Thực hiện Chương trình Đối ngoại và Xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc; hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023), nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, đối tác, nhà đầu tư của Nhật Bản, tạo cơ hội hợp tác phát triển cho các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam, Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam–Nhật Bản năm 2022 tại tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 23/6) dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Bên lề Hội nghị, Báo Thế giới và Việt Nam triển khai Press Corner trực tuyến, nhằm kết nối và chia sẻ các quan điểm về kinh doanh và đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc, giữa các nhà quản lý, Hiệp hội doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Tham gia Press Corner có các vị khách mời:
Ông Kinoshita Tadahiro, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sojitz Việt Nam
Bà Phạm Thị Hồng Thuỷ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc
Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Vĩnh Phúc
Đánh giá cao tính thời điểm diễn ra Hội nghị, Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, sự kiện không chỉ có tác dụng quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư Vĩnh Phúc, mà còn thực sự là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Press Corner. (Ảnh: Quang Hoà) |
Những năm qua, Vĩnh Phúc đã không ngừng tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số PCI năm 2021 của Vĩnh Phúc đứng thứ 5. Điều này chứng tỏ Tỉnh đã có sự bứt phá trong cải thiện môi trường đầu tư, thông thoáng và hấp dẫn. Các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản tại Vĩnh Phúc đều rất thành công.
Bà Hồng Thuỷ nhận định, Vĩnh Phúc luôn có cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia chuỗi cung ứng, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương trong tất cả các lĩnh vực.
Để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc kỳ vọng, Tỉnh sẽ tích cực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để đơn giản và thuận lợi hơn với doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc là ngôi nhà chung, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh, được giao nhiệm vụ đầu mối để phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối hợp tác, đầu tư thương mại giữa doanh nghiệp tỉnh và các đối tác.
UNBD tỉnh đã giao cho Hiệp hội tổ chức ký kết giữa hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Akita, thống nhất những định hướng hợp tác vào các lĩnh vực được quan tâm như công nghiệp tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện tại, Hiệp hội là đơn vị trực thuộc ban điều phối cấp tỉnh về đào tạo và tuyển dụng lao động, đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Hiệp hội đã kết nối giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp như Toyota Việt Nam, công ty Hirosima, để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầusản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây sẽ là gợi mở cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc.
Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 19 khu công nghiệp từ năm 2020-2030. Đến thời điểm hiện tại, có 14 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, dư địa đất công nghiệp tại Vĩnh Phúc rất lớn.
Năm 2022, Vĩnh Phúc có 109 ha đất công nghiệp cho thuê và sang năm 2023, tỉnh có hơn 600 ha đất công nghiệp cho thuê. Dự kiến, đến năm 2025 có hơn 1300 ha đất công nghiệp có thể cho thuê.
Về chính sách thu hút đầu tư, ông Nguyễn Xuân Phương cho rằng, thời gian qua, Vĩnh Phúc tích cực cải cách thủ tục hành chính, mở cửa liên thông, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Vì vậy, tại thời điểm này, tỉnh có môi trường đầu tư tương đối thuận lợi.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Phương, để tiếp tục thu hút đầu tư hiệu quả hơn, Vĩnh Phúc cần lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, Vĩnh Phúc cần chuyển đổi số thực chất, triệt để và cải cách thủ tục hành chính nhanh chóng hơn.
Thứ hai, diện tích phân lô tại các khu công nghiệp khá lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần quy hoạch phân lô nhỏ hơn. Vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc cần cân đối diện tích phân lô tại các khu công nghiệp để thu hút những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba, so với các tỉnh có lợi thế cạnh tranh kém hơn, giá thuê mặt bằng chung tại các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc đang dao động ở mức tương đối cao. Do đó, Tỉnh cần có sự điều chỉnh phù hợp để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài lớn và cả những doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Sojitz Việt Nam Kinoshita Tadahiro chia sẻ tại Press Corner. (Ảnh: Quang Hoà) |
Đánh giá về môi trường đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc, ông Kinoshita Tadahiro, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sojitz Việt Nam chia sẻ, năm 2021, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật Bản, công ty CP sữa Vinamilk Việt Nam đã ký kết với tập đoàn Sojitz Nhật Bản và UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao tại đây.
Trên cơ sở đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi về chính sách đầu tư và phát triển khu công nghiệp công nghệ cao cho doanh nghiệp. Hy vọng rằng các dự án sẽ được thực hiện thành công.
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đang tích cực chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Năm 2021 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản đạt 42,7 tỷ USD, xuất khẩu đạt 20 tỷ USD (tăng 4,4%) . Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 11,2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt gần 5,4 tỷ USD , tăng 10,1% và nhập khẩu đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế đến ngày 20/3, Nhật Bản có 4.828 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 64,410 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Singapore trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vốn FDI lũy kế chiếm 16% tổng vốn FDI vào Việt Nam, dù là một con số khiêm tốn nhưng lại chứa đựng ý nghĩa lớn lao nếu xem xét từ cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng, năng lượng, thiết bị phụ tùng máy móc… là những ngành sản xuất thiết yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Tính đến hết tháng 5/2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 435 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,33 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản có 58 dự án, tổng vốn đăng ký là 1,62 tỷ USD, tuy số lượng dự án và vốn đăng ký xếp thứ 3, nhưng luôn đứng đầu về tỷ lệ và số vốn thực hiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp vào ngân sách tỉnh. Các dự án của Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực ôtô, xe máy, chế tạo, có tính hiệu quả và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc đã thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị chính thức với các địa phương ở Nhật Bản, là tỉnh Akita (3/2015) và tỉnh Tochigi (12/2021). Đây là những tiền đề quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc cùng các địa phương của Nhật Bản triển khai các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực hướng tới sự thịnh vượng chung.
| Giá vàng hôm nay 22/6: Giá vàng bị kiểm soát, Fed từ bỏ chống lạm phát, chuyên gia mách thời điểm vàng thực sự tăng? Giá vàng hôm nay duy trì bị kiểm soát bởi "phe gấu" trong ngắn hạn. Lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn trong bối cảnh ... |
| Kinh tế Mỹ: Chứng khoán tới 'lằn ranh đỏ', Phố Wall suy sụp, suy thoái đã đến rất gần, quá muộn để hoảng sợ? Nỗi lo suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ không phải là không có cơ sở, khi nhìn vào những biến động khó lường ... |