📞

Philippines nỗ lực cải cách giáo dục

08:25 | 15/09/2014
Số lượng du học sinh ở Philippines tăng mạnh trong những năm gần đây tạo điều kiện cho giáo dục đại học tư nhân mở rộng. Tuy nhiên, nền giáo dục nước này cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề nan giải.
Lượng du học sinh đến Philippines tăng ồ ạt trong những năm gần đây.

Không giống như hệ thống giáo dục công lập, hệ thống giáo dục dân lập thường do các tập đoàn lớn thành lập. Những tập đoàn này vẫn chịu sự kiểm soát của hệ thống pháp luật quốc gia và định hướng, chính sách của Ủy ban Giáo dục Đại học Philippines.

Các trường đại học tư nhân chiếm khoảng 2/3 tổng số nhà cung cấp dịch vụ giáo dục và con số này tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 1996, số trường đại học tư nhân là 948 trường nhưng hiện tại thì lên tới 1.683 trường.

Có một thực tế ở Philippines là du học sinh thường ưa chuộng hình thức đào tạo dân lập hơn công lập bởi quan điểm học phí đắt đồng nghĩa với chất lượng tốt. Theo báo cáo của Cục Xuất nhập cảnh Philippines, số lượng du học sinh tới Philippines tăng mạnh từ 26.000 năm 2011 lên hơn 61.000 năm 2012. Phần lớn du học sinh lựa chọn các trường đại học tư nhân.

Tranh cãi tăng học phí

Hiện nay, các trường đại học tư nhân lại đua nhau tăng mức học phí. Phần lớn người dân Philippines phản đối điều này nhưng một số nhà hoạch định chính sách thì cho rằng tăng học phí chính là phương pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu giáo dục đang ngày càng tăng.

Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Giáo dục Đại học của Philippines (CHED) công bố 353 trong tổng số 1683 trường đại học tư nhân (PHEIs) gửi yêu cầu tăng học phí cho năm học 2014-2015. Được biết, Philippines có khoảng 2,5 triệu học sinh đăng ký học tiếp sau khi tốt nghiệp trung học. Năm 2013, Ủy ban Giáo dục Đại học (CHED) đã cho phép 354 trường đại học tư nhân tăng học phí, trung bình mỗi đơn vị học trình sẽ tăng 8,5%.

Làn sóng dư luận phản đối quyết định này dâng cao khiến Tòa án Tối cao buộc phải đưa ra một bản kiến nghị ngăn Ủy ban cho phép các trường nâng mức học phí.

Nhưng ngược lại, nhiều nhà quản lý lại cho rằng tăng học phí sẽ đi kèm với nâng cao các tiêu chuẩn đào tạo, nâng cấp giáo dục trong bối cảnh các trường đại học tư nhân phải đối mặt với sự cạnh tranh cấp độ quốc tế.

Hoài nghi về chất lượng

Gần đây, các trường đại học tư nhân hàng đầu của Philippines với các chương trình đào tạo trọng điểm bằng tiếng Anh là một hiện tượng nổi bật trong danh sách 500 nhà cung cấp dịch vụ giáo dục hàng đầu thế giới. Điều này giúp Philippines có nhiều lợi thế so với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát đăng tải trên tờ The Times Higher Education cho thấy không có một trường đại học nào của Philippines nằm trong tốp 400 trường đại học hàng đầu thế giới năm 2013. Cuộc điều tra của Quancquarelli Symonds cũng cho kết quả tương tự.

Giới chức Philippines cho rằng sự trượt dốc trong bảng xếp hạng là do chất lượng đào tạo của một số trường đại học tư nhân ở Philippines ngày càng đi xuống mà nguyên nhân sâu xa là do sự gia tăng ồ ạt về số lượng học viên.

Lấy lại vị trí

Chính phủ Philippines đã tăng 22,6% ngân sách so với cùng kỳ năm ngoái để thực hiện chương trình giáo dục mới đầy tham vọng. Phần lớn ngân sách được sử dụng để tuyển dụng giáo viên, cải thiện cơ sở hạ tầng căn bản, tạo điều kiện cho khối tư nhân có nhiều cơ hội và đóng góp nhiều hơn trong việc phát triển thêm các dịch vụ đào tạo.

Nhiều chuyên gia cho rằng tăng học phí kết hợp với thu hút đầu tư từ bên ngoài sẽ là chìa khóa giúp các trường đại học tư nhân ở Philippines lấy lại vị trí trong bảng xếp hạng quốc tế.

Bên cạnh đó, cải cách cũng sẽ là biện pháp nền tảng cho phát triển giáo dục với những thay đổi như mở rộng chương trình đào tạo cơ bản, nâng cao chất lượng các hoạt động hướng nghiệp.

Tháng 5/2013, Tổng thống Benigno Aquino III đã đưa ra một chương trình giáo dục mới. Theo đó, một năm giành cho giáo dục mẫu giáo, 6 năm giáo dục tiểu học, 4 năm giáo dục trung học và 2 năm giáo dục phổ thông. Như vậy, học sinh sẽ bước vào đại học ở tuổi 16 và trở thành cử nhân ở tuổi 20.

Mặc dù chương trình giáo dục mới này đưa ra một cách tiếp cận mới nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề chất lượng. Hơn nữa, với sự tham gia của cả nhà nước và tư nhân nên nguồn vốn lâu dài cho sự phát triển sẽ là một câu hỏi lớn.

Hằng Phạm