📞

Phó Thủ tướng: Tập trung gỡ vướng pháp lý của các dự án yếu kém

19:26 | 21/09/2018
Chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành công thương chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo.

Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty trong khắc phục những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, sản xuất kinh doanh để tạo ra những chuyển biến tích cực như hiện nay.

“Cách đây hơn 1 năm khi Ban chỉ đạo bắt đầu nhận nhiệm vụ từ Thủ tướng Chính phủ, đi kiểm tra 9/12 dự án thì tình hình rất ảm đạm, vô cùng khó khăn nhưng tới nay nhiều dự án đã có chuyển biến tốt, sáng sủa”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Cụ thể, Bộ Công Thương thực hiện chuyển đổi dùng xăng E5 thay cho xăng A92 từ đầu năm 2018 đã góp phần thúc đẩy việc tiệu thụ nhiên liệu sinh học. Phó Thủ tướng cho biết sắp tới, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội việc sửa thuế suất đối với xăng sinh học, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học, hỗ trợ cho tiến trình hợp tác đầu tư, đưa 2 nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước đi vào hoạt động.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước áp dụng các giải pháp cơ cấu lại các vấn đề tài chính (cho phép điều chỉnh khấu hao, thời gian trả nợ), tín dụng nói chung theo nguyên tắc thị trường để hỗ trợ cho việc xử lý các dự án, nhà máy.

“Các giải pháp cơ cấu lại tài chính là dành cho các doanh nghiệp nói chung, chưa có một giải pháp hành chính cá biệt nào cho từng dự án, không bỏ thêm tiền của Nhà nước vào các dự án, thậm chí còn rút được 1.000 tỷ đồng từ vốn góp của SCIC vào Thép Thái Nguyên giai đoạn 2”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Tư pháp đã hỗ trợ Tổng công ty Thép đàm phán lại các vấn đề pháp lý tại Nhà máy thép Việt- Trung, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa Tổng công ty Thép với các nhà đầu tư Trung Quốc, tạo điều kiện đưa nhà máy đẩy mạnh hoạt động và có lãi...

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã cơ cấu lại chi phí sản xuất, cắt giảm lao động tại các nhà máy phân đạm, DAP, bảo đảm giá thành cao hơn biến phí và kết quả là một số nhà máy hoạt động đã có lợi nhuận, một số đã giảm lỗ. “Phân bón, nhất là đạm xanh đặc thù của Hà Bắc sản xuất đến đâu bán hết đến đấy, đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ổn định tình hình an ninh chính trị, an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với quá trình hỗ trợ cho sự hồi sinh, lối thoát cho mỗi dự án, Phó Thủ tướng cho biết các dự án đều được kiểm toán, thanh tra trách nhiệm các bên liên quan, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

Trưởng Ban chỉ đạo cho biết việc thực hiện các giải pháp đặt ra trong kế hoạch triển khai hành động sẽ góp phần để năm 2018 xử lý căn bản các vướng mắc và tới năm 2020 sẽ cơ bản xử lý xong các yếu kém, thua lỗ của 12 dự án, nhà máy trong danh sách.

Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp trong quý IV/2018 chủ trì phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước cùng lãnh đạo 4 tập đoàn, tổng công ty tổng hợp, rà soát các vướng mắc về pháp lý để tư vấn cho Ban chỉ đạo, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền khác định hướng xử lý các vướng mắc. “Đây là giải pháp trọng tâm nhất”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bộ Tài chính rà soát các kiến nghị vượt thẩm quyền của các tập đoàn, tổng công ty về bán tài sản khấu hao; giải quyết theo thẩm quyền cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ở một số dự án yếu kém, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đánh giá thuế xuất khẩu phân bón, thuế nhập khẩu thạch cao…

Ngân hàng Nhà nước chủ trì họp về tái cơ cấu nợ ở các tổ chức tín dụng tham gia các dự án, nhà máy thua lỗ yếu kém thuộc thẩm quyền của Thống đốc.

“Tiếp tục cơ cấu mạnh hơn, không thể cơ cấu nợ nửa vời được vì sẽ càng ảnh hưởng tới ngân hàng và dự án. Hỗ trợ cho việc giải chấp nghĩa vụ bảo lãnh cho quá trình thoái vốn của Tisco ở Thép Thái Nguyên giai đoạn 2”, Phó Thủ tướng nói.

Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát việc bảo đảm môi trường tại các dự án, nhà máy, đôn đốc việc xác nhận xử lý sự cố môi trường vỡ bãi thải Gyp ở DAP 2 Lào Cai để nhà máy tiếp tục đi vào hoạt động.

Bộ Công Thương đánh giá rõ tác động của vấn đề thương mại toàn cầu tới các mặt hàng sản xuất, khuyến cáo các tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp…

Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp theo Đề án được phê duyệt, chú ý đẩy mạnh một bước xử lý các vướng mắc của hợp đồng EPC trong quý IV; tăng cường quản trị cả về sản xuất kinh doanh, chi phí giá thành, nhân lực, tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc phát sinh khi cơ cấu lại các dự án này.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao trong quý IV, các tập đoàn khởi động lại toàn bộ các dây chuyền của PVTEX; đưa 2 nhà máy nhiên liệu sinh học hoạt động; xem xét phương án giải thể dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ; triển khai phương án bán đấu giá sản phẩm tồn kho của Nhà máy Bột giấy Phương Nam; tiếp tục giảm lỗ, tăng lãi ở các nhà máy còn lại.

Khi các nhà máy này “lên được mặt đất”, có hoạt động, có sản phẩm, có lợi nhuận thì Nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hoá hoặc bán, chứ không "ôm lấy" để tái cơ cấu nữa, Phó Thủ tướng nói.