📞

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Việt Nam phải đổi mới tư duy phát triển, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN lần thứ 4

Anh Sơn 14:22 | 30/10/2020
TGVN. Là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị ‘Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam’ đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Việt Nam phải đổi mới tư duy phát triển, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc CMCN lần thứ 4. (Ảnh Tuấn Anh)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh sáng kiến của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện vào thời điểm các tầng lớp nhân dân đang đóng góp ý kiến cho các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự tham dự các doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các đại biểu ở các múi giờ khác nhau trên thế giới đã không quản thời gian, giờ giấc thu xếp tham dự hội nghị. Phó Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn sẵn sàng và thường xuyên lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết và quý báu của bà con đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, sau 90 năm thành lập Đảng, 75 năm giành được độc lập, 45 năm thống nhất đất nước, và 35 năm triển khai công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta đã đạt được những thành tựu vô cùng đáng tự hào.

Thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ta đang đứng trước những vận hội mới để bứt phá, phát triển nhanh và bền vững. “Việt Nam bước vào giai đoạn chiến lược mới - giai đoạn đổi mới toàn diện, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với lợi thế của nước đi sau, đi thẳng vào những lĩnh vực mới của nền kinh tế số, Việt Nam có cơ hội tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao, bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) sang tăng trưởng dựa vào tri thức.

Nhận thức rõ cơ hội này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ, trên cơ sở Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 17/4/2020, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này; ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; và đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Với tầm nhìn này, Việt Nam coi chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng các đại biểu tham quan các gian hàng công nghệ trưng bày tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam đã không chỉ trở thành quốc gia thành công nhất trong việc khống chế và đẩy lùi đại dịch, mà còn tận dụng tốt cơ hội này để triển khai chuyển đổi số quốc gia.

Phó Thủ tướng cho biết, giai đoạn vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động khối cơ quan chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Các doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng công nghệ, thay đổi cách thức, mô hình hoạt động để thích ứng và phát triển.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia phát triển nhiều ứng dụng công nghệ thông tin nhất trong phòng chống Covid-19. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng những thách thức trước mắt là không hề dễ dàng vượt qua. Đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của nền kinh tế, gây thiệt hại lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra.

Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta đã nỗ lực phòng chống, nhưng bão lũ, thiên tai bất thường vẫn gây thiệt hại rất nặng nề. Trong những ngày qua, bão và lũ lụt rất lớn ở miền Trung đang gây nhiều tổn thất về người và tài sản.

Chính phủ đã, đang và sẽ làm hết sức mình tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động. Kinh tế số có quy mô nhỏ.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, trong đó cần tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, để đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ, thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hoá khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ, ngay từ những ngày đầu dựng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn khuyến khích kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hàng chục trí thức Việt kiều tại Pháp đã tình nguyện trở về Việt Nam năm 1946, trong đó nổi bật nhất có những vị như Trần Đại Nghĩa, Phạm Huy Thông, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Võ Đình Quỳnh... Những trí thức kiều bào ấy đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ, sung túc để trở về đóng góp công sức, trí tuệ, chung tay đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà.

Tiếp bước những nhân sỹ, trí thức yêu nước thuộc thế hệ thứ nhất, lớp trí thức thế hệ thứ hai cũng đang đóng góp hiệu quả cho công cuộc phát triển đất nước. Các mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài như Nhóm Sáng kiến Việt Nam, Nhóm Chuyên gia và Khoa học toàn cầu (AVSE), mạng lưới kiều bào trẻ về nước lập nghiệp, mạng lưới đổi mới sáng tạo với sự tham gia của các chuyên gia, trí thức người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài đã được hình thành.

Sự xuất hiện của các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài về nước lập nghiệp, đầu tư, kinh doanh, xây dựng thành công nhiều doanh nghiệp mạnh hàng đầu của đất nước, cũng đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ.

Sự tham gia của 4 người Việt Nam ở nước ngoài trong tổng số 15 thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ là minh chứng rõ nét cho sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với hiệu quả đóng góp của trí thức kiều bào.

Vì vậy, Đảng và Nhà nước có niềm tin vững chắc rằng, với sự đồng lòng và chung sức của cộng đồng hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước, với sự đồng hành của 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày một lớn mạnh, trong đó 500.000 trí thức, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học..., “chúng ta hoàn toàn có thể biến “nguy” thành “cơ” và hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các đại biểu Trung ương, địa phương dự Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào cùng với đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, đóng góp những ý kiến thiết thực để thực hiện mục tiêu kép, vừa khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.

Thứ nhất, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tư duy. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, đề xuất giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi nhận thức, tư duy của toàn xã hội về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng, thể chế là động lực của chuyển đổi số. Thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị cần trao đổi sâu, đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện, kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau. Hiện nay, thiếu hụt nguồn nhân lực vẫn là điểm nghẽn cản trở tiến trình chuyển đổi số của nước ta.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng các đại biểu tham quan các gian hàng công nghệ trưng bày tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo dự báo, để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, chúng ta hiện còn thiếu ít nhất 400.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong khi đó, các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị các trí thức kiều bào cùng chung tay đưa ra giải pháp và trực tiếp đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị đóng góp ý kiến để TP Hồ Chí Minh đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới dựa trên tri thức, tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Đây là một trong những quan điểm và phương hướng phát triển mang tính đột phá của TP Hồ Chí Minh đã được thông qua tại Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI vừa qua.

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự góp sức của kiều bào, TP Hồ Chí Minh và cả nước sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ để vươn lên mạnh mẽ và phát triển phồn vinh.