Phát biểu tại kỳ họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva (Thụy Sỹ), Ngoại trưởng al-Thani tuyên bố Qatar sẵn sàng tham gia đàm phán với các nước Arab trong khu vực trên các nguyên tắc không vi phạm pháp luật quốc tế và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước.
Ông al-Thani kịch liệt lên án lệnh phong tỏa của các nước Arab, coi đây là hành động rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế. Ông nêu rõ: "Không còn bí mật gì nữa, những động cơ thực sự đằng sau lệnh phong tỏa và hành động cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar của các nước Arab không nhằm mục đích chống khủng bố".
Ông cũng lưu ý rằng cái gọi là lệnh phong tỏa của các nước Arab là nhằm ép buộc Qatar trở thành "một nhà nước ủy trị" để can thiệp vào các chính sách đối ngoại và đối nội, cũng như phá hoại chủ quyền của Doha. Ngoại trưởng Qatar tuyên bố Doha sẽ không tha thứ cho những hành động này.
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani. (Nguồn: Reuters) |
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng al-Thani tái khẳng định quan điểm của Qatar là bác bỏ và lên án khủng bố dưới mọi hình thức, dù với bất cứ nguyên nhân và động cơ nào. Ngoại trưởng al-Thani nhấn mạnh rằng Qatar đã phải đối mặt với nhiều thách thức vì sự áp đặt phong tỏa kinh tế của Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain.
Ông cho biết thêm, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất làm trung gian đàm phán cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hồi tuần trước, Saudi Arabia ban đầu tỏ ra sẵn sàng nhưng sau đó tuyên bố yêu cầu Doha đáp ứng các điều kiện mà Riyadh đưa ra.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bùng phát ngày 5/6 khi Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và UAE cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời cáo buộc Doha hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và gây bất ổn trong khu vực Trung Đông. Để tiếp tục gây áp lực lên Qatar, Saudi Arabia đã phong tỏa hoàn toàn tuyến đường bộ với nước này.
Nhóm bốn nước Arab sau đó đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc yêu cầu Doha đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Tuy nhiên, Qatar đã thẳng thừng từ chối thực thi bản yêu sách của các nước Arab, cho rằng những yêu cầu này là "phi thực tế, không hợp lý và không thể chấp nhận được".
Xung đột ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab tiếp tục rơi vào bế tắc khi các bên không chịu nhượng bộ hay thỏa hiệp. Doha và bên còn lại trong cuộc khủng hoảng không ngừng chỉ trích và lên án lẫn nhau, gây phương hại đến các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, nhất là Kuwait.