Theo hãng thông tấn nhà nước MAP của Morocco, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Qatar Sheikh Abdallah bin Nasser bin Khalifa Al-Thani tuyên bố Doha "đã dỡ bỏ quy định yêu cầu thị thực đối với công dân Morocco".
Như vậy, đến nay Morocco cùng với Lebanon là 2 nước Arab duy nhất đang được hưởng chính sách miễn thị thực của Qatar. Mặc dù vậy, về lý thuyết, các thành viên trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh gồm 6 nước (Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar) cũng không cần xin thị thực thi nhập cảnh vào quốc gia giàu năng lượng khí đốt này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP) |
Theo truyền thống, Morocco có quan hệ gần gũi và có tính chiến lược với các nước Arab vùng Vịnh. Morocco luôn giữ lập trường thận trọng trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay và chính quyền Rabat từng đề xuất làm trung gian hòa giải giữa Qatar với các nước láng giềng.
Cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước láng giềng Arab và vùng Vịnh bắt đầu từ đầu tháng 6, với việc 4 nước Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa các tuyến vận tải với Qatar với cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố. Qatar đến nay vẫn mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia vùng Vịnh.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Qatar tuyên bố sẽ đưa Đại sứ nước này trở lại Iran - đối thủ của hầu hết các quốc gia vùng Vịnh. Hồi tháng 1/2016, Qatar đã rút đại sứ tại Iran về nước nhằm thể hiện tình đoàn kết với Saudi Arabia sau khi xảy ra vụ tấn công vào hai cơ quan ngoại giao của Riyadh tại Iran.
Bất chấp nỗ lực hòa giải của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Kuwait thời gian qua, căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.