dân số Ai Cập) đã nổi lên như một ngọn hải đăng về dân chủ. Ai Cập và Indonesia có nhiều điểm tương đồng - như gặp phải những vấn nạn về tham nhũng và trải qua sự cai trị của chính quyền quân sự, nhưng Ai Cập vẫn gặp khó khăn dưới sự cai trị của chính quyền quân sự trong khi Indonesia được xem là một trong những nền dân chủ hàng đầu trong khu vực.
Câu trả lời cho những sự khác biệt kể trên chính là ASEAN.
Không phủ nhận rằng trong lịch sử Trung Đông đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh như cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1967 và 1973, Chiến tranh Iran-Iraq từ năm 1980-1988, cuộc chiến Iraq năm 1990 và 2003. Tuy nhiên, cũng không ít quả bom đã rơi xuống mảnh đất Đông Nam Á cướp đi sinh mạng của vô số người dân. Dầu vậy, Trung Đông cho đến nay vẫn là khu vực có xung đột, trong khi Đông Nam Á lại được tận hưởng hòa bình.
Đây chính là lý do tại sao ASEAN được cho là một phép lạ, mang lại hòa bình bền vững cho một khu vực vốn đã trải qua những xung đột lớn. Nhiều học giả cho rằng, ASEAN xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình.
Bài học cho châu Âu
Có thể nhận thấy, phương Tây đang tỏ ra bi quan về triển vọng của thế giới Hồi giáo. Cái nhìn bi quan ấy dường như có ảnh hưởng lớn tới chính sách đối ngoại của họ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi cấm những người Hồi giáo từ một số quốc gia nhập cảnh vào Mỹ. Mặc dù ông Trump phải nhận nhiều chỉ trích về quan điểm này nhưng ông vẫn thắng cuộc bầu cử tổng thống. Lý do là bởi ông Trump đã chạm tới nỗi lo lắng về Hồi giáo trong tâm trí người Mỹ. Có khoảng 25.000 thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả phương Tây, đã tham gia Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
Cuốn sách "Phép màu ASEAN- Động lực cho hòa bình" của hai tác giả Kishore Mahbubani và Jeffery Sng. (Nguồn: The StraitsTimes) |
Niềm hy vọng đối với Hồi giáo có lẽ chỉ còn lại ở Đông Nam Á. 205 triệu người Hồi giáo đang chung sống hòa bình ở Indonesia, đất nước có số dân Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Indonesia luôn nỗ lực củng cố vị thế của mình tại Đông Nam Á, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng khu vực. Những gì thấy được ở Indonesia hoàn toàn trái ngược với các quốc gia đang gặp khó khăn ở trung tâm của thế giới Ả Rập bao gồm Libya, Syria, Iraq và Yemen.
Gần một triệu người tị nạn Syria tràn sang châu Âu vào năm 2015 đã khiến châu Âu nhận thức sâu sắc rằng số phận của họ gắn liền với thế giới Hồi giáo. Châu Âu gặp vô vàn rắc rối bởi sự nổi lên của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan trong chính biên giới của mình. Cuộc tấn công khủng bố tại Paris ngày 13/11/2015 được thực hiện chủ yếu bởi những người Hồi giáo trẻ được sinh ra và lớn lên ở châu Âu, chứ không phải đến từ Trung Đông. Rất ít người châu Âu hiện nay cảm nhận được sự bình an khi cùng chung sống với người Hồi giáo ngay cả trong biên giới đất nước mình.
Mỹ và châu Âu cần phải hướng tới Đông Nam Á, nơi các nền văn minh khác nhau cùng sống trong hòa bình và cùng nhau tiến bộ. Châu Âu đã là lục địa thành công nhất trong bốn thế kỷ qua, đặc biệt là trong phát triển kinh tế và xã hội. Tương tự, Mỹ cũng là xã hội thành công nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, hiện nay trong lòng châu Âu và cả Mỹ đều nảy sinh nhiều vấn đề khá phức tạp và nan giải.
Phân tích như vậy mới có thể thấy những gì ASEAN làm được trong nửa thế kỷ qua rất ngoạn mục. Nếu ASEAN có thể duy trì đà tăng trưởng hiện tại, thì không có một mục tiêu nào mà Hiệp hội không thể đạt tới. Càng bay cao, ASEAN – ngọn hải đăng của nhân loại càng sáng rõ.