Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu về quan hệ đối tác AUKUS, sau cuộc gặp ba bên, tại Căn cứ hải quân Point Loma ở San Diego, California, Mỹ, ngày 13/3/2023. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 28/6, phát biểu tại một sự kiện do tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương chủ trì ở Washington, ông Paul Myler, Phó Đại sứ Australia tại Mỹ nói rằng, việc bổ sung đối tác vào dự án quốc phòng AUKUS sẽ “phức tạp” và ông không tin Quốc hội Mỹ sẽ sẵn sàng mở rộng hiệp ước này (gồm Australia, Mỹ và Anh).
AUKUS được thành lập năm 2021 để đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
“Trụ cột” đầu tiên của AUKUS liên quan đến sự hợp tác giữa 3 đối tác Australia, Mỹ và Anh nhằm cung cấp cho Canberra các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, song cũng để ngỏ khả năng các nước khác sẽ tham gia trụ cột thứ hai để phát triển các loại vũ khí công nghệ cao khác.
Ông Paul Myler cho rằng đó là một thành tựu "gần như là phi thường” vì sau 40 năm nỗ lực cải cách các hạn chế kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, các đối tác đã gần tạo ra được một môi trường để hợp tác dễ dàng hơn và cùng phát triển.
Nhà ngoại giao này nói: “Việc bổ sung các đối tác vào quá trình đó rất phức tạp”, đồng thời lưu ý rằng, 3 đối tác của AUKUS đã cam kết thảo luận với Nhật Bản về những khả năng có thể hợp tác và quốc gia Đông Bắc Á đã thể hiện quyết tâm chính trị trong việc triển khai năng lực phòng thủ một cách kịp thời.
Phó Đại sứ Australia nhấn mạnh: “Vì vậy… có một sự liên kết cơ bản ở đó… Tôi không nghĩ Quốc hội Mỹ sẽ coi AUKUS là để mở rộng, nhưng các đối tác của AUKUS chắc chắn có thể tiếp cận và hợp tác với AUKUS”.
AUKUSvẫn phải vượt qua nhiều rào cản do những hạn chế nghiêm ngặt của Washington đối với việc chia sẻ công nghệ. Canberra và London lo ngại rằng nó có thể bị sa lầy nếu thành viên mới được bổ sung quá nhanh.
Đã có một số do dự về việc Nhật Bản tham gia, khi các quan chức và chuyên gia nhấn mạnh các “lỗ hổng” bảo mật thông tin và mạng của nước này.