📞

Phụ nữ bắt tay như thế nào để ghi điểm trong giao tiếp?

N.L.T 11:00 | 26/12/2019
TGVN. Bắt tay không đơn giản chỉ là một kỹ năng giao tiếp mà còn còn thể hiện cử chỉ văn hóa, một nghệ thuật, một kỹ năng sống. Vậy phụ nữ nên bắt tay như thế nào?

Trong một buổi chiêu đãi của Việt Nam ở một thủ đô nước lớn nọ, một đại sứ là khách mời trịnh trọng tiến đến bên phu nhân của vị chủ nhà, ông cúi mình chào và nắm nhẹ tay bà đưa lên môi. Thật bất ngờ cho ông, vị phu nhân nọ chỉ định bắt tay ông chứ không định để ông hôn tay, bà ngượng ngùng rụt tay lại.

Bữa tiệc đối với ông chẳng còn gì là thú vị chỉ vì cái hôn tay không thành. Đáng lý bà phải mỉm cười, tiếp nhận cái hôn tay rất hợp quy cách lịch sự xã giao này. Trong nhiều cuộc gặp khác, cả những thỏa thuận quan trọng cũng có thể bị ảnh hưởng chỉ vì lý do rất đơn giản như vậy.

Trong tiếp xúc xã giao, các bà, các cô hay dè dặt trong việc chào hỏi bắt tay nam giới, nhất là đối với những người lạ. Khi gặp nhau, bao giờ nam giới cũng phải chào hỏi nữ giới trước, nếu là quen thân thì nên bắt tay; nếu quen bình thường chỉ nên nghiêng mình và mỉm cười xã giao là đủ. Thông thường, người phụ nữ chủ động chìa tay cho nam giới. Song đối với những người cao tuổi, hoặc có cương vị cao, có chức sắc trong các tôn giáo, người phụ nữ cần nghiêng mình chào trước, nếu các vị khách này chủ động bắt tay thì dịu dàng đưa tay ra đón lấy chứ không chìa tay ra trước.

Nếu người phụ nữ cùng với chồng chủ trì một buổi tiếp xúc, chiêu đãi thì cần phải chủ động bắt tay khách với thái độ niềm nở và chân thành, nhất là đối với khách nước ngoài.

Trong phòng khách hoặc có mặt ở chỗ hội họp đông người, phụ nữ có thể yên vị trên ghế, không cần phải đứng dậy để bắt tay nam giới, chỉ cần gật đầu chào. Đối với lãnh đạo cấp cao và có tuổi thì phải đứng dậy và chờ người ta chìa tay cho mình bắt.

Về mùa đông, phụ nữ bắt tay không cần phải tháo gang tay. Điều cần lưu ý, người phụ nữ bắt tay không bao giờ nắm chặt tay như nam giới, chỉ cần nắm vừa đủ để bày tỏ sự lịch thiệp của mình.