TIN LIÊN QUAN | |
Australia coi Việt Nam là đối tác chủ chốt ở Đông Nam Á | |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn tại Quốc hội |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sáng 6/6. |
Từ 4-6/6 đã có 230 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn và xây dựng. Các đại biểu đã nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tập trung, đi thẳng vào vấn đề chất vấn. Nhiều đại biểu tranh luận, làm rõ các vấn đề quan tâm, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, tiếp tục có các giải pháp phù hợp để khắc phục. Cơ bản các đại biểu Quốc hội hài lòng với nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ. |
Ngày 6/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh lần đầu tiên thay mặt Chính phủ báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội, giải trình một số vấn đề cử tri cả nước quan tâm, đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Chủ động ứng phó tình hình
Trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã cập nhật tình hình 5 năm tháng đầu năm 2019. Theo đó, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến nhanh, phức tạp, xung đột thương mại tiếp diễn khó lường; ở trong nước, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống; nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực của 4 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; còn nhiều vấn đề dư luận bức xúc, người dân quan tâm như: đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, tai nạn giao thông,...
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quốc tế và trong nước; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu cao nhất cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 theo Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đã báo cáo cụ thể tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; việc phát triển doanh nghiệp; khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học – cao đẳng; vấn đề đạo đức xã hội; công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng.
“Điểm nóng” căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương (4-6/6), nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV đối với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. |
Sau khi trình bày báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trả lời chất vấn của các đại biểu về hàng loạt nội dung như: ngoại giao văn hóa và quảng bá du lịch, giải pháp xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc gắn mác Việt Nam, hành động của Việt Nam trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, phát huy cơ hội trong triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA), giải ngân vốn ODA, vấn đề bảo vệ ngư dân trên biển,...
Liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Phó Thủ tướng cho biết đây là vấn đề thu hút sự quan tâm không chỉ trong nước mà còn cả thế giới. Nếu cuộc cạnh tranh này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Với Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở lớn, bất cứ tác động ảnh hưởng của kinh tế thế giới đều tác động ảnh hưởng đến kinh tế nước ta.
Để ứng phó, Việt Nam đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án, biện pháp cần thiết để bảo đảm kinh tế tiếp tục phát triển, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tránh tác động đến tỷ giá, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư.
Trả lời chất vấn của đại biểu về tận dụng cơ hội từ các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam, ngày 14/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP, trong đó xác định nhiệm vụ triển khai các cam kết Hiệp định này và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định.
Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi bổ sung 8 luật có liên quan thực hiện cam kết Hiệp định, 4 nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Quản lý ngoại thương và an toàn kỹ thuật. Đến nay, qua 5 tháng thực hiện CPTPP, thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên CPTPP tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái… Điều đó cho thấy tác động tích cực của CPTPP bắt đầu phát huy tác dụng. Khẳng định điều này, song Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, điều quan trọng là doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội CPTPP để thúc đẩy xuất nhập khẩu với các nước ký Hiệp định.
Toàn cảnh buổi làm việc ngày 6/6. |
Cơ quan ngoại giao quảng bá du lịch
Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về Ngoại giao văn hóa, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hội nhập văn hóa là chủ trương quan trọng, bên cạnh hội nhập chính trị - kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Chiến lược về Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, trong đó, tập trung vào việc quảng bá văn hoá thông qua hoạt động của các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thường xuyên tổ chức những ngày hội văn hoá Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá văn hóa tới bạn bè quốc tế.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục vận động UNESCO công nhận các di sản văn hoá Việt Nam. Hiện tại, 38 di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.
Ngoài ra, Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ những hội nghị quốc tế như APEC 2017, Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 để tăng cường quảng bá nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hiện tại, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng đang nỗ lực để quảng bá du lịch Việt Nam.
Bảo hộ công dân được quan tâm
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định lập trường rằng Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Quan điểm của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền trên biển đảo. Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Liên quan đến việc bảo vệ ngư dân trên vùng biển chưa phân định, Phó Thủ tướng khẳng định bảo hộ công dân, ngư dân là nhiệm vụ quan trọng, được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm. Thời gian qua, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ ngư dân đánh cá hợp pháp trong các vùng biển của Việt Nam; yêu cầu các nước đối xử nhân đạo với ngư dân, thả và bồi thường nếu gây thiệt hại.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, các thành viên Chính phủ đã trả lời trực tiếp vào vấn đề được hỏi, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu, nhân dân và cử tri cả nước quan tâm
| Ngày 22/5: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội XIV thảo luận tổ về kinh tế - xã hội Theo chương trình, ngày 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội và thảo luận tại Hội trường về dự án ... |
| Trên 3.500 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp ... |
| Chính phủ đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Trình bày Báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XIV sáng nay, Phó Thủ tướng Thường ... |