Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các cử tri xã Bá Xuyên, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. |
Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước kiện toàn hơn nữa hệ thống văn bản pháp luật theo hướng tăng mức hình phạt và có những biện pháp quyết liệt hơn trong công tác phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương.
Dẫn một số vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện gần đây về nâng khống giá thiết bị y tế khiến người dân phải trả chi phí khám chữa bệnh cao hơn nhiều lần, cử tri kiến nghị Nhà nước có những biện pháp quản lý chặt chẽ giá dịch vụ y tế và xử lý thật nghiêm những đối tượng liên quan.
Cử tri Ngô Quang Tỵ kiến nghị tăng mức hình phạt đủ sức răn đe đối với những băng nhóm xã hội đen, nạn tín dụng đen cho vay nặng lãi, tội phạm công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng; hàng giả, hàng kém chất lượng… để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Để tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các giao dịch, cử tri Dương Thị Bắc đề xuất nên trao thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Công an xã thay vì thẩm quyền của Sở Tư pháp như hiện nay; nâng mức khoán để tăng nguồn chi hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách tại các xóm.
Qua thực tiễn công tác xử lý vi phạm hành chính ở địa phương, cử tri Đồng Văn Phong cho rằng quy định hiện hành về thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (7 ngày, bao gồm cả ngày lễ) là quá ngắn, nhất là đối với những hành vi được phát hiện và lập biên bản bởi UBND cấp xã nhưng thẩm quyền xử phạt là của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, ông Phong kiến nghị cần giải thích cụ thể những quy định như tình tiết tăng nặng với “hành vi có quy mô lớn”, vụ việc “có nhiều tình tiết phức tạp”, vi phạm hành chính “vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra”…, để bảo đảm việc áp dụng luật thống nhất khi xử phạt vi phạm hành chính trên thực tế.
Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất xen kẹt, đất trồng lúa, trồng rừng hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; bảo đảm biên chế giáo viên cho cấp tiểu học; tập trung nguồn lực đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến diễn đàn Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. |
Phát biểu với cử tri, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trân trọng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến diễn đàn Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.
Về công cuộc phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng cho biết từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII cho đến nay, đã kỷ luật hơn 2.370 đảng viên trong cả nước, trong đó có 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Nhiều vụ án lớn được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo, thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Phó Thủ tướng cho biết trong Kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ cũng sẽ báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng.
Đối với việc quản lý mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế giám sát chặt chẽ việc mua trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia; xử lý nghiêm các trường hợp nâng khống giá thuốc và thiết bị y tế tại các bệnh viện và các trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
Cũng trong buổi tiếp xúc cử tri, Phó Thủ tướng đã cập nhật tình hình phát triển kinh tế-xã hội và công tác đối ngoại của đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đa chiều và tiêu cực trên phạm vi toàn cầu.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt 2,12% trong khi dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4% trong năm 2020.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 làm đứt gãy thương mại quốc tế nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữa được mức tăng trưởng dương, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 388 tỷ, tăng 1,8% trong 9 tháng đầu năm.
Các hoạt động đối ngoại vẫn tiếp tục được triển khai một cách chủ động với tần suất cao hơn so với những năm trước, chỉ khác về phương thức (từ trực tiếp sang trực tuyến), trong đó đã có 27 cuộc điện đàm trực tuyến giữa lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với các nước trên thế giới, trong đó có những đối tác chủ chốt.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức các Hội nghị trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác theo đúng kế hoạch, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, công tác bảo hộ công dân được đẩy mạnh, thể hiện sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Đảng và nhà nước đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Theo thống kê, Việt Nam đã tổ chức hơn 140 chuyến bay đến hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ và đưa về nước an toàn trên 40.000 công dân. Dự kiến đến cuối tháng 10, sẽ có thêm khoảng 10.000 công dân Việt Nam được đưa về nước.