Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải. |
Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tới Ấn Độ và dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Gujarat đầy sức sống (Vibrant Gujarat Global Summit) lần thứ 10 từ ngày 9-12/1 là sự kiện trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên trong năm giữa hai nước. Đại sứ có thể cho biết ý nghĩa của chuyến thăm này?
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Gujarat đầy sức sống là sáng kiến của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được tổ chức định kỳ hai năm một lần từ năm 2003, khi ông còn giữ chức Thủ hiến bang Gujarat. Mục tiêu của Hội nghị lần này là tạo diễn đàn kết nối kinh doanh, chia sẻ kiến thức và thiết lập quan hệ hợp tác vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững.
Hội nghị đã thu hút sự tham gia của nguyên thủ một số quốc gia, các bộ trưởng, lãnh đạo của các tập đoàn lớn từ nhiều nước, đại diện của các tổ chức quốc tế và hàng chục nghìn đại biểu khác của hầu hết các nước trên thế giới.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Gujarat đầy sức sống. Chuyến thăm của Phó Thủ tướng đến Ấn Độ vào những ngày đầu tiên của năm 2024 và tham dự Hội nghị từ ngày 10-11/1, tại thành phố Gandhinagar, bang Gujarat có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước, khẳng định chính sách của Việt Nam coi trọng quan hệ với Ấn Độ, ủng hộ các sáng kiến, diễn đàn do Ấn Độ chủ trì tổ chức phù hợp với lợi ích của hai bên và cộng đồng quốc tế.
Chuyến thăm nhằm tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo ta và lãnh đạo cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ, thúc đẩy cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với bang Gujarat nói riêng và với Ấn Độ nói chung.
Hội nghị thượng đỉnh Vibrant Gujarat cơ hội để Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ và bang Gujarat về các biện pháp và cách thức thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên. (Nguồn: Reuters) |
Hội nghị thượng đỉnh Vibrant Gujarat là điểm thu hút sự chú ý của giới kinh doanh, công nghệ toàn cầu. Vậy Việt Nam có thể trông đợi gì từ việc tham dự sự kiện này?
Gujarat là một trong những bang lớn nhất Ấn Độ (diện tích lớn thứ 5 cả nước với hơn 60 triệu dân), do Đảng Nhân dân Ấn Độ BJP cầm quyền lãnh đạo.
Khi còn giữ cương vị Thủ hiến bang Gujarat, Thủ tướng Narendra Modi đã triển khai nhiều chiến lược thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, biến Gujarat thành trung tâm công nghiệp và thương mại lớn nhất ở phía Tây Ấn Độ. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ, trong đó có Adani, tập đoàn đang quan tâm và cam kết đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào các dự án tại Việt Nam.
Tham dự Hội nghị Gujarat đầy sức sống lần này về phía Ấn Độ có Thủ tướng Narendra Modi, một số bộ trưởng liên bang và lãnh đạo chính quyền bang Gujarat. Đây là cơ hội để Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ và bang Gujarat về các biện pháp và cách thức thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam với Ấn Độ nói chung, và giữa các địa phương hai nước nói riêng, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Trong thời gian tham dự Hội nghị thượng đỉnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc, gặp Thủ tướng Narendra Modi, Thủ hiến bang Gujarat Shri Bhupendra Patel, Bộ trưởng Công thương Piyush Goyal. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đến phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, đến thăm khu gian hàng triển lãm của Việt Nam, thăm và làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu như các tập đoàn Adani, Zydus, SMS Phamaceutical, UNO Minda…
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng dự kiến sẽ có các cuộc gặp với Trưởng đoàn các nước dự Hội nghị, trong đó có Thủ tướng Czech, Tổng thống Mozambique. Các thành viên trong đoàn Việt Nam cũng tham dự các phiên thảo luận sôi nổi, đa dạng về nhiều chủ đề khác nhau trong khuôn khổ Hội nghị.
Trong các buổi gặp và làm việc nói trên, Phó Thủ tướng giới thiệu chính sách phát triển kinh tế-xã hội, khuyến khích đầu tư, thương mại, du lịch của Việt Nam, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Ấn Độ nói chung và với Gujarat nói riêng; chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm xây dựng chính sách của ta liên quan đến 3 chủ đề của Hội nghị về Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ và đổi mới và phát triển bền vững.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Ấn Độ, trong đó có có bang Gujarat đang khai phá những cột mốc mới. Vậy hai nước cần có chiến lược như thế nào để hợp tác kinh tế song phương đạt được những kết quả lớn hơn nữa?
Quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ trong nhiều năm qua phát triển tốt đẹp. Quan hệ chính trị được tăng cường thông qua các hoạt động trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc song phương giữa hai nước. Việc triển khai tích cực các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp và các tiểu ban hợp tác và các cơ chế đối thoại trên các lĩnh vực đã góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Sau đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại đã phục hồi mạnh mẽ, đạt 15 tỷ USD trong năm 2022, và 11 tháng đầu năm 2023 đạt 13,2 tỷ USD. Đến nay đã có 60 chuyến bay trực tiếp giữa hai nước mỗi tuần, gấp 10 lần so với trước đại dịch.
Trong năm 2023, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất, hơn 392 nghìn lượt khách, tương đương mức tăng 230% so với năm 2019, đưa Ấn Độ trở thành một trong 10 thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam.
Hợp tác đầu tư có tín hiệu khởi sắc với việc các tập đoàn lớn của Ấn Độ đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa và giao lưu nhân dân tiếp tục được tăng cường và mở rộng.
Tuy nhiên, các thành tựu này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên. Để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, tôi cho rằng hai bên cần tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhằm định hướng cho quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Đồng thời, hai bên cần tích cực triển khai các thỏa thuận mà hai nước đã đạt được, trong đó có kết quả kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ diễn ra vào tháng 10/2023, Thỏa thuận khung về hợp tác nông nghiệp...
Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ cần tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thâm nhập thị trường của nhau và tăng cường đầu tư trong những lĩnh vực hai bên có thế mạnh. Trong đó ta cần tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh như công nghệ thông tin, hạ tầng cơ sở, cảng biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm.
Một trong những biện pháp quan trọng nữa là cần tăng cường các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước, thông qua đó thúc đẩy du lịch, giao lưu nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước.
Xin cảm ơn Đại sứ!
| Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Tập đoàn Adani, Ấn Độ Việt Nam luôn hoan nghênh và sẵn sàng chào đón các Tập đoàn lớn của Ấn Độ, trong đó có Tập đoàn Adani, sang Việt ... |
| Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Vibrant Gujarat Nhận lời mời của Thủ hiến bang Gujarat, Ấn Độ Bhupendra Patel, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ tham dự Hội nghị ... |
| Hội chợ Ấn Độ tại Việt Nam: Thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa người dân hai nước Ngày 25/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức ‘Hội chợ Ấn Độ - Ngày hội của sự thống nhất trong đa ... |
| Thước phim quý về ba chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh Ngày 28/12, Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức buổi thông tin chuyên đề “Phim ... |
| Ấn Độ phải tăng cường quan hệ với Việt Nam Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986. Kết quả thật ngoạn mục. Hãy đến Việt Nam để xem lịch sử chữa ... |