📞

'Phủ sóng' vaccine để doanh nghiệp sống chung an toàn với Covid-19

Gia Thành 15:01 | 14/09/2021
Đại dịch giống như sóng thần, việc kéo dài khiến việc phong tỏa, cách ly quá nghiêm ngặt sẽ ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp, vì vậy, phải tìm cách sống chung với Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Các đợt dịch Covid-19 liên tục bùng phát khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. (Nguồn: Vietnamplus)

Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp

Đến nay, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đã kéo dài gần 2 năm. Trong đợt dịch lần thứ 4, một số địa phương đang phải trải qua nhiều tháng thực hiện giãn cách, hàng loạt doanh nghiệp ở ngưỡng không thể cầm cự thêm.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong đó, “đầu tàu” kinh tế TP. Hồ Chí Minh có 24.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 6,6% cùng kỳ.

Các đợt dịch Covid-19 liên tục bùng phát khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ trong doanh nghiệp cũng đang cạn dần, sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm. Trong khi đó, thị trường trong nước và quốc tế chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Trước tình hình này, các chuyên gia đã cho rằng, để tránh sự kiệt quệ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đã đến lúc Việt Nam tính đến việc mở cửa trở lại nền kinh tế.

Như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng thừa nhận, Covid-19 có thể trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 không ngừng biến đổi và thách thức mọi nỗ lực của con người, khiến những hy vọng trước đây về việc xóa sổ hoàn toàn đại dịch đang dần phai nhạt.

Như vậy, WHO đã thay đổi trong quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero Covid-19” (Chiến lược dập tắt hoàn toàn Covid-19) sang sống chung an toàn với Covid-19. Các quốc gia khác như Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan cũng đang thay đổi chiến lược, mở cửa nền kinh tế.

Phát biểu trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã nhấn mạnh, Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định, “cuộc chiến” này còn lâu dài. Chúng ta sẽ chủ động sống chung an toàn với dịch bệnh, nhanh chóng thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng.

Có thể thấy, sau gần 2 năm áp dụng phương châm “chống dịch như chống giặc”, thành quả bước đầu của Việt Nam trong việc khống chế Covid-19 là không thể phủ nhận. Nhưng đại dịch giống như sóng thần, liên tục tấn công và kéo dài khiến việc phong tỏa, cách ly quá nghiêm ngặt trên diện rộng sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội.

Để duy trì được cuộc sống bình thường mới cho người dân và doanh nghiệp trong điều kiện cả thế giới oằn mình chống dịch, việc "phủ sóng" vaccine là điều kiện quan trọng nhất. Chính phủ đã thành lập tổ công tác ngoại giao vaccine để từ nay cuối năm, cố gắng bằng tất cả các nguồn từ ngoại giao nhân dân, Chính phủ, qua các doanh nghiệp để tiếp cận được các nguồn vaccine.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng hàng hóa, sản xuất của Việt Nam có nguy cơ bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình kiệt quệ, nguồn lực quốc gia bị bào mòn, hệ thống y tế và một số lực lượng tuyến đầu có dấu hiệu quá tải…

Tại toạ đàm có chủ đề “Tìm giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19” diễn ra mới đây, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay, thời gian vừa qua, không chỉ riêng ngành may mặc mà hầu hết các doanh nghiệp đều gặp vô vàn khó khăn.

Ngoài những doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng do đại dịch phải phá sản, đóng cửa thì nhiều doanh nghiệp đang hoạt động đều cảm thấy mệt mỏi vì sự bất ổn định, mập mờ của các yêu cầu chống dịch tại các địa phương.

Vì vậy, ông Thân Đức Việt nhận định: "Chúng tôi đánh giá cao biện pháp xác định không thể chống dịch tuyệt đối, phải tìm cách sống chung nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Điều này đã góp phần gỡ nút thắt cho cộng đồng doanh nghiệp.

Việc đóng cửa 'ngủ đông' sẽ tốt hơn là phải chiến đấu, nhưng vì dịch không biết khi nào mới có thể hoàn toàn kiểm soát, trong khi nếu doanh nghiệp ngủ đông quá lâu thì sợ không thức dậy được, lúc đó đánh mất đơn hàng, mất thị trường kinh doanh sẽ còn nguy hiểm hơn”.

Vaccine Covid-19 là vũ khí chiến lược

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thông tin, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2021 với nền kinh tế, doanh nghiệp là không để đứt gãy chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia. Đặc biệt là không để giảm, hạn chế tối đa giảm thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường truyền thống.Vaccine Covid-19 là vũ khí chiến lược

Những chỉ đạo này rất quyết liệt, vì nếu chỉ cần hàng dệt may sang chậm hàng, không kịp mùa Noel năm nay hoặc vụ Xuân - Hè sang năm thì thị trường Mỹ sẽ đi đặt hàng chỗ khác. Việt Nam sẽ mất thị phần, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong năm 2022.

Ông Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm: "Chúng tôi cũng dự báo khó khăn với hợp đồng xuất khẩu của Việt Nam không chỉ dừng lại quý IV/2021 mà có lẽ hợp đồng theo thời vụ cả ở quý I/2022. Nếu chúng ta có 150 triệu liều vaccine từ nay đến hết tháng 12/2021 thì hết quý I/2022 mới hết khó khăn, còn nếu không có vaccine thì sẽ tốn rất nhiều chi phí, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp".

Để duy trì được cuộc sống bình thường mới cho người dân và doanh nghiệp trong điều kiện cả thế giới oằn mình chống dịch, việc "phủ sóng" vaccine là điều kiện quan trọng nhất. TS. Nguyễn Đức Kiên cho hay, Chính phủ đã thành lập tổ công tác ngoại giao vaccine để từ nay cuối năm cố gắng bằng tất cả các nguồn từ ngoại giao nhân dân, Chính phủ, qua các doanh nghiệp để tiếp cận được các nguồn vaccine.

“Nếu không có vaccine, Việt Nam không tự lực được thì tất cả các kịch bản kinh tế mà chúng tôi xây dựng lên đều có nguy cơ bị phá. Phải có sự kết hợp hài hòa giữa chuyên môn y tế lẫn vĩ mô mới có thể hỗ trợ cho kinh tế phát triển được”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Viết Lượng, Chính uỷ Học viện Quân Y cũng cho rằng, để sống bền vững, lâu dài với dịch bệnh, cần có 3 giải pháp chính.

Thứ nhất, vaccine Covid-19 là vũ khí chiến lược, cần phải triển khai càng nhanh càng tốt;

Thứ hai, cá nhân hóa phòng chống dịch;

Thứ ba, bảo vệ đối tượng yếu thế. Trong đó, vaccine được xem như giải pháp then chốt.

PGS. TS Nguyễn Viết Lượng nhấn mạnh: "Việc sống chung với dịch Covid-19 là yêu cầu cần thiết hiện nay, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì chưa đủ, bởi đây không phải là 'cuộc khiêu vũ solo', mà ở đó còn cần sự chung tay hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan công quyền".

Sống chung với Covid-19 như thế nào?

Về phía doanh nghiệp, để sống chung an toàn với dịch, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thành Thành Công (Biên Hòa) nhận thấy, trước hết, người lao động phải an toàn.

Ông cho biết, trong gần 2 năm trải qua các đợt bùng phát dịch, doanh nghiệp của ông đã chuẩn bị các nguồn lực để thích ứng lâu dài với dịch bệnh, cũng như đào tạo kiến thức và hỗ trợ tinh thần cho người lao động thông qua thiết kế các gói an sinh. Điều này đã giúp người lao động không rơi vào trạng thái lo sợ và bị cô lập, bởi vì doanh nghiệp muốn an toàn thì từng cán bộ nhân viên và gia đình của họ phải được an toàn.

Tiếp đó, với tinh thần xác định sống chung lâu dài với Covid-19, công ty của ông Ngữ đã phải điều chỉnh lại mục tiêu kinh doanh của năm 2021 và 2022 để có chiến lược phát triển phù hợp.

Ông Nguyễn Thanh Ngữ nhấn mạnh: “Chúng ta đón bão dịch với tinh thần sống chung. Muốn như vậy, trước hết doanh nghiệp phải thực sự tinh gọn. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi đã rà soát, tái cấu trúc trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay cả về phương thức làm việc, mô hình, hoạt động kinh doanh, thậm chí phải điều chỉnh lại các khoản đầu tư trong bối cảnh dịch Covid-19 không còn phù hợp”.

Dưới góc độ chuyên gia y tế, PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến nghị, xác định lộ trình sống chung thì doanh nghiệp cần có một mô hình an toàn phù hợp để thích ứng trong tình hình dịch bệnh và điều kiện của từng địa phương.

Bên cạnh đó, cần giải pháp lấy y tế cơ sở tại doanh nghiệp làm nòng cốt để thiết lập quy trình, tổ chức thực hiện và giám sát quá trình tuân thủ phòng dịch tại nơi làm việc.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc chuẩn bị nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất cũng được xem là rất quan trọng. Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí/lệ phí...

"Các địa phương, doanh nghiệp không chỉ cần có chính sách hỗ trợ, bảo đảm đời sống an sinh của người lao động để họ vượt qua khó khăn mà cần sẵn sàng chuẩn bị nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh", ông Quảng nói.