📞

Phương Tây sản xuất đạn pháo cho Ukraine

Minh Hương 20:36 | 31/01/2023
Trong khi Australia và Pháp dự kiến cùng chế tạo hàng nghìn quả đạn 155 ly cho Ukraine, một tập đoàn Đức cũng muốn tăng gấp 5 sản lượng đạn pháo phục vụ Kiev.
Lính Mỹ mang đạn 155 ly trong một cuộc tập trận. Ukraine đã kêu gọi viện trợ thêm đạn dược để chống lại các lực lượng Nga. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu hôm 30/1 thông báo Pháp và Australia nhất trí hợp tác sản xuất hàng nghìn quả đạn pháo 155 ly cho Ukraine, bày tỏ hy vọng quá trình bàn giao có thể diễn ra trong quý I năm nay.

Theo đó, các công ty Australia sẽ cung cấp thuốc nổ và liều phóng, trong khi tập đoàn Nexter của Pháp chịu trách nhiệm chế tạo đạn.

Ông Lecornu cho biết: "Ngành công nghiệp quốc phòng hai nước có khả năng phối hợp thực hiện thỏa thuận này. Chúng tôi muốn cùng hành động nhằm thể hiện sự coi trọng của Pháp và Australia đối với nỗ lực viện trợ Ukraine."

Tại Đức, tập đoàn Rheinmetall sẵn sàng xuất xưởng hơn 740.000 quả đạn pháo mỗi năm, gấp 5 lần hiện nay, để đáp ứng nhu cầu tại Ukraine và phương Tây.

Armin Papperger, giám đốc điều hành tập đoàn Rheinmetall, cho biết: "Chúng tôi cho ra lò 240.000 viên đạn pháo 120 ly cho xe tăng mỗi năm, nhiều hơn toàn bộ nhu cầu của cả thế giới. Sản lượng đạn pháo cỡ nòng 155 ly cũng có thể tăng lên 450.000-500.000 quả mỗi năm".

Giám đốc tập đoàn, ông Papperger cho biết, Rheinmetall xuất xưởng khoảng 120.000-140.000 quả đạn pháo 120 và 155 ly trong năm ngoái. Ông này nhấn mạnh họ có thể tăng sản lượng trong thời gian ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn tại Ukraine và các nước phương Tây.

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Đức chuẩn bị họp với tân Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius nhằm thảo luận biện pháp tăng tốc mua sắm vũ khí và bảo đảm nguồn cung đạn dược dài hạn, trong bối cảnh kho dự trữ của quân đội Đức và nhiều nước đồng minh gần cạn kiệt vì nỗ lực viện trợ cho Ukraine gần một năm qua.

Tập đoàn Rheinmetall chế tạo nhiều sản phẩm quốc phòng, trong đó nổi tiếng nhất là pháo Rh-120 cỡ nòng 120 ly cho xe tăng chủ lực Leopard 2. Doanh nghiệp này cũng đang đàm phán với tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ để mở dây chuyền sản xuất pháo phản lực HIMARS tại Đức.

"Chúng tôi đặt mục tiêu ký thỏa thuận với Lockheed Martin tại Hội thảo An ninh Munich diễn ra vào giữa tháng 2. Rheinmetall có công nghệ để chế tạo đầu đạn và động cơ cho đạn HIMARS, cũng như khung gầm xe tải để lắp đặt bệ phóng", ông Papperger nói.

Rheinmetall cũng đề xuất chính phủ Đức cấp 700-800 triệu Euro vốn để xây dựng nhà máy thuốc nổ mới tại bang Saxony để phục vụ công việc sản xuất.

(theo Reuters)