Với chị Giao, phụ nữ chính là ngọn lửa ấm trong gia đình. |
Có ý kiến cho rằng: “Gia đình bây giờ đủ đầy hơn nhưng cũng kém bền vững hơn”. Đây không phải là một cái nhìn bi quan về cuộc sống mà là một cái nhìn đầy thực tế. Chị có nghĩ như vậy không?
Tôi nghĩ, cuộc sống hiện đại nhiều áp lực hơn, tiện nghi hơn, con người ngày càng tự do hơn, độc lập hơn. Cùng với đó, con người dễ cô đơn hơn, dễ tổn thương hơn, gia đình dễ rạn nứt hơn, các mối quan hệ ít bền vững hơn, các liên kết gắn bó dễ “đứt lìa” hơn.
Đây là một thực tế không thể tránh khỏi, nhiều bi kịch hôn nhân làm chúng ta ngày càng hoài nghi về sự gắn bó trong hôn nhân nếu mỗi người không cùng nhau vun đắp, dựng xây.
Trong cuộc sống đô thị hiện đại, việc giữ lửa cho mái ấm và giữ hạnh phúc gia đình thời nay đang đứng trước nhiều thử thách. Theo chị, có phải với mỗi gia đình nên “giữ lửa” từ những điều nhỏ nhất? Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình phải được “tưới tắm” hằng ngày?
Tôi nghĩ, giữ lửa là điều thật khó khăn nếu quá chú ý đến "lửa" mà không chú ý đến "củi". "Củi" chính là sự tương đồng, lối sống phù hợp để thấy ổn khi ở bên nhau. Bởi khác biệt về lối sống thường gây ra thất vọng, bất hoà khi chung sống.
Phụ nữ biết yêu gia đình, biết yêu chính mình là biết cách tạo ra một cuộc đời thi vị, đáng sống. |
Chị Nguyễn Thị Thu Giao là chuyên gia tư vấn chiến lược nhân sự và huấn luyện lãnh đạo, đã có 25 năm kinh nghiệm làm giám đốc nhân sự cho các tập đoàn đa quốc gia như Kimberly, Clark, Interflour, AstraZeneca, Ngân hàng Quốc tế, Diageo Việt Nam. |
Điều quan trọng là cả hai biết tôn trọng sự khác biệt của nhau, cùng hướng đến xây dựng cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Cả hai sẽ trò chuyện cởi mở để đưa ra các nguyên tắc chung, cách giải quyết cho những bất hoà, nguyên tắc gắn bó.
Đặc biệt, các cá nhân cần chia sẻ với nhau cảm xúc của mình, biết đọc các dấu hiệu cảnh báo của một mối quan hệ, bởi bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần chăm sóc, cần quan tâm.
Hiện nay, nhiều gia đình đang “đánh cắp” đi khả năng tự lập của con, trong khi những thói quen chia sẻ việc nhà cũng là cách giúp con gần gũi hơn với cha mẹ?
Cha mẹ thường nghĩ con còn bé ngay cả khi con đã lớn. Họ thường ít có sự chuẩn bị, không có kế hoạch cho con khôn lớn và luôn cho rằng, còn nhiều thời gian để uốn nắn trẻ.
Không chỉ có thói quen chia sẻ việc nhà, thái độ coi con như một người có trách nhiệm vô cùng quan trọng. Ngoài ra, kế hoạch cho con trưởng thành, chuẩn bị và trải nghiệm về cuộc sống cũng quan trọng. Từ đó, con sẽ giao tiếp, ứng xử thế nào khi có biến cố hay thay đổi là điều cha mẹ cần thảo luận, thống nhất…
Ai đó đã từng nói: “Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc”. Từ trải nghiệm của cá nhân, theo chị, mỗi người nên giữ lửa cho gia đình ra sao?
Tôi luôn coi sự ân cần, quan tâm đến nhau là điều quan trọng nhất trong một mối quan hệ. Thiếu đi sự quan tâm thấu hiểu, người ta không biết cách ứng xử, giao lưu trò chuyện, không chia sẻ được với nhau nữa. Tôi nghĩ, lửa ấm trong gia đình được duy trì khi mọi thành viên biết quan tâm, tôn trọng nhau.
Tuy nhiên, tiện ích về công nghệ đang là một trong những nguyên nhân tăng khoảng cách giữa các thành viên, các thế hệ trong gia đình. Bữa cơm gia đình có thể được xem là “cứu cánh” dù chỉ ăn ở quán ăn nhỏ nào đó hay ở một nhà hàng, quan trọng là nên duy trì để gắn kết giữa các thành viên?
Với tôi, bất cứ thời gian nào khi ở bên người thân đều quan trọng, không chỉ là bữa ăn gia đình. Tôi nghĩ, chuyện trò và chia sẻ được với nhau, tỏ bày với nhau mới thực sự quan trọng. Nhiều gia đình ở bên nhau, ăn cơm với nhau nhưng khác biệt nhau về tư tưởng suy nghĩ, ít tâm sự, chia sẻ. Điều này nguy hiểm hơn là ít ăn cơm cùng nhau.
Đồng ý internet “ăn” mất nhiều thời gian của cá nhân, làm cho các mối quan hệ có nguy cơ nhạt nhẽo hơn, người ta ít cần nhau hơn. Bất cứ thời đại nào, bất cứ cá nhân nào cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn lạnh nhạt trong quan hệ hôn nhân.
Nguyên do không phải bắt nguồn từ công nghệ, phần lớn do họ thường thôi nỗ lực, thôi cố gắng, thôi quan tâm, thôi làm vui lòng nhau khi chung sống.
Vậy chị nêm nếm “gia vị” trong gia đình như thế nào?
Gia đình hạnh phúc với tôi là tin cậy nhau, tôn trọng nhau, ủng hộ nhau, mang đến niềm vui cho nhau, cùng nhau chia sẻ vui buồn và chia sẻ trách nhiệm. Ai cũng đóng góp, ai cũng được là chính mình, biết trân quý thời gian ở bên nhau.
Thực tế, phụ nữ chính là ngọn lửa ấm trong gia đình. Họ luôn phải giữ ngọn lửa yêu thương, dịu dàng, thấu hiểu, bình tĩnh và bao dung, lạc quan tích cực, kể cả lúc sóng gió hay bình yên.
Tôi luôn dành rất nhiều thời gian để chia sẻ, trò chuyện, quan tâm đến người thân để biết họ đang nghĩ gì, lo gì, vui gì, tạo ra những buổi “hò hẹn” riêng với chồng con và thực sự dành cho họ sự chú ý đặc biệt nhất.
Đồng thời, bản thân tôi luôn học hỏi để hoàn thiện chính mình, suy nghĩ nhẹ nhàng vui vẻ, không gây áp lực vô lý lên người khác. Tôi tạo ra nhiều sự kiện vui vẻ trong gia đình. Tôi cũng tôn trọng sự riêng tư, không gian, thời gian của người khác.
Tôi nghĩ, ai cũng thích được sống vui vẻ, thoải mái, được là chủ gia đình, ngay trong nhà mình. Vì thế, phụ nữ biết yêu gia đình, biết yêu chính mình là biết cách tạo ra một cuộc đời thi vị, đáng sống.
Cảm ơn chị!
Nhiên liệu nào cho hạnh phúc gia đình? TS. Nhà báo Hồ Bất Khuất (công tác tại Tạp chí Gia đình và Trẻ em, giảng viên khoa Báo chí – Trường Đại học Vinh): “Gia đình thời nay có đầy đủ hơn về vật chất nhưng lại thiếu thốn những giây phút bên nhau, thiếu sự sẻ chia, đồng cảm hơn. Gia đình hiện nay bé hơn về quy mô, nghĩa là các thành viên trong gia đình ít hơn, sự giao tiếp cũng mỏng hơn. Do đó, gia đình trở nên kém bền vững hơn vì chịu sự “va đập” mạnh hơn của các giá trị vật chất. Mục đích của sự phát triển là làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn nhưng trong quá trình phát triển, một số thứ có thể bị đảo lộn. Do vậy, muốn cho các tổ ấm “ấm” hơn, vững vàng hơn trong sự khởi sắc về kinh tế, người ta phải quan tâm tới vấn đề đạo đức, văn hóa. Hình ảnh tổ ấm và việc giữ lửa cho tổ ấm là cách ví von về gia đình hạnh phúc rất hay, rất sâu sắc. Ở đây, chúng ta phải chú ý tới logic: Muốn lửa không bị lụi tàn phải luôn luôn đủ nguyên, nhiên liệu. Nguyên, nhiên liệu cần thiết cho ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình không phải tiền bạc, vật chất mà là tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Mỗi gia đình nên “giữ lửa” từ những điều nhỏ nhất chính là nguyên tắc ứng xử thông minh. Công nghệ hiện đại đang phục vụ đắc lực mọi nhu cầu nhưng nó cũng khiến con người nhiễm phải những tật xấu như lười đi lại, ngại giao tiếp trực diện, ít gặp gỡ nhìn vào mắt nhau… Những ngôi nhà ống chỉ có vài chục mét vuông, xây 4, 5 tầng, khiến bố mẹ gọi con ăn cơm cũng dùng điện thoại di động. Rồi chính chiếc điện thoại thông minh đang khiến con người bận rộn suốt ngày, không có thời gian dành cho nhau. Đây không phải lỗi của công nghệ, lỗi nằm ở chính người lạm dụng công nghệ, biến mình trở thành nô lệ của công nghệ từ lúc nào không hay. Có thể nói, cái gốc của văn hóa gia đình chẳng ở đâu xa mà nằm ở sự yêu thương, tôn trọng và chăm sóc lẫn nhau. Mối quan hệ giữa các thành viên giống như cái cây, cần phải được chăm bón hàng ngày mới xanh tốt, bền vững”. |