Không chỉ là quốc gia giàu khí đốt, Qatar chứng minh vị thế của một "người chơi" thực thụ trong khu vực. (Nguồn: North Oil Company) |
Với diện tích nhỏ bé và dân số ít ỏi, nhiều quốc gia đã nâng cao vị thế của mình bằng cách trở thành nơi trung gian hoà giải, địa điểm cho các quốc gia đang đối đầu hoặc có chiến tranh tiến hành đối thoại.
Tiêu biểu là một số nước châu Âu như Thụy Sỹ, Ireland... đã thiết lập các cuộc đàm phán hòa bình và cung cấp những kênh thông tin bí mật.
Ngày nay, Qatar cũng đang theo đuổi con đường này.
Quốc gia vùng Vịnh từ lâu là trung tâm sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, lần lượt chiếm 1,5% và 5% trữ lượng được kiểm chứng của thế giới.
Tận dụng lợi thế đó, Qatar biến lợi nhuận dầu khí khổng lồ thành sức mạnh ngoại giao.
Qatar đã tạo điều kiện cho Mỹ đối thoại với Taliban, tổ chức quá trình rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ.
Đây cũng là nơi tiếp nhận nhiều người tị nạn từ Afghanistan hơn bất kỳ nước nào. Đồng thời, Qatar đang quản lý sân bay ở Kabul cho Taliban.
Ngoại giao của Qatar hướng về cả phía Đông và Tây, đồng thời đi vào chiều sâu của khu vực.
Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad và người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar ký thoả thuận hoà bình Mỹ-Taliban ở Doha, Qatar ngày 29/2/2020. (Nguồn: AP) |
Tài nguyên và xung đột
Qatar là tiểu vương quốc có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới sau Monaco, căn bản do nước này có dân số ít, cùng giá dầu và khí đốt rất thấp.
Khí đốt dễ dàng được tìm thấy và khai thác tại Qatar. Với nguồn tài nguyên dồi dào đó, tiểu vương quốc này đã xây dựng các cơ sở hoá lỏng khí tự nhiên tinh xảo, giữ vị thế độc tôn trên thị trường khí đốt tự nhiên thế giới.
Qatar nằm trên một bán đảo sa mạc hình ngón tay cái nhô ra Vịnh Ba Tư. Diện tích nước này chỉ gần bằng diện tích của Connecticut - tiểu bang có diện tích nhỏ thứ 3 ở Mỹ.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, dân số Qatar là 2,88 triệu người. Tuy nhiên, chỉ 400.000 người là công dân bản địa, hầu hết dân số là người lao động đến từ Nam Á.
Thủ đô Doha là thành phố duy nhất của Qatar - một kiệt tác của sự kết hợp giữa vốn đầu tư và kiến trúc.
Doha được ví như một trong những viên ngọc quý của khu vực với những tòa nhà ấn tượng và con đường đi dạo ven biển như đại lộ Corniche, đậm chất hậu hiện đại với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá Hồi giáo.
Khác với Saudi Arabia, Doha có sẵn rượu cho du khách quốc tế. Khách sạn Ritz Carlton đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động đối ngoại của Qatar, là nơi các nhà ngoại giao gặp gỡ đối tác, đồng thời là nơi thường xuyên diễn ra các giao dịch kinh doanh.
Qatar nổi tiếng là “cha đẻ” của kênh mạng lưới truyền hình toàn cầu Al Jazeera, phát sóng bằng hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Arab.
Tính độc lập của Al Jazeera là một trong những nguyên nhân khiến Qatar mâu thuẫn với Bộ tứ Arab, bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Năm 2017, bốn quốc gia này đã áp đặt lệnh phong tỏa Qatar. Xung đột bắt nguồn từ việc Saudi Arabia và UAE cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố do nước này đã “tài trợ và chứa chấp” tổ chức Huynh đệ Hồi giáo vốn bị Saudi Arabia liệt vào danh sách khủng bố.
Động cơ của xung đột, theo giới phân tích, là Saudi Arabia và UAE cùng cho rằng Qatar có quan hệ gần gũi với Iran, đứng về phía Iran trong cuộc tranh chấp ảnh hưởng trong khu vực giữa Saudi Arabia và Iran.
Qatar không được tiến hành các hoạt động lưu thông qua biên giới trên bộ duy nhất của đất nước với Saudi Arabia, đồng thời không được nhập cảnh vào 4 nước láng giềng vùng Vịnh.
Trung tâm của ngoại giao
Qatar là nơi đặt trụ sở Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ và Bộ chỉ huy Trung tâm không quân Mỹ, cùng căn cứ Không quân Al Udeid khổng lồ với 10.000 binh sĩ Mỹ.
Có thể nói, Qatar là người bạn tốt nhất của Mỹ ở vùng Vịnh.
Tuy nhiên, Qatar cũng là bạn của Taliban ở Afghanistan, đồng thời thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Israel.
Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn Qatar hỗ trợ khoan dầu và khí đốt ngoài khơi đảo Cyprus, trước sự ngăn chặn của Hy Lạp.
Qatar đã trải qua một năm rất khó khăn do sự phong tỏa của Bộ tứ Arab. Nhưng Qatar đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành địa điểm quan trọng hỗ trợ thế giới triển khai các hoạt động ngoại giao.
Tháng Giêng năm ngoái, lệnh phong toả Qatar đã được dỡ bỏ thông qua thỏa thuận do Kuwait làm trung gian. Sự ủng hộ đối với Qatar đã quay trở lại.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã chào đón Quốc vương Qatar Emir Sheikh Tamim bin Hamad al Thani tại sân bay quê nhà. Hình ảnh hai người ôm nhau đã được truyền thông ghi lại và chia sẻ.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman chào đón Quốc vương Qatar Emir Sheikh Tamim bin Hamad al Thani (trái) trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nước vùng Vịnh tại thành phố AlUla, Saudi Arabia ngày 5/1/2021. (Nguồn: AA) |
Qatar đã trở lại thế trận, khi các nước Arab đã chuyển từ lên án và chỉ trích sang ngoại giao sau nhiều năm.
Giờ đây, Trung Đông là nơi tập trung của những nhà ngoại giao công du khắp nơi, nhằm đạt được mục tiêu thông qua đàm phán.
Có suy đoán cho rằng sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, tầm quan trọng của Qatar sẽ dần mất đi.
Tuy nhiên, hiện các tranh chấp từ Sudan đến Yemen mới là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phục hưng ngoại giao của các quốc gia Arab, với Qatar là trung tâm.
Thậm chí các nhân viên Đại sứ quán Mỹ sau khi được sơ tán khỏi Kabul hiện vẫn ở Qatar.
Thực tế này khẳng định vị trí của Qatar trong ngoại giao.
Có thể thấy, Qatar đang nỗ lực gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có tên thành phố được đặt cho các hiệp ước như Helsinki, Oslo, Vienna, và Geneva.
Liệu rằng trong tương lai, một hiệp ước Doha sẽ ra đời?
| Qatar kêu gọi Mỹ và Iran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Ngày 28/5, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã bày tỏ sự ủng hộ đối việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm ... |
| Messi nâng tầm ‘quyền lực mềm’ của Qatar Thông qua việc chiêu mộ thành công Lionel Messi về Paris Saint-Germain (PSG) thuộc sở hữu của mình, Qatar đã có được quân cờ chiến ... |