📞

Phương Tây trừng phạt Nga, cộng dồn ‘bão’ lạm phát, người dân EU ‘oằn lưng’ gánh hóa đơn năng lượng

Hải An 09:06 | 30/11/2022
Các biện pháp trừng phạt Nga góp phần đẩy giá năng lượng tăng đột biến, làm gia tăng lạm phát và chi phí sinh hoạt trên toàn Liên minh châu Âu (EU), ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Các biện pháp trừng phạt Nga góp phần đẩy giá năng lượng tăng đột biến. Các hộ gia đình ở EU hiện đang chi tiêu nhiều hơn cho năng lượng so với năm 2020. (nguồn: Getty Images)

Giá năng lượng cao hơn, bao gồm cả khí đốt tự nhiên, đang đẩy giá điện và chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình trên khắp EU lên cao, khiến các chính phủ phải cắt giảm thuế và hỗ trợ tài chính lên tới vài tỷ Euro.

Hóa đơn năng lượng tăng chóng mặt

Một loạt báo cáo do công ty tư vấn Cambridge Econometrics công bố vào tháng 10 và tháng 11/2022 cho thấy, các hộ gia đình ở EU đang chi tiêu nhiều hơn cho năng lượng so với năm 2020 và các chính phủ đang chi hàng tỷ Euro để giúp người dân thanh toán hóa đơn năng lượng cũng như cắt giảm thuế.

Ví dụ ở Pháp, các hộ gia đình nghèo nhất hiện chi tiêu cho năng lượng nhiều hơn khoảng 1/3 so với năm 2020. Từ tháng 8/2020-8/2022, giá năng lượng hộ gia đình tăng 37%, trong khi lạm phát tăng 9,2%.

Báo cáo cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng, sự gia tăng giá năng lượng khiến một hộ gia đình Pháp mất trung bình 410 Euro vào năm 2022 so với năm 2020, chủ yếu là do giá khí đốt cao hơn”.

Theo công ty tư vấn có trụ sở tại Anh, để đối phó với giá năng lượng tăng, chính phủ Pháp đã áp dụng giới hạn giá và các biện pháp hỗ trợ. Việc này được dự báo sẽ tiêu tốn hơn 71 tỷ Euro, tương đương 2,9% GDP của nước này.

Tại Italy, cũng theo Cambridge Econometrics, chỉ riêng nhiên liệu hóa thạch đã góp 30% vào tỷ lệ lạm phát hằng năm của quốc gia này trong suốt mùa Xuân năm 2022.

Không giống các quốc gia châu Âu khác, giá điện bán lẻ tại Italy vào tháng 7/2022 đã cao hơn 112% giá các loại năng lượng khác so với tháng 8/2020. Trong cùng thời kỳ, giá xăng bán lẻ tăng 14%, dầu diesel tăng 22% và khí đốt tự nhiên tăng 42%.

Theo báo cáo: “Trong năm 2022, trước khi có sự hỗ trợ của chính phủ, một hộ gia đình Italy trung bình sẽ chi nhiều hơn khoảng 1.400 Euro cho hóa đơn năng lượng trong năm nay so với năm 2020.

Các gia đình có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi họ phải tiêu nhiều hơn khoảng 50% cho năng lượng so với năm 2020”.

Ở Italy, để sản xuất điện, người ta chủ yếu dùng khí đốt tự nhiên, điều này cũng khiến giá điện bán buôn tăng đột biến. Năm 2010, khí đốt tự nhiên chiếm 50% tổng sản lượng điện.

Theo báo cáo, thị phần khí đốt tự nhiên đã giảm xuống còn 33% vào năm 2014, nhưng sau đó tăng trở lại, đạt 48% vào năm 2021 và 56% trong nửa đầu năm 2022, khi nguồn năng lượng này lấp đầy phần thiếu hụt do sản lượng thủy điện thấp kỷ lục bởi hạn hán.

Trong khi đó, cũng theo Cambridge Econometrics, ở Tây Ban Nha, các hộ gia đình có thu nhập thấp hiện đang phải chi tiêu cho năng lượng ước tính cao hơn 70% so với năm 2020.

Báo cáo của công ty tư vấn trên cũng lưu ý rằng, chính phủ Tây Ban Nha đã can thiệp rất nhiều vào thị trường năng lượng bằng cách cắt giảm thuế, chuyển tiền mặt cho các hộ gia đình và giới hạn giá khí đốt tự nhiên cho các nhà máy phát điện. Điều này khiến giá điện tại đây thấp hơn nhiều nước EU khác.

Dự kiến, các biện pháp hỗ trợ trên sẽ tiêu tốn của Tây Ban Nha hơn 35 tỷ Euro, tương đương gần 3% GDP của nước này. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn sẽ cảm thấy gánh nặng chi phí sinh hoạt cao hơn.

Cambridge Econometrics cho biết, vào tháng 3, chỉ riêng giá điện đã gây ra 45% lạm phát hằng năm ở xứ sở bò tót. Tuy nhiên, giá mặt hàng này đã giảm do sự can thiệp của chính phủ. Từ tháng 5-7, giá nhiên liệu hóa thạch chiếm 19-25% tỷ lệ lạm phát chung và giá điện chiếm 16%.

Các biện pháp hỗ trợ

Lạm phát gia tăng cũng là một thách thức thực sự ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong đó, giá xăng cao hơn được cho là nguyên nhân chính.

Trong một báo cáo về lạm phát tại Đức, Cambridge Econometrics cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng, sự gia tăng giá năng lượng hiện đang khiến cho một hộ gia đình phải chi thêm trung bình 735 Euro vào năm 2022 so với năm 2020, chủ yếu là do giá khí đốt cao hơn”.

Berlin đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ nhằm giúp các hộ gia đình, doanh nghiệp và ngành công nghiệp giảm gánh nặng hóa đơn năng lượng, bao gồm cả giới hạn giá, dự kiến ​​có hiệu lực vào tháng 3 năm sau. Hơn nữa, hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình cho tháng 12 năm nay sẽ do nhà nước thanh toán.

Theo báo cáo, những biện pháp can thiệp này sẽ giảm thiểu tác động của giá cao hơn "ở một mức độ nào đó", nhưng chúng được dự báo sẽ khiến chính phủ tiêu tốn gần 5% GDP.

Hiệu ứng nhiên liệu hóa thạch

Ngoài khí đốt, giá than tăng cao cũng đã đẩy lạm phát ở một số nước lên cao.

Tại Ba Lan, quốc gia phụ thuộc nhiều vào than để sản xuất điện, nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 40% tỷ lệ lạm phát cả năm vào tháng 6/2022, ở mức hơn 14%.

Ở Ba Lan, sự gia tăng giá năng lượng hiện đang làm cho một hộ gia đình trung bình phả chi trả nhiều hơn 914 Euro vào năm 2022 so với năm 2020. (Ảnh minh họa - Nguồn: edie.net)

Giá than gia dụng, được sử dụng rộng rãi để sưởi ấm các ngôi nhà ở Ba Lan, đã tăng 157% trong khoảng thời gian từ tháng 8/2021-8/2022.

Cambridge Econometrics cho biết, giá năng lượng cao hơn ở Ba Lan một phần là do các lệnh trừng phạt của nước này và EU đối với khí đốt và than của Nga. Các nguyên nhân khác là sự suy yếu của đồng Zloty so với USD và đồng Euro và nhu cầu toàn cầu tăng lên trong thời kỳ hậu Covid-19.

Trong khi đó, giá điện tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với năng lượng cho giao thông và sưởi ấm, với mức tăng hằng năm là 5,1%.

Ở Ba Lan, các nhà phân tích ước tính rằng, sự gia tăng giá năng lượng hiện đang làm cho một hộ gia đình trung bình phả chi trả nhiều hơn 914 Euro vào năm 2022 so với năm 2020.

Theo báo cáo: “Đây là kết quả của việc giá bán lẻ được quản lý chặt chẽ ở Ba Lan, nơi các nhà quản lý có xu hướng ấn định giá trước một năm”.

Trong khi đó, chính phủ nước này đã chi gần 10 tỷ USD để giới hạn giá than, đóng băng giá điện cho đến cuối năm 2023, cũng như chỉ đạo trợ cấp và chuyển tiền mặt cho các hộ gia đình.

Cambridge Econometrics cho biết, điện khí hóa hệ thống sưởi và vận chuyển cũng như triển khai rộng rãi năng lượng tái tạo về lâu dài có thể làm giảm giá năng lượng và hạn chế nhu cầu can thiệp tốn kém của các chính phủ ở các nước EU khi giá nhiên liệu hóa thạch tăng đột biến.

(theo Politico)