📞

Quả cầu nhỏ xoay chuyển quả cầu lớn

12:00 | 31/01/2016
Những đường bóng lăn trên sân cỏ đôi khi có sức mạnh thay đổi vận mệnh của một đất nước và cả quan hệ giữa các quốc gia.

Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (1918-2013) từng nói: “Vận động viên thể thao, đặc biệt là cầu thủ bóng đá, thậm chí còn quan trọng hơn cả các chính trị gia, bởi vì rất nhiều người đặt hy vọng vào họ”.

Thật vậy, trong thập kỷ qua, môn thể thao vua đã giúp xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia và được một số nước áp dụng như một thứ sức mạnh mềm hiệu quả thúc đẩy hòa bình và hữu nghị.

Câu lạc bộ New York Comos đã làm lên lịch sử với cú ngoại giao bóng đá tại Cuba. (Nguồn: NY Cosmos)

“Ghi bàn” bên lề sân cỏ

Từ trước đến nay, không ít những câu chuyện chính trị đã “ghi bàn” ngoạn mục bên lề sân cỏ. Mỗi trận bóng lớn có thể thu hút sự tham gia cổ vũ của đông đảo người dân, các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cũng mê mệt trái bóng tròn, điển hình như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Thủ tướng Anh David Cameron.

Ít ai ngờ rằng, 15 phút ngắn ngủi tạm nghỉ giữa hai hiệp đấu bóng đôi khi lại chính là thời gian diễn ra một trận đấu ngoại giao không kém phần quyết liệt khác giữa những nhà lãnh đạo trong phòng kính. Bởi những cuộc gặp gỡ không chính thức và không vướng bận bởi các lễ nghi bên lề sân bóng là một cơ hội ngoại giao hiếm có. Đơn cử như World Cup 2014 khi Brazil trên cương vị nước chủ nhà, nhờ sự tham dự của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong trận bóng khai mạc, Mỹ và Brazil đã tranh thủ giải quyết được căng thẳng giữa hai nước sau sự cố tình báo Mỹ tổ chức nghe lén, ghi âm điện thoại của nữ Tổng thống Brazil bị phơi bày năm 2013.

Trong một câu chuyện đáng kinh ngạc khác, 11 người đàn ông cùng trái bóng tròn đã góp phần kết thúc cuộc nội chiến năm năm ở Bờ Biển Ngà. Năm 2005, tận dụng sức mạnh của truyền thông khi vừa kết thúc trận đấu quyết định tấm vé tham dự World Cup 2006, cầu thủ Didier Drogba cùng các đồng đội ở đội tuyển Bờ Biển Ngà đã quỳ gối trước ống kính máy quay và kêu gọi: “Một đất nước giàu mạnh như chúng ta không thể bị tàn phá bởi chiến tranh được. Xin hãy hạ vũ khí xuống và tổ chức bầu cử. Như vậy, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn”.

Bóng đá thật sự đã làm được điều vượt xa những gì người ta có thể tưởng tượng. Cuộc nội chiến đã kết thúc ngay một tuần sau đó. Có lẽ, chính hành động quỳ gối đó đã góp phần tạo nên một sự biến chuyển khó tin tại Bouaké, thành phố lớn thứ hai của Bờ Biển Ngà và là căn cứ phía Bắc của lực lượng Hồi giáo chống đối Chính phủ.

Bằng việc cầm micro lên kêu gọi và gửi thông điệp đến toàn thể người dân của Bờ Biển Ngà rằng lực lượng chống đối ở miền Bắc cũng là một phần của đất nước, Didier Drogba đã cho cả hai phe phái một lí do để thống nhất quê hương mình. Từ một cầu thủ, Didier Drogba đã thực sự trở thành một người anh hùng dân tộc.

“Chúng tôi có thể kéo mọi người ngồi lại cùng với nhau nhiều hơn bất cứ chính trị gia nào. Chúng ta chơi bóng và đưa mọi người lại gần bên nhau”, Didier Drogba chia sẻ.

Sứ giả hòa bình

Không chỉ là một môn thể thao, bóng đá còn có thể đóng vai trò một sứ giả hòa bình. Trong một sự kiện nổi bật của năm 2015 đánh dấu bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ sau 50 năm, một trận bóng giao hữu giữa câu lạc bộ (CLB) New York Cosmos (Mỹ) và đội tuyển quốc gia Cuba đã được tổ chức tại Thủ đô Havana (Cuba). Đây cũng là lần đầu tiên một đội bóng chuyên nghiệp Mỹ đến thi đấu tại Cuba dưới hình thức giao hữu trong gần bốn thập kỷ.

Đặc biệt, trong trận bóng lịch sử này còn có sự góp mặt của huyền thoại bóng đá Pele. Những năm 1970, một số ngôi sao bóng đá tên tuổi hàng đầu như Pele, Beckenbauer hay Chinaglia từng đầu quân cho CLB Cosmos. Khi đó, đối với các cầu thủ này, ngoài chuyện đá bóng kiếm tiền thì họ còn gánh trên vai sứ mệnh ngoại giao giúp xua tan đi nhiều định kiến chính trị.

Ngay cả căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng từng được hạ nhiệt khi Triều Tiên đồng ý cho đội tuyển bóng đá nam và nữ đến tham dự Đại hội Thể thao châu Á 2014 (Asian Games) tổ chức tại thành phố cảng Incheon (Hàn Quốc). Đây là một sự “mở lòng” hiếm hoi của Triều Tiên mà có lẽ chỉ có thể nhờ môn thể thao vua mới có được.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen  và cựu Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat trong trận bóng giao hữu lịch sử ngày 24/9/2011. (Nguồn: Thaivisa)

Tại khu vực Đông Nam Á, căng thẳng giữa Campuchia và Thái Lan liên quan vấn đề tranh chấp lãnh thổ cũng được giải quyết trong hòa bình nhờ trận đấu lịch sử ngày 24/9/2011. Với những chân sút là các nhà lãnh đạo, đội tuyển chính phủ Campuchia do Thủ tướng Campuchia Hun Sen dẫn đầu cùng các thành viên Chính phủ đã có một trận giao hữu với đội tuyển Thái Lan gồm cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat cùng các nghị sĩ đảng Vì nước Thái và lãnh đạo Phong trào Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài.

Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, ông Hun Sen đã tuyên bố: “Ngày hôm nay là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Campuchia và Thái Lan”. Còn ông Somchai Wongsawat nhận định rằng, trận đấu giao hữu đã tăng cường mối quan hệ song phương giữa hai nước và những vấn đề tồn tại giữa hai nước sẽ được giải quyết dễ dàng.

Và quả thực như vậy, ngay tháng 12 năm đó, hai Chính phủ Thái Lan và Campuchia đã ký kết thành công thỏa thuận đưa binh sĩ ra khỏi khu vực tranh chấp ở biên giới hai nước. Nhiều chuyên gia nhận định, thỏa thuận này có được chính là nhờ mối quan hệ tốt đẹp được xây dựng giữa các nhà lãnh đạo hai nước và có lẽ mối quan hệ đó đã được bồi đắp từ những đường bóng lăn kia.

Thật vậy, mọi khán giả khi ngồi trên khán đài hay trước màn ảnh nhỏ đều gạt bỏ hết mọi ưu tư và chỉ giữ lại cho mình tình yêu với trái bóng. Đây là sức mạnh riêng của môn thể thao vua và cũng biến nó thành một công cụ ngoại giao công chúng có một khả năng thần kỳ: đưa mọi người xích lại gần nhau.