Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10,Tiến sĩ Hồ Lâm Giang cho rằng, phụ nữ hiện đại phải biết giá trị bản thân. (Ảnh: NVCC) |
Thay đổi trong vai trò của phụ nữ
Từ những nghiên cứu về vai trò giới qua các thời kỳ, tôi nhận thấy phụ nữ ngày nay đã không còn bị giới hạn bởi nhiều vai trò mang tính khuôn mẫu như trước. Trong công việc, ngày càng nhiều phụ nữ đã trở thành lãnh đạo, giữ nhiều vai trò cao trong Chính phủ, trong các đơn vị, cơ quan Nhà nước. Trong gia đình, nhiều chị em đã có thể đảm nhiệm vai trò trụ cột về kinh tế, thậm chí thay cho người đàn ông.
Những luồng diễn ngôn về “nhà nhiều cột” trên truyền thông hiện nay vừa là sự khẳng định vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới, vừa là sự công nhận của xã hội về sự thay đổi trong vai trò giới. Không nhất thiết đã là phụ nữ thì phải đảm nhiệm làm hậu phương, hay cứ nam giới là phải đóng vai trò trụ cột mà tuỳ thuộc vào năng lực, cơ hội công việc và mong muốn của mỗi người.
Vấn đề ai là trụ cột về kinh tế không quan trọng, miễn là đảm bảo sự tôn trọng và cùng chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhiều phụ nữ đã giữ vai trò quan trọng trong các cơ quan, tổ chức, đồng thời họ lại sẵn sàng đảm nhiệm vai trò cùng là trụ cột kinh tế trong gia đình. Điều này tất yếu dẫn tới một số quan niệm về “việc nhà, việc đàn bà” đã trở thành định kiến không còn phù hợp trong xã hội hiện đại.
Xu thế hiện nay, kỹ năng tự phục vụ đã được đưa vào dạy ở trường học cho cả bạn trai và bạn gái. Việc nhà là công việc chung của cả hai giới, cũng giống như việc xây dựng kinh tế và chăm lo cho gia đình là nhiệm vụ của cả vợ và chồng. Tất nhiên, bình đẳng không phải là “cào bằng”, phải dựa vào năng lực và thế mạnh của từng người mà vợ chồng sẽ có sự phân chia cho phù hợp. Ngoài ra, sự xuất hiện ngày càng nhiều và công nhận, ủng hộ nhất định của xã hội cho những gia đình mẹ đơn thân đã chứng minh năng lực làm chủ gia đình và khả năng độc lập của phụ nữ. Họ có thể đảm nhiệm được vai trò của cả người bố lẫn người mẹ.
Thực tế, phụ nữ đã chứng minh được vai trò làm bố vừa làm mẹ, vừa có thể lo liệu về kinh tế, vừa có thể nuôi dạy con nên người. Xã hội Việt Nam cũng dần có sự cởi mở và công nhận những gia đình của mẹ đơn thân. Một số chính sách hậu thuẫn như pháp luật đã cho phép phụ nữ độc thân muốn tự sinh con nhưng không lập gia đình bằng cách xin thụ tinh để hỗ trợ sinh sản. Con của họ khi sinh ra được phép khai sinh mà không cần thông tin về người bố… Đây là sự hậu thuẫn to lớn, tác động tới sự thay đổi mạnh mẽ trong vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới.
Hiện nay, nhiều ngành nghề mới được mở ra, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất công nghiệp và công nghệ. Điều này đã tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận nhiều cơ hội việc làm hơn, vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống của công việc nội trợ. Sự phát triển của giáo dục và tư tưởng bình đẳng trong giáo dục cũng góp phần tạo ra lực lượng lao động nữ chất lượng, có thể đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó, phụ nữ có thể khẳng định được năng lực, độc lập về tài chính, có tiếng nói hơn cũng như tiền đề để tự chủ.
Quá trình toàn cầu hóa về nhiều mặt, trong đó có văn hóa đã có những tác động sâu rộng đến vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đồng thời, tạo ra những thay đổi lớn về cả tư duy, vị trí và quyền lực của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực. Ảnh hưởng của tư tưởng nữ quyền từ phương Tây qua nhiều kênh trong quá trình toàn cầu hóa, từ truyền thông, giáo dục, các tổ chức phi chính phủ đến môi trường kinh tế và văn hóa đại chúng… đi vào Việt Nam đã làm thay đổi đáng kể, đặc biệt là trong nhận thức về vai trò và quyền lợi của phụ nữ.
Sự xuất hiện của Internet và khái niệm thế giới phẳng trong việc truyền tải thông tin đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nhận thức xã hội thay đổi một cách mạnh mẽ. Từ đó, những định kiến giới dần được xoá bỏ và thay thế bằng tư tưởng mới, cởi mở và hiện đại hơn. Internet không chỉ giúp thay đổi tư tưởng xã hội về vai trò của phụ nữ mà còn tạo điều kiện cho hoạt động cổ vũ sự tự do về giới qua các kênh mạng xã hội.
Ngoài ra, phải kể tới sự hậu thuẫn của hàng loạt chính sách và pháp luật để củng cố vai trò, sự bình đẳng, sự tự chủ của phụ nữ. Nhiều chính sách và luật pháp về quyền phụ nữ, chống bạo lực gia đình, bình đẳng trong công việc, giáo dục đã được ban hành dưới sự ảnh hưởng của các cam kết quốc tế… Tất cả các yếu tố trên đã khiến cho vai trò của phụ nữ thay đổi trong xã hội.
Khi vai trò của phụ nữ trong công việc, xã hội và gia đình ngày càng được khẳng định đồng nghĩa trách nhiệm của họ càng gia tăng. (Ảnh: NVCC) |
Hiểu được giá trị của mình để tỏa sáng
Tại sao phải đặt ra bài toán để cân bằng giữa công việc và gia đình? Tôi nghĩ, nó xuất phát từ vai trò của công việc và gia đình đều rất quan trọng với người phụ nữ. Quan trọng hơn, có nhiều phụ nữ đang cảm thấy mình không thể cân bằng được hai nhiệm vụ này. Điều đó khiến phụ nữ không thể hạnh phúc và “hao mòn sức mạnh ý chí tinh thần” của họ rất nhiều.
Cho dù hiện nay, nhiều gia đình hạt nhân đã có sự phân chia công việc nhà cho cả hai giới, thì vai trò chính trong nuôi dạy con, bồi đắp tinh thần cho con, đa phần vẫn được đặt nặng cho người mẹ. Vì thế, người ta hay có câu hỏi cân bằng công việc và gia đình hiện nay, hay khẩu hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trước kia thường dành cho phụ nữ chứ không phải là đàn ông.
Phải công nhận rằng, khi vai trò của phụ nữ trong công việc, xã hội và gia đình ngày càng được khẳng định đồng nghĩa trách nhiệm của họ càng gia tăng. Khẩu hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trước đây, cho tới giờ dường như vẫn đang chi phối tư tưởng của rất nhiều phụ nữ. Cho dù hiện nay, nhiều gia đình hạt nhân đã có sự phân chia công việc nhà cho cả hai giới, thì vai trò chính trong nuôi dạy con, bồi đắp tinh thần cho con đa phần vẫn được đặt nặng lên vai người mẹ.
Chính tiêu chuẩn kép về việc nước, việc nhà và những định kiến về giới nữ, về thiên chức đã khiến phụ nữ ở thế “lưỡng nan” trong vai trò giới. Cho nên, việc đầu tiên, tôi nghĩ phụ nữ cần phải được giải phóng từ mặt nhận thức và tư tưởng. Bên cạnh đó, mỗi người phải xác định cho mình một tiêu chuẩn riêng về sự cân bằng trong cuộc sống và biết cách linh hoạt trong từng hành trình có tính thời điểm.
Muốn vậy, trước hết, mỗi người phải thực sự hiểu được mình. Khi thật sự biết giá trị mình theo đuổi là gì, bạn sẽ biết cần tập trung vào đâu, thế nào là sự “cân bằng” hoặc trong thời điểm nào thì tập trung vào điều gì.
Đồng thời, phụ nữ hiện đại nên biết tận dụng mọi nguồn lực để đồng hành giải quyết những công việc trong gia đình. Bên cạnh đó, phụ nữ cần biết cách tối ưu trong công việc, bằng phương pháp làm việc thông minh, tập trung để mang lại hiệu quả cao. Nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng tinh thần và trí óc hợp lý là cách thông minh để nâng cao hiệu suất trong công việc.
Cuối cùng, muốn có sức khoẻ, năng lượng để có thể nhận nhiều trách nhiệm và vai trò mà xã hội kỳ vọng, họ cần phải biết dành thời gian cách chăm sóc, yêu thương bản thân. Bên cạnh việc nghỉ ngơi, giải trí, duy trì thể lực, thì kết nối với các mối quan hệ chất lượng và tạo động lực tinh thần sẽ là một trong những lưu ý mà phụ nữ hiện đại nên quan tâm. Bên cạnh đó, việc quan sát, phát hiện yếu tố nào đang khiến chúng ta bị tiêu hao năng lượng tinh thần, thời gian, hoặc tiền bạc để tiết chế cũng là cách xây dựng cuộc sống chất lượng hơn cho chính mình.
Tôi luôn nhấn mạnh, mỗi người cần biết cân đối trong từng thời điểm sao cho phù hợp để luôn có sự điều chỉnh với bản thân. Cơ bản, sức khoẻ về thân thể - tinh thần - trí tuệ là nguồn lực mạnh mẽ nhất, giúp phụ nữ hiện đại cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hãy biết thương mình để thương được người, hãy xác định đúng mục tiêu, nỗ lực và hành động một cách thông minh để kiến tạo cuộc sống mình mơ ước.
Xã hội nào cũng sẽ tồn tại những định kiến nhất định. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân phức tạp liên quan đến lịch sử, văn hóa, tâm lý xã hội và cả cơ cấu quyền lực… Bởi vậy, con người phải luôn học tập, cập nhật để tránh bị lạc hậu, cũng như phải không ngừng học hỏi để thoát khỏi định kiến cố hữu.
Tôi nghĩ, nếu định kiến không thể xoá đi hoặc thay đổi ngày một ngày hai, thì chúng ta nên chấp nhận sự tồn tại của định kiện nó như một điều hết sức hiển nhiên trong cuộc sống. Từ đó có sự thích nghi và bảo vệ mình khỏi định kiến. Quan trọng là chúng ta vững tin vào giá trị sống và quan điểm, nhận thức, hành động của mình, từ đó có những hành động, kết quả để chúng minh và thay đổi định kiến của xã hội hoặc của mọi người xung quanh.
| TS. Phạm Chiến Thắng: Nhà giáo cần chuyển mình để không 'lỗi nhịp' trong thời đại số Tinh thần học tập suốt đời và kỹ năng linh hoạt trong xử lý các vấn đề sẽ giúp mỗi nhà giáo thích ứng được ... |
| GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Nhà giáo cần định hướng cho học sinh trở thành công dân có trách nhiệm Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam nhân Ngày Nhà giáo thế giới (5/10), GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, trong một ... |
| GS. Huỳnh Văn Sơn: Hành vi giới trẻ – không nên đánh giá một chiều Đó là quan điểm của GS. TS. Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh về vấn đề lệch ... |