Giải "Phục vụ Cộng đồng", giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống giải thưởng Pulitzer, đã thuộc về các tờ The Times và The New Yorker với loạt bài viết bóc trần vấn nạn quấy rối tình dục và cách đối xử đáng lên án với phụ nữ của những "ông trùm" quyền lực tại Hollywood, trong giới chính trị, truyền thông và công nghệ.
Vụ việc đã khởi động phong trào #MeToo phản đối và kêu gọi ngăn chặn nạn lạm dụng tình dục, đặc biệt tại các môi trường làm việc mà nam giới chiếm đa số. Phong trào này sau đó đã lan rộng không chỉ tại Mỹ mà còn vươn đến nhiều quốc gia.
"Ông trùm" Holywood Harvey Weinstein. |
Sau loạt bài báo đăng tải trên The Times và New Yorker hồi tháng Mười, hơn 100 phụ nữ đã lên tiếng tố cáo các hành vi lạm dụng tình dục của những người đàn ông quyền lực, bóc trần "bộ mặt thật" của những nhân vật trên đỉnh cao danh vọng và quyền lực. Trong đó, nổi tiếng nhất là "ông trùm" Holywood Harvey Weinstein. Vụ bê bối đã khiến nhà sản xuất quyền lực nhất "kinh đô điện ảnh thế giới" bị sả thải khỏi chính công ty mang tên ông và mất ghế tại các hiệp hội điện ảnh dù ông liên tục bác bỏ những cáo buộc trên. Nhiều dự án do The Weinstein Company đỡ đầu cũng bị "treo" sau vụ bê bối này.
Đây là lần thứ 6 The Times giành giải thưởng Pulitzer trong hạng mục "Phục vụ Cộng đồng". Ngoài ra, tờ báo này năm nay cũng được nhận giải thưởng cho mục "Biếm họa". Tờ The Washington Post được vinh danh ở hạng mục "Báo chí Điều tra" với loạt bài phóng sự về Roy S. Moore, ứng cử viên Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa ở bang Alabama và các cáo buộc xâm phạm nhiều bé gái vị thành niên. Loạt bài này được đánh giá là có sức ảnh hưởng lớn, thậm chí giúp thay đổi cuộc đua tranh cử ghế đại diện bang Alabama tại Thượng viện sau khi ông Roy Moore thua cuộc trước đối thủ Doug Jones của đảng Dân chủ. Đây là lần đầu tiên bang Alabama có một thượng nghị sĩ từ đảng Dân chủ sau 25 năm.
Bên cạnh đó, The Washington Post còn chia sẻ giải "Báo chí Quốc gia" với The Times cho bài viết về cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Hãng tin Reuters giành 2 giải thưởng, trong đó có 1 giải thưởng cho "Phóng sự Quốc tế" về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines và giải thưởng thứ 2 ở mục "Nhiếp ảnh".
Mặc dù tên tuổi gắn liền với ngành báo, giải thưởng Pulitzer còn tôn vinh nhiều lĩnh vực khác bao gồm văn học, kịch nghệ và âm nhạc. Năm nay, giải Pulitzer văn học thuộc về tác giả Andrew Sean Greer với tiểu thuyết Less, câu chuyện mang chủ đề tuổi già và tình yêu. Trong khi đó, nhà soạn kịch Martyna Majok được tôn vinh ở hạng mục kịch với tác phẩm Cost of Living.
Nghệ sĩ nhạc rap Kendrick Lamar đã làm nên lịch sử khi trở thành rapper đầu tiên được Pulitzer vinh danh ở hạng mục âm nhạc với album DAMN. Ban giám khảo Pulitzer ca ngợi DAMN là "một tuyển tập các sáng tác bậc thầy ghi lại được những phức tạp trong cuộc sống hiện đại của người Mỹ gốc Phi". Album này cũng được coi là bước tiếp nối chủ đề phân biệt chủng tộc mà nghệ sĩ này đã nêu ra từ album trước đó To Pimp a Butterfly cổ động cho phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da màu.
Giải thưởng Pulitzer ra đời theo di chúc năm 1904 của ông trùm báo chí Joseph Pulitzer. Trên con đường gian nan để đi đến đỉnh cao của nghề báo, Pulitzer tự hào là người tự lập và chính tuổi trẻ vật lộn, đấu tranh gian nan trong ngành báo đã thấm đẫm trong ông niềm khao khát tạo nhiều thuận lợi cho việc đào tạo nghề báo chí. Sau khi mất, Pulitzer đã dành toàn bộ số tiền nhuận bút của cả cuộc đời mình cho trường Đại học Tổng hợp Columbia, trong đó 3/4 số tiền được sử dụng vào việc thành lập phân viện báo chí đầu tiên trên thế giới tại trường Columbia, 1/4 số tiền còn lại dành cho các giải thưởng và học bổng. Năm 1917, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Pulitzer, Hội đồng Cố vấn của Đại học Columbia, do Pulitzer ủy thác, đã trao những giải thưởng Pulitzer đầu tiên, gồm 2 giải báo chí và 2 giải văn chương, kịch nghệ.
Trải qua hơn 100 năm, giải thưởng Pulitzer đã thực sự khẳng định được tầm quan trọng và uy tín của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí. Nhiều giải thưởng đã được trao cho những tác phẩm có những tác động lớn đến công luận không chỉ trong phạm vi nước Mỹ mà còn có sức lan tỏa ra toàn thế giới. Có thể nói, để có được những tác phẩm báo chí xuất sắc không hề đơn giản, bởi nó chứa đựng trong đó nhiều nguy hiểm, áp lực nhưng cũng không ít cuốn hút, đam mê. Và một khi đã lựa chọn, họ phải dấn thân hết mình giống như Joseph Pulitzer đã từng nói: "Sống là phải làm việc say mê".