📞

Phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ theo tiêu chuẩn quốc tế, ngăn chặn trước khi xảy ra

Lê An 15:39 | 11/05/2022
Lần đầu tiên, RESPECT WOMEN (Tôn trọng Phụ nữ)– Khung lý thuyết và thực hành toàn cầu về phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ (BLPN) đã được giới thiệu và tập huấn chuyên sâu tại Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực cho các bên liên quan.

Khóa tập huấn Nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ theo khung lý thuyết và thực hành toàn cầu RESPECT WOMEN do các cơ quan Liên hợp quốc gồm UN Women, WHO, UNFPA và Nhóm chuyên đề về giới của Liên hợp quốc phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức trong 3 ngày tại Hà Nội.

Đại biểu tham dự khoá tập huấn vừa được tổ chức tại Hà Nội. (Nguồn: BTC)

RESPECT WOMEN là tên viết tắt của khung lý thuyết và thực hành do WHO và UN Women cùng với 10 cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc phát triển năm 2019, theo các nguyên tắc về tôn trọng và bình đẳng cũng như các bài học dựa trên bằng chứng từ các can thiệp hiệu quả về phòng ngừa bạo lực với phụ nữ trên toàn thế giới.

UN Women và WHO sau đó đã phát triển Gói tài liệu hướng dẫn thực hiện khung RESPECT WOMEN để hỗ trợ các quốc gia, các tổ chức xã hội và các cơ quan Liên hợp quốc áp dụng Khung này trong thực tiễn.

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp song tình trạng bạo lực trên cơ sở giới ở phạm vi toàn cầu, cũng như ở Việt Nam vẫn còn khá phổ biến.

Để giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, trong đó cách tiếp cận dựa vào cộng đồng và sự tham gia phối hợp liên ngành, đa tổ chức đóng vai trò rất quan trọng.

Chúng ta cũng cần phát huy các sáng kiến ​​nhằm giải quyết các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của bạo lực, bao gồm các chuẩn mực xã hội về vai trò giới và sự cam chịu, chấp nhận, “bình thường hóa” hành vi bạo lực của người bị bạo lực cũng như cộng đồng.

Người gây bạo lực cần phải được xử lý nghiêm minh, người bị bạo lực cần được bảo vệ và ổn định cuộc sống. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta cần làm tốt hơn công tác phòng ngừa để giảm thiểu các hệ quả tiêu cực của bạo lực cũng như sự tổn thương của mỗi cá nhân và xã hội”.

Phát biểu tại lớp tập huấn, bà Caitlin Wiesen - quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Nghiên cứu đã cho thấy có quá nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực không tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ, vì vậy điều cấp bách nhất hiện nay là phải tiến hành việc ngăn chặn bạo lực trước khi nó xảy ra.

Phòng ngừa, giải quyết các nguyên nhân cơ cấu, cũng như các yếu tố nguy cơ và bảo vệ liên quan đến bạo lực là cốt lõi để loại bỏ hoàn toàn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Chiến lược phòng ngừa thành công đòi hỏi phải có cam kết chính trị, thực hiện các luật thúc đẩy bình đẳng giới, đầu tư vào các tổ chức của phụ nữ và giải quyết nhiều hình thức phân biệt đối xử mà phụ nữ phải đối mặt hàng ngày”.

Thông qua khóa tập huấn này, hơn 50 đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương cũng như các tổ chức xã hội hoạt động tích cực trong lĩnh vực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được nâng cao năng lực về công tác phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.

Các nội dung theo cách tiếp cận toàn diện với 7 chiến lược của RESPECT WOMEN bao gồm:

E –Trao quyền cho phụ nữ

S –Bảo đảm dịch vụ

P –Giảm đói nghèo

E –Tạo môi trường an toàn

C –Ngăn ngừa bạo hành trẻ em và trẻ vị thành niên

T –Thay đổi thái độ, niềm tin và định kiến

Trong suốt khóa tập huấn, các đại biểu và chuyên gia quốc tế đã cùng phân tích chuyên sâu từng chiến lược của Khung RESPECT WOMEN, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam để xây dựng các chiến lược phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ hiệu quả trong tương lai.

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong cuộc đời.

Hơn 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.