Theo Phó Thủ tướng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh khiến nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp dừng sản xuất, các trung tâm thương mại, siêu thị phải đóng cửa. Cùng với đó, các tuyến giao thông, cảng biển, hàng không, đường sắt tạm dừng hoạt động.
Tuy nhiên, với sự cố gắng vượt bậc của cả tập thể, ngành Công Thương từng bước vượt qua thách thức và đạt được những kết quả quan trọng.
Nỗ lực vượt khó
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và là năm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, việc làm và đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Song, với vai trò quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong năm qua Bộ Công Thương vẫn vượt định mức nhiều chỉ tiêu, một số ngành có kết quả nổi bật. Đơn cử như ngành điện không chỉ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ cung ứng điện, bảo đảm an toàn, thông suốt, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn đầu tư cơ sở vật chất, sẵn sàng phục vụ phục hồi kinh tế. Đi trước đón đầu để đầu tư năng lượng tái tạo mới để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công Thương được tổ chức sáng 9/1 tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |
Sản lượng điện tiêu thụ đạt 255,37 tỉ kWh, tăng 3,34% so với cùng kỳ; hạ tầng cung cấp điện được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng, tiêu thụ điện, nhiều công trình lớn được hoàn thành.
Ngành điện đã hoàn thành đưa vào vận hành 7.317 MW điện, nâng tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 77.982 MW, tăng 11% so với cùng kỳ; trong đó, có 4.087 MW điện gió, từng bước chuyển đổi công nghệ năng lượng tái tạo theo tinh thần Thủ tướng cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26).
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành dầu khí với sản lượng khai thác dầu thô đạt 10,87 triệu tấn, vượt kế hoạch 1,15 triệu tấn; sản xuất xăng dầu đạt 6,37 triệu tấn, bằng 100% kế hoạch; sản xuất đạm đạt 1,69 triệu tấn, vượt kế hoạch 4,2%…
Tổng doanh thu năm 2021 đạt 618.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 26%; nộp ngân sách nhà nước 112.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 61%; lợi nhuận trước thuế đạt 41.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 145%…
Ngoài ra, các ngành công nghiệp khác như: than khoáng sản, hóa chất, phân bón, xi măng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng... có nhiều nỗ lực và đạt kết quả quan trọng.
Một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá cao như: công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế; trong đó, sản xuất máy nông nghiệp tăng 17,9%, thép cán tăng 33%, may mặc tăng 9,8%, da giày tăng 4,9% so với năm 2020.
Mặt dù các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh, phải dừng sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, lao động, nhưng đã chủ động phục hồi sản xuất, nhất là sau khi có Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Nhờ vậy, quý III/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp từ chỗ âm 3,5% đã nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng cao (đạt 6,5%) trong quý IV/2021.
Đặc biệt, tháng 12/2021 đã tăng trưởng 8,7%, giúp kết quả cả năm tăng trưởng 4,82%, cao hơn tốc độ tăng trưởng năm 2020 (tăng trưởng 3,3%).
Đối với xuất nhập khẩu năm 2021 có chuyển biến tích cực, tăng trưởng mạnh mẽ vào các tháng cuối năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Đáng lưu ý, ngành công thương đã tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU)…
Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu ngày càng phong phú; chất lượng hàng hóa được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu thị trường lớn như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia...
Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa có nhiều đổi mới, quản lý thị trường được tăng cường. Hàng hóa sản xuất trong nước phong phú cùng với hàng hóa nhập khẩu đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Phó Thủ tướng ghi nhận trong bối cảnh diễn biến phức tạp bởi đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất Chính phủ và trực tiếp triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung cầu, lưu thông, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường.
Mặt khác, triển khai các loại hình thương mại điện tử, mua hàng qua mạng, kiểm tra hàng hóa trực tuyến; thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ việc điều hành, cung ứng hàng hóa tại các địa phương bị phong tỏa, kiểm soát dịch bệnh như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Nhờ vậy, trong điều kiện giãn cách xã hội diện rộng, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, giá cả hàng hóa được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm 2020, thấp nhất trong 6 năm kể từ năm 2016.
Cùng với đó, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tạo bước đi vững chãi
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội thuận lợi và thách thức đan xen, nhưng khó khăn và thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dự báo lạm phát ở nhiều nước tăng cao.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu ngành Công Thương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng. Trước mắt tập trung cho Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng.
Toàn cảnh Hội nghị ngày 9/1. (Nguồn: TTXVN) |
Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như: dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông, lâm, thủy sản…
Ngành điện lực và các đơn vị liên quan phải thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Đặc biệt, đưa các Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Duyên Hải 2… vào vận hành trong năm 2022 theo đúng kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan đánh giá sự an toàn và hiệu quả kinh tế dự án Mở rộng Thủy điện Hòa Bình.
Ngoài ra, ngành dầu khí đẩy mạnh điều tra cơ bản, chỉ đạo các nhà thầu, doanh nghiệp tăng sản lượng khai thác, chế biến dầu khí, thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm; tối ưu hóa quy trình công nghệ, tiết giảm chi phí, hạ giá thành; tăng thu ngân sách nhà nước cao hơn năm 2021.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài; đánh giá toàn diện tác động để tận dụng tối đa lợi thế của Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Cùng với đó, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc.
Phó Thủ tướng yêu cầu năm 2022 tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, ngay sau Hội nghị này sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và góp ý của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch của ngành.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã công bố quyết định trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển ngành công thương cho các Thứ trưởng: Trần Quốc Khánh, Đỗ Thắng Hải, Đặng Hoàng An; Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng và nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng.
| 10 sự kiện tiêu biểu ngành Công Thương năm 2019 TGVN. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 500 tỷ USD, CPTPP có hiệu lực, EVFTA chính thức được ký kết là những sự kiện nổi bật ... |
| Xử lý dứt điểm doanh nghiệp yếu kém ngành Công Thương Ngày 22/2 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu ... |