Việc không tổ chức bán trú cho học sinh khiến nhiều phụ huynh gặp nhiều trở ngại. |
Hôm nay 11/2, học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 18 huyện, thị xã tiếp tục đến trường buổi thứ 2.
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; không tổ chức bán trú, căng tin ăn uống trong trường.
Yêu cầu này cũng được áp dụng đối với tất cả các trường đang tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn thành phố.
Nhiều phụ huynh cho rằng, việc học sinh tiểu học chỉ học trực tiếp 1 buổi/ngày, nhà trường không tổ chức bán trú gây rất nhiều khó khăn, vất vả cho gia đình.
Theo đó, bố mẹ sáng đưa con đến trường, rồi đến cơ quan chưa được bao lâu lại đến giờ đi đón con về nhà, rồi lại lo ăn uống để chiều con tiếp tục học online.
Sau 8 tháng con ở nhà, có tin trường mở cửa trở lại, chị Nguyễn Dung (huyện Hoài Đức) như “mở cờ trong bụng”. Tuy nhiên, khi con trở lại trường, chị đứng trước bài toán khó nhằn khác là chuyện đưa đón.
Cơ quan cách trường con hơn 8 cây số, sáng sớm chị Dung phải dậy sớm đưa con đi học. Nhưng chưa hết, bởi lại phải tính buổi trưa phi xe máy về trường đón con.
“Quay đi quay lại, chỉ đưa với đón con đã hết nửa ngày. Việc đưa đón như thế này vất vả và mất quá nhiều thời gian. Nếu tình hình này kéo dài, tôi chưa biết phải xoay sở ra sao”, chị Dung lo lắng.
Câu chuyện của chị Dung có lẽ cũng tương tự hoàn cảnh của nhiều ông bố, bà mẹ khác.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc học sinh không ăn bán trú ở trường cũng là vấn đề mà Sở quan tâm vì hiện rất nhiều phụ huynh lo lắng.
Theo ông Cương, thời gian tới, Sở sẽ đề xuất lên UBND TP Hà Nội về vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh từ lớp 1-6 học bán trú trở lại. Đặc biệt là các trường phải đảm bảo an toàn cho học sinh về phòng chống dịch Covid-19.
“Sở GD&ĐT Hà Nội cũng mong muốn thời gian này phụ huynh, học sinh đồng hành cùng nhà trường, nghiêm túc thực hiện 5K, cùng giám sát và tuân thủ nguyên tắc 'một cung đường, hai điểm đến' để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại”, ông Cương nói.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, việc trẻ em ăn nghỉ, nằm cùng phòng cũng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nếu phòng ăn, lớp học không thông thoáng.
Tuy nhiên, theo ông Phu, hiện nay, việc phòng dịch bệnh ở các nhà trường cũng đạt được mức cao. Ngoài ra, chúng ta cũng chuyển trạng thái sang thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả và có thể chấp nhận F0 chứ không phải tuyệt đối “zero F0” như trước.
Ngoài ra, theo ông Phu, trong giai đoạn này, nếu để trẻ ở nhà, trẻ vẫn hoàn toàn có thể bị nhiễm Covid-19 nếu không phòng bệnh tốt. Bởi hiện nay, việc lây nhiễm trong cộng đồng cũng rất nhiều, số lây trong gia đình cũng khá lớn. Do đó, cần cân đối rủi ro lây nhiễm khi ở trường, ở nhà và cả những bất tiện khi học sinh phải ở nhà nhiều, rồi phụ huynh bất tiện, khổ sở việc đi làm cả ngày nhưng buổi trưa phải về đón con.
“Như vậy, dù ở đâu đi chăng nữa, nếu việc phòng bệnh không tốt thì trẻ cũng đều có thể bị lây nhiễm. Xét về rủi ro của việc cho trẻ đến trường với rủi ro về thể chất, tinh thần khi trẻ ở nhà cùng sự bất cập, khó khăn cho phụ huynh khi đưa đón học sinh nếu học 1 buổi/ngày; tôi cho rằng không cần thiết phải cho trẻ chỉ học 1 buổi/ngày, bỏ bán trú, mà có thể cho trẻ ở bán trú song cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh”, ông Phu nói.
Ông Phu cho rằng, các nhà quản lý, phụ huynh cũng cần hiểu, nếu đã lây nhiễm thì trong 1 buổi đi học trong ngày đã có thể lây.
“Tất nhiên, thời gian học 1 buổi thì cơ hội lây nhiễm sẽ thấp hơn thời gian học cả ngày, nhưng khi về nhà cũng có thể bị lây chứ không như trước khi mà số ca nhiễm trong cộng đồng còn ít”, ông Phu nói.
Tuy nhiên, dù có tổ chức bán trú, các nhà trường vẫn phải đặt việc phòng bệnh lên trên hết. “Chỗ ăn, chỗ nghỉ cần được bố trí thông thoáng. Nếu trường nào có điều kiện, có thể giãn cách trong quá trình tổ chức học sinh ăn, lắp kính chắn, phân chia ca cho học sinh đi ăn,...”, ông Phu nói.
Lưu ý thêm khi các trường mở cửa trở lại, ông Phu cho rằng các nhà trường cần trang bị thêm các kiến thức về phòng dịch, hay đơn giản xác định chính xác như thế nào là F0, F1,... tránh việc chỉ có 1 F0 trong 1 lớp mà cho cả trường nghỉ học.
“Cần tránh những việc như thế. Nếu phát sinh các trường hợp nhiễm bệnh cần cố gắng sàng lọc, xử lý trong phạm vi hẹp nhất có thể. Cố gắng hạn chế việc các lớp học tiếp xúc với nhau để khi có dịch ở lớp nào thì khoanh vùng và xử lý dễ hơn là lây lan ra các lớp khác”, ông Phu nói.
Ngoài ra, ông Phu nhấn mạnh, các nhà trường vẫn cần giữ sự tập trung, không chủ quan, đảm bảo đầy đủ các quy định về 5K...