📞

Phục hồi kinh tế hậu Covid-19 vẫn 'xa vời', WB kêu gọi G20 tiếp tục giãn nợ cho quốc gia nghèo

Quang Đào 14:58 | 18/07/2020
TGVN. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Carmen Reinhart ngày 18/7 cảnh báo rằng, sự phục hồi kinh tế thực sự sau đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn còn là “tương lai xa", đồng thời kêu gọi các quốc gia Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mở rộng chương trình giãn nợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Bà Carmen Reinhart, nhà kinh tế trưởng của WB cho rằng bước đầu tiên trong sáng kiến giãn nợ là vô cùng "hữu ích". (Nguồn: Bloomberg)

Trước thềm hội nghị trực tuyến giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 diễn ra vào ngày 18/7, bà Reinhart cho rằng bước đầu tiên trong sáng kiến giãn nợ là vô cùng "hữu ích" nhưng “bước đi đó đã không đi xa như kỳ vọng”.

Theo bà, WB đang chờ sự tham gia của khu vực tư nhân cung như các thành viên bên ngoài Câu lạc bộ Paris vào chương trình này. Bà Reinhart bày tỏ sự nghi ngại và lưu ý rằng, Trung Quốc – một chủ nợ lớn so với phần còn lại của Câu lạc bộ Paris - lại ít minh bạch về số nợ và cung cấp ít các khoản cứu trợ.

Hồi tháng 4/2020, Nhóm G20 đã nhất trí cho 76 nước nghèo nhất thế giới hoãn thanh toán nợ trong 1 năm, khi những nước này phải chật vật ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi các chủ nợ tư nhân tham gia.

Cho đến nay, 41 quốc gia đã nộp đơn xin cứu trợ theo DSSI và Câu lạc bộ Paris (nhóm không chính thức gồm 19 quốc gia chủ nợ, là những nước giàu có nhất thế giới) đã ký thỏa thuận với 20 quốc gia, từ Bờ Biển Ngà đến Ethiopia và Pakistan.

Chủ tịch WB David Malpass tuần trước đã bày tỏ sự ủng hộ việc gia hạn các khoản thanh toán nợ đến năm 2021 và cho biết một số quốc gia mắc nợ nhiều sẽ cần được xóa nợ để tránh "bẫy nghèo" lâu hơn.

Bà Reinhart lo ngại về "sự mất kết nối” giữa đại dịch Covid-19 đang hoành hành với những tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế và biến động của thị trường tài chính, điều này không phản ánh quy mô và thời gian của cuộc suy thoái kinh tế mà thế giới đang gặp phải.

Các thị trường chứng khoán đã khởi sắc trong những tuần gần đây nhờ các dấu hiệu của sự hồi sinh khi các nền kinh tế đã bắt đầu mở cửa trở lại. Tuy nhiên, bà Reinhart cho rằng, nhiều người có xu hướng nhầm lẫn giữa “sự phục hồi kinh tế với sự hồi sinh nền kinh tế sau khi sụp đổ". Theo bà, sự phục hồi thực sự vẫn còn "trong tương lai xa".

(theo Reuters)