Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP. Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn. (Nguồn: Hanoisme) |
Trao đổi tại Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, TP. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 17.550 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 238.078 tỷ đồng, giảm 11% về số lượng doanh nghiệp và giảm 41% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, thực hiện thủ tục giải thể cho 2.274 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ, 9.702 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 11% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 8.084 doanh nghiệp, tăng 72% so với cùng kỳ. Nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội lên 318.981 doanh nghiệp.
Thu hút đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm đạt 841,8 triệu USD, trong đó đăng ký cấp mới 243 dự án với số vốn đạt 157,3 triệu USD; 91 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 486,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 309 lượt, đạt 145,6 triệu USD.
10 nhóm vấn đề chính gây khó các SME
Theo kết quả khảo sát của Hanoisme cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó, các doanh nghiệp tập trung vào 10 nhóm vấn đề chính.
Nhóm vấn đề thứ nhất, đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021 để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhóm vấn đề thứ hai, doanh nghiệp đề nghị tiếp tục giảm thuế TNDN phải nộp năm 2021 để duy trì hoạt động kinh doanh.
Nhóm vấn đề thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
Nhóm vấn đề thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp chi phí chống dịch như: chi phí xét nghiệm Covid-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và sớm tiêm phòng vaccine (đủ 2 mũi) cho đầy đủ người lao động của các doanh nghiệp. “Công xưởng có 10 người thì chỉ nên xét nghiệm 1 người đại diện, không nên cả 10 người, chi phí phát sinh lớn gây lãng phí. Hay như vấn đề phun khử khuẩn cũng nên chấm dứt… yêu cầu ngay cả khi giao hàng hoá”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Nhóm vấn đề thứ năm, doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội hết năm 2021.
Nhóm vấn đề thứ sáu, chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này;
Nhóm vấn đề thứ bảy, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc, thống nhất trên toàn quốc về việc kiểm soát lưu thông hàng hoá, kiểm soát người đi lại trong mùa dịch.
Nhóm vấn đề thứ tám, xem xét bổ sung thêm một số lĩnh vực thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu, cần được bảo vệ trong dịch bệnh và được ưu tiên duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhóm vấn đề thứ chín, đề nghị Chính phủ ban hành chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh.
Nhóm vấn đề thứ mười, xem xét các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt.
Diễn đàn Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, ngày 27/10 tại Hà Nội. (Nguồn: Hanoisme) |
Sáu giải pháp cùng gỡ khó
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Hanoisme đề xuất:
Thứ nhất, tiếp tục chủ động đối thoại, tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp để kịp thời giải quyết và báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác về hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách.
Thứ ba, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế...
Thứ tư, các Sở, ngành TP. Hà Nội triển khai đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sở, ngành quản lý.
Thứ năm, nghiên cứu, tiếp tục đề xuất giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế TNDN, thuế nhập khẩu) cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.
Thứ sáu, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm 2021, trước thực tế khó khăn của các doanh nghiệp, TP. Hà Nội đã bố trí 352.538 triệu đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, các chương trình đã triển khai như Chương trình Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch; Chương trình khuyến công; Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học; Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; Chương trình đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV; Chương trình hỗ trợ đào tạo kiến thức điều hành (CEO) cho doanh nghiệp; Chương trình bồi dưỡng kiến thức cho các hộ kinh doanh; Chương trình liên kết hợp tác các đơn vị hỗ trợ; Chương trình đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực do nữ làm chủ; Chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp thành lập mới; Biên soạn và phát hành Sách trắng doanh nghiệp Hà Nội; Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án Hỗ trợ KNST…
| Doanh nghiệp Việt cần làm gì để chinh phục thị trường Trung Đông? Thời gian qua, hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. ... |
| Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với các địa phương của Algeria Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các địa phương của Algeria, đoàn công tác của Đại ... |