Bà Lê Phương Hà cho rằng, phụ nữ ngày nay cần bản lĩnh hơn, luôn phải trên tư thế chủ động. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm mà ThS. Lê Phương Hà, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Chiến lược Chuyển đổi số chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).
Với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, vai trò của phụ nữ hiện đại đã có những chuyển biến như thế nào? Đâu là những yếu tố chính tác động đến sự thay đổi này?
Khi xã hội ngày càng phát triển, phụ nữ trở nên độc lập hơn và khẳng định vai trò của mình như một nhân tố chủ động trong xã hội. Chúng ta nhìn thấy sự hiện diện và tham gia tích cực của nhiều phụ nữ vô cùng xuất sắc ở những vị trí trong các lĩnh vực khác nhau, nhờ nhận thức và khả năng tiếp cận của người phụ nữ với thông tin - tri thức ngày một tốt hơn.
Ngoài ra, thông qua sự hỗ trợ của mạng lưới và các nền tảng công nghệ, chúng ta có thể làm việc một cách di động, linh hoạt, chủ động, tương tác hiệu quả hơn. Đó cũng chính là một trong những nhân tố giúp người phụ nữ có thêm nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống cũng như công việc.
Trong bối cảnh hiện nay, phụ nữ đang có những cơ hội nào để phát triển bản thân và sự nghiệp? Họ đối mặt với những thách thức gì, đặc biệt trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình?
Theo quan điểm cũng như trong phương pháp CSCI way mà Viện Chiến lược chuyển đổi số chúng tôi đang thực hiện, thì song hành với cơ hội, chúng tôi thay từ “thách thức – Threats” thành từ “giải pháp - Solutions”. Tức là, thay vì dùng ma trận SWOT, chúng tôi có SWOS, vì khi nhìn thấy cơ hội, chúng ta cần tìm ra giải pháp dựa trên mục tiêu muốn hướng đến, để nắm giữ cơ hội đó chứ không nhìn nó như một thách thức.
Vậy đâu là những cơ hội dành cho người phụ nữ trong bối cảnh hiện nay? Thứ nhất, sự linh hoạt trong các phương thức làm việc hiện nay cho phép phụ nữ tham gia vào các công việc và hoạt động xã hội một cách linh hoạt và dễ dàng hơn. Thứ hai, vấn đề bình đẳng giới và nhận thức về vai trò của giới trong các công việc đang được cải thiện tốt hơn. Thứ ba, sự cách biệt về năng lực giữa nam và nữ ngày càng giảm thiểu khi các năng lực mới của xã hội ngày càng giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố vật lý và sinh lý mà chú trọng hơn vào tư duy và khả năng thích ứng.
Cách mạng công nghệ 4.0 tạo ra những cơ hội mới cho phụ nữ, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Bà có thể chia sẻ về những tác động tích cực và tiêu cực của công nghệ đối với phụ nữ?
Không thể phủ nhận công nghệ đã đem lại cho phụ nữ nhiều cơ hội hơn trong việc phát triển nghề nghiệp, học tập và kết nối xã hội. Ngày nay, nhiều phụ nữ có thể cùng lúc làm nhiều việc, thậm chí các công việc còn trải dài nhiều lĩnh vực khác nhau, tuỳ thuộc vào năng lực tận dụng lợi thế về mặt công nghệ cũng như khả năng sắp xếp thời gian của người đó.
Thông qua các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội, hình ảnh và vị thế của người phụ nữ được củng cố tốt hơn trong xã hội. Đó là điều khác biệt với xã hội trước kia, khi người phụ nữ thường đóng vai trò là hậu phương, là những “người thầm lặng” sau bóng lưng người đàn ông.
Tuy nhiên, vấn đề nào cũng đều có “hai mặt của đồng xu”. Xã hội phát triển nhờ vào sự thay đổi mỗi ngày của công nghệ do nó đã vượt qua được các rào cản về không gian và thời gian. Cũng chính vì như vậy, nó cũng mang đến những nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư nói chung với tất cả mọi người. Với phụ nữ, những người mẹ, họ còn gặp phải những thách thức trong việc nuôi dạy con cái mà có rất nhiều vấn đề hiếm/ít gặp trong xã hội trước đây nên nhiều lúc họ rất lúng túng khi đối mặt.
Do vậy, phụ nữ ngày nay cần bản lĩnh hơn nhiều, luôn phải trên tư thế chủ động, có sự phòng ngừa trước những tác động tiêu cực của xã hội, đồng thời, vẫn phải thúc đẩy việc hội nhập thông qua các kết nối và mạng xã hội.
Chính sách có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển. Cần có những chính sách cụ thể nào để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội và kinh tế, thưa bà?
Một lần nữa tôi xin khẳng định rằng, cơ hội phát triển đối với phụ nữ ngày này là rất lớn. Để có thể hỗ trợ phụ nữ nắm bắt được cơ hội đó, mỗi nhóm đối tượng khác nhau, ở các vùng miền khác nhau, sẽ cần phải có những chính sách riêng phù hợp, nhưng trong đó, cần tựu trung ở một số mục tiêu:
Thứ nhất, các chính sách, các chương trình đưa ra cần có tính thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình chuyển đổi xã hội thông qua các tổ chức và hoạt động có tính chính danh.
Thứ hai, tích cực tuyên truyền và phổ biến cơ hội cho phụ nữ tham gia vào hoạt động xã hội thông qua các nền tảng truyền thông và kết nối.
Thứ ba, thúc đẩy bình đẳng giới và các quyền, nghĩa vụ trong việc đồng chăm sóc con cái và gia đình. Với tôi, điều này đặc biệt quan trọng, vì gia đình là nền tảng của xã hội. Chính vì thế, khi và chỉ khi người phụ nữ có được sự ủng hộ và đồng hành của gia đình, họ mới có thể phát huy được hết khả năng của bản thân và có được sự thăng hoa trong sự nghiệp.
Phụ nữ phải biết nắm cơ hội để tỏa sáng. (Ảnh: NVCC) |
Với xu hướng hiện nay, bà dự đoán tương lai của phụ nữ sẽ như thế nào trong 10 năm tới? Những kỹ năng và phẩm chất nào sẽ giúp họ thành công trong tương lai?
Tôi thấy, cho đến bây giờ, dù xã hội trải qua nhiều sự thay đổi, phụ nữ Việt Nam luôn giữ được những nét đẹp truyền thống vốn có, nhưng độc lập hơn, tự chủ hơn trong cả suy nghĩ và hành động.
Tuy nhiên, khi khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, xã hội đòi hỏi những lao động chất lượng cao, có tay nghề, trình độ, chuyên môn sâu để đáp ứng được tốc độ phát triển này. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn khiến nguồn nhân lực trong vài năm tới vừa thừa (về số lượng các nhân công giá rẻ) lại vừa thiếu (lực lượng tri thức và tay nghề chuyên môn sâu).
Ngoài ra, chúng ta không thể chủ quan đối với tương lai 10 năm tới, do chịu sự tác động của những ảnh hưởng xã hội, rất có thể sẽ dẫn đến những thay đổi trong tư duy về hôn nhân, gia đình, đặc biệt ở người phụ nữ.
Chính vì vậy, để thích nghi với tiến trình phát triển này, phụ nữ cần củng cố và nâng cao năng lực chuyên môn, cũng như rèn luyện để có được trí tuệ cảm xúc (EQ) nhạy bén, giúp họ khẳng định vị thế, vị trí và vai trò của mình trong xã hội.
Trong thời đại số, các kênh truyền thông xã hội đóng vai trò như thế nào trong xây dựng hình ảnh cá nhân phụ nữ, theo góc nhìn của bà?
Trước kia, có thể chúng ta vẫn hay nghĩ rằng, xây dựng thương hiệu cá nhân có lẽ là một vấn đề gì đó xa vời, kiểu cách, thậm chí có phần khoe khoang, phô trương. Nhưng không hẳn như vậy, cách chúng ta sống mà không chỉ là tồn tại, cống hiến mà không chỉ là làm việc, hay cách thương mà không chỉ là yêu, sẽ làm nên một cái tôi riêng, một thương hiệu riêng cho cá nhân đó.
Trong thời đại số, khi công nghệ thông tin và mạng xã hội bùng nổ, nơi chúng ta có thể được biết đến một cách rất dễ dàng thì vấn đề làm sao để xây dựng thương hiệu cá nhân để chúng ta không bị hòa tan trong thế giới rộng lớn đó, lại là một câu hỏi không dễ trả lời.
Ngày nay, việc biết tận dụng các kênh truyền thông xã hội để xây dựng hình ảnh cá nhân của người phụ nữ là vô cùng quan trọng. Đó là một phương tiện tốt để người phụ nữ có cơ hội học tập, chia sẻ và kết nối bạn bè, cũng như hình thành nên hồ sơ cá nhân của họ trong phát triển sự nghiệp, từ đó mở rộng cơ hội trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Xin cảm ơn bà!
| TS. Phạm Chiến Thắng: Nhà giáo cần chuyển mình để không 'lỗi nhịp' trong thời đại số Tinh thần học tập suốt đời và kỹ năng linh hoạt trong xử lý các vấn đề sẽ giúp mỗi nhà giáo thích ứng được ... |
| GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Nhà giáo cần định hướng cho học sinh trở thành công dân có trách nhiệm Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam nhân Ngày Nhà giáo thế giới (5/10), GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, trong một ... |
| GS. Huỳnh Văn Sơn: Hành vi giới trẻ – không nên đánh giá một chiều Đó là quan điểm của GS. TS. Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh về vấn đề lệch ... |
| 'Kỷ luật tích cực' để giảm hành vi lệch chuẩn của học sinh Việc quản lý hành vi lệch chuẩn của học sinh trong môi trường học đường đòi hỏi sự kết hợp linh hoạt giữa thấu cảm, ... |