📞

Phụ huynh lo sợ con 'sốc' khi đi học trở lại

Kiều Phương 10:48 | 03/11/2021
Hiện nay, nhiều địa phương đã mở cửa trường học sau một thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng con bị 'sốc' khi đi học trở lại.
Nhiều tỉnh thành đã mở cửa trường học cho trẻ đi học trở lại.

Lịch sinh hoạt bị xáo trộn đáng kể

Từ đầu tháng 7, phụ huynh Nguyễn Ngọc Thúy (Thường Tín, Hà Nội) gửi con gái học lớp 6 về quê cùng ông bà ở Hải Phòng. Dù học sinh tại Hải Phòng được đi học trực tiếp, song chị không đăng ký cho con học vì gặp khó khăn trong việc đưa đón. Thay vào đó, người mẹ chọn giải pháp để con học online theo lớp tại Hà Nội, chấp nhận "được chữ nào hay chữ nấy".

Khi nghe tin con gái thuộc nhóm học sinh được trở lại trường tại Hà Nội từ 8/11, chị Thúy tỏ ra phấn khởi và ngay lập tức về quê đón con lên thành phố. Với chị, đi học trở lại đồng nghĩa với việc con không còn phải chịu cảnh học "chữ được chữ không".

Thế nhưng, bên cạnh niềm vui, người mẹ này không khỏi băn khoăn và gặp khó trong quá trình giúp con bắt nhịp trở lại với trường lớp sau thời gian dài học trực tuyến.

"Khi năm học mới bắt đầu, mặc dù phải học online nhưng con vẫn thảnh thơi bởi bài vở của lớp 6 không quá nặng. Ông bà ở quê lại yêu chiều, giúp cháu làm hết mọi việc nên ngoài việc học, con được thoải mái ngủ nghỉ, vui chơi.

Khi thông báo con chuẩn bị đi học trở lại, trái với vẻ vui mừng của bố mẹ, con ỉu xìu và than thở không muốn đi học, bởi đã quá quen với nếp sinh hoạt được hình thành trong nửa năm nay. Đặc biệt, con còn tỏ ra ngại đến trường bởi vừa mới "chân ướt chân ráo" vào cấp 2, bạn bè con chưa thân với ai, tất cả chỉ được nhìn thấy nhau qua màn hình máy tính", chị Thúy tâm sự.

Phụ huynh Lê Hoàng (Đan Phượng, Hà Nội) cũng rơi vào nỗi lo tương tự. Anh cho biết, trong khoảng thời gian học online, trừ thời gian học cố định từ 7h45 đến 11h mỗi ngày, những "khoảng nghỉ" còn lại, vợ chồng anh chị đều cho con toàn quyền "tự quyết" và hoạt động tự do. Vì vậy, quay trở lại trường học đồng nghĩa với những thói quen, nề nếp sinh hoạt của con bị xáo trộn một cách đáng kể.

Anh nói: "Ở nhà học trực tuyến, con chỉ cần dậy trước 15 phút để ăn sáng và mở máy, chuẩn bị cho buổi học. Trong khi đó, đến trường học trực tiếp thì lại khác. Thời gian học bắt đầu sớm hơn, lại mất thời gian di chuyển, do đó, con sẽ phải thức giấc sớm hơn rất nhiều.

Điều này cũng kéo theo hàng thói quen như: xem ti vi, làm bài tập, đi ngủ… phải thay đổi. Với người lớn, tinh thần tự giác cao, những xáo trộn này sẽ chẳng là gì. Tuy nhiên, con năm nay mới học lớp 5, tôi e rằng sẽ phải mất thời gian dài để con sắp xếp và thích nghi với nề nếp mới".

Phấn khởi khi sắp gặp lại thầy cô và bạn bè, song trước ngày trở lại trường, Vũ Huyền Thương (học sinh lớp 12 tại Thường Tín, Hà Nội) cũng không khỏi lo lắng. Không học trực tiếp 6 tháng, Thương tự hỏi liệu rằng khi đi học trở lại, mình có thể nhanh chóng bắt nhịp với lịch sinh hoạt mới hay không.

Thương tâm sự: "Năm nay cuối cấp, em cũng muốn đến trường để được học tập tốt hơn, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, em vẫn cảm thấy có chút gì đó trống trải và sợ hãi…

Sợ rằng khi đi học trở lại, em sẽ rơi vào những ngày học thêm, học bù triền miên. Chưa kể phải dậy sớm đi học, thức khuya làm bài, giờ giấc không được thoải mái như khi học trực tuyến.

Chưa đầy một tuần nữa là tới trường, trong khi có quá nhiều thứ cần sắp xếp và thay đổi. Không biết em có bắt nhịp kịp không, mặc dù em đã luôn tự nhủ với bản thân rằng cần cố gắng…".

Chuẩn bị hành trang cho trẻ khi trở lại trường

Theo nhà giáo Ngọc Hà (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội), trở lại trường sau một khoảng thời gian dài nghỉ dịch Covid-19, kéo theo những thay đổi về thời khóa biểu và thói quen sinh hoạt, do đó, "ngại đến trường" là tâm lý chung của nhiều học sinh, nhất là trong điều kiện miền Bắc đang dần bước vào những ngày mưa rét.

Tuy nhiên, cô Hà cho hay, thay vì lo lắng, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động chuẩn bị cho con hành trang tốt nhất để con thích nghi với môi trường học tập:

"Tương tự như người lớn, thời gian giãn cách kéo dài cũng khiến trẻ hình thành những thói quen và nề nếp mới. Nhiều em có thể đã quen với việc sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên và không muốn ra ngoài vận động, hay chuyển đổi từ học trực tuyến qua học trực tiếp cũng khiến con lo lắng và không kịp thích nghi.

Để con không cảm thấy "sốc" khi trở lại trường, cha mẹ nên cùng con thay đổi và xây dựng lại thời gian biểu. Điều này được thể hiện ở những thói quen nhỏ nhất như thay đổi giờ ngủ và thức dậy, giờ giải trí (ví dụ như xem ti vi, đọc truyện…).

Bố mẹ có thể cùng con trang trí lại góc học tập sao cho mới mẻ hơn, bởi biết đâu một không gian mới sẽ đem lại cho con niềm say mê, hứng thú".

Phụ huynh nên để trẻ tự mặc đồng phục, tự ăn hay tự chuẩn bị sách vở. Không chỉ khiến trẻ thích nghi với trường học dễ dàng hơn, điều này còn giúp các ông bố, bà mẹ bớt bận rộn khi không phải "ôm đồm", chăm lo cho các em quá nhiều.

Tuy nhiên, việc rèn tính tự giác cho trẻ không thể chỉ làm trong ngày một, ngày hai, mà cần rất nhiều thời gian, công sức và sự định hướng của cha mẹ".

Cũng theo nhà giáo này, bên cạnh sự chuẩn bị về mặt vật chất, phụ huynh cần lưu ý tới yếu tố tinh thần của trẻ.

Cô nói: "Trước khoảng thời gian trở lại trường, bố mẹ hãy dành thời gian để tâm sự, trò chuyện và thấu hiểu những kỳ vọng, cũng như băn khoăn, trăn trở của các con. Bố mẹ hãy đưa ra sự định hướng để giúp trẻ có cái nhìn đúng đắn về cách cư xử phù hợp hơn với bạn bè, thầy cô khi tới lớp, nhất là với học sinh tiểu học.

Nhiều trẻ còn có nỗi sợ vu vơ như: "Con sợ đi học, bạn lại chê con béo", hay "Tới lớp, bạn hay "dùng chung" đồ dùng học tập của con"...

Theo tôi, bất kể nguồn gốc cơn lo lắng của trẻ là gì, cha mẹ vẫn cần đồng cảm và giúp con đưa ra hướng giải quyết một cách phù hợp nhất. Được "giải tỏa" nỗi lo, trẻ mới có tâm thế quay trở lại trường".

Cô giáo Phạm Thị Gấm cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của phụ huynh, nhà trường và thầy cô cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ thích nghi với trường lớp sau kỳ nghỉ dài "kỷ lục".

Theo đó, khi trở lại trường, bên cạnh việc trau dồi kiến thức, giáo viên có thể dành cho học sinh sự quan tâm bằng những hành động nhỏ như hỏi thăm, động viên hay khích lệ…

Chuyển đổi từ hình thức trực tuyến sang trực tiếp khiến học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, đặc biệt với những em có học lực kém. Vì vậy, cô Gấm cho rằng, thay vì chỉ trích, phàn nàn thầy cô cần đồng cảm, thậm chí là thay đổi cách dạy (có thể dạy chậm rãi hơn) để các em có niềm tin và thích ứng một cách nhanh nhất.

Cô Gấm chia sẻ: "Khi đi học trở lại, việc củng cố kiến thức là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, cần thiết lập làm sao để điều này không trở thành nỗi "ám ảnh", gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Vấn đề này không chỉ nằm ở phía giáo viên, mà cần có sự cân nhắc, sắp xếp đến từ bộ máy quản lý của mỗi nhà trường".

(theo Dân trí)