📞

"Quá ít bột", các trường sư phạm sẽ "gột nên hồ" ra sao?

16:40 | 17/08/2017
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa – Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, khi đội ngũ giáo viên có chất lượng không chuẩn, sẽ ảnh hưởng tới nhiều thế hệ học trò trong tương lai.

Để chạy đua với các nước trong khu vực và thế giới, đầu tư vào giáo dục phải là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, thật nghịch lý khi điểm chuẩn ngành sư phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua lại thấp... thảm hại. Là một đại biểu quốc hội, hẳn bà cũng có nhiều trăn trở?

Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề mới, bởi đã từ rất lâu, bức tranh điểm chuẩn của nhiều trường sư phạm đã không được tươi sáng. Nhưng điều bất thường của năm nay là trong khi kết quả kỳ thi THPT quốc gia kết thúc bằng “ cơn mưa điểm 10”  và điểm chuẩn các ngành ở “top trên” như Công an, Y – Dược, Ngoại thương... được đẩy lên sát điểm tối đa thì điểm chuẩn đầu vào của rất nhiều trường Sư phạm lại quá thấp, thậm chí còn dưới mức điểm sàn với bình quân chỉ 3 điểm/môn.

Điều đáng nói, ngành Giáo dục đang trong công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện”, chương trình giáo dục phổ thông mới đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai. Để đáp ứng được những mục tiêu ấy, đội ngũ nhà giáo phải có trình độ cao, năng lực giỏi, giàu tâm huyết với nghề.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. (Nguồn: quochoi.vn)

Muốn trò giỏi, phải có thầy giỏi. Muốn có thầy giỏi, việc tuyển chọn đầu vào cũng như chất lượng đào tạo của hệ thống các trường sư phạm phải cao. Nếu chuẩn đầu vào thấp, rất khó có chuẩn đầu ra cao theo đúng nghĩa. Khi đội ngũ giáo viên có chất lượng không chuẩn sẽ ảnh hưởng tới nhiều thế hệ học trò trong tương lai.

Trong bối cảnh ấy, điểm chuẩn ngành sư phạm quá thấp chắc chắn sẽ khiến xã hội hoài nghi về chất lượng đội ngũ nhà giáo. Kéo theo đó là chất lượng nguồn nhân lực được tạo ra từ sản phẩm giáo dục nước nhà trong tương lai. Đây là vấn đề lớn, cần tìm được giải pháp căn cơ để tháo gỡ.

Vậy trong rất nhiều nguyên nhân khiến ngành sư phạm không thu hút được người giỏi dù điểm chuẩn rất thấp, đâu là nguyên nhân cơ bản?

Đúng là có nhiều nguyên nhân được đề cập tới khi lý giải về tình trạng này. Nhưng chung quy lại, có thể thấy rõ một số nguyên nhân cơ bản nhất:

Thứ nhất, khó có cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường, bởi cơ cấu giáo viên các địa phương luôn trong tình trạng thừa, thậm chí kéo dài, khó kiểm soát. Theo số liệu của ngành Giáo dục, dự báo đến năm 2020, số lượng giáo viên dư thừa vào khoảng 70.000 người. Hàng năm, hệ thống 114 trường sư phạm ở khắp các địa phương vẫn tiếp tục tuyển sinh. Khủng hoảng thừa nhân lực ngành Sư phạm đã khiến cho nhiều người buộc phải tìm công việc khác, từ bỏ ước mơ đứng trên bục giảng, gây lãng phí nguồn đầu tư đào tạo.

Thứ hai, về môi trường, điều kiện làm việc của nhà giáo còn thiếu sức hấp dẫn. Nhiều nhà giáo sẵn sàng bỏ nghề. Đồng lương nhà giáo còn quá thấp, trong khi áp lực xã hội lớn, khối lượng công việc quá nhiều khiến các giáo viên cảm thấy kiệt sức và mất động lực. Thực tế ở nhiều nước tiên tiến cũng cho thấy, nhu cầu xã hội ngày nay không khuyến khích những ứng viên xuất sắc vào ngành sư phạm.

Thứ ba là cách ứng xử đối với người làm giáo dục. Sự kỳ vọng, đòi hỏi của xã hội dành cho người thầy quá cao trong khi quyền của người thầy ngày càng bị thu hẹp. Nguy cơ bị dư luận xã hội, phụ huynh, học sinh phán xét bất cứ lúc nào dẫn tới tình trạng “nghề cao quý nhất” lại là sự lựa chọn cuối cùng, khi không còn sự lựa chọn nào khác.

Vậy chúng ta có thể lạc quan với nền giáo dục mà đứng lớp là những giáo viên thi đại học chỉ đạt điểm đầu vào 3 điểm/môn hay không?

Xét một cách toàn diện, muốn có những lứa giáo viên thực sự chất lượng thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, tiêu biểu như chất lượng tuyển sinh đầu vào, chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, môi trường, điều kiện làm việc và động lực của sự cống hiến cùng với tình yêu trò và tâm huyết dành cho nghề…

Nói như vậy để thấy điểm chuẩn không phải là yếu tố duy nhất làm nên chất lượng đào tạo giáo viên, nhưng lại là yếu tố đầu tiên, căn bản, bởi “có bột mới gột nên hồ”. Khi điểm chuẩn vào ngành sư phạm thấp, thậm chí dưới mức trung bình quá xa, “bột quá ít”, chắc chắn quá trình “tạo hồ” của các trường sư phạm sẽ gặp nhiều thách thức.

Điểm chuẩn đầu vào sư phạm thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai. (Nguồn: TTO)

Chất lượng đầu vào/đầu ra của các trường sư phạm thấp sẽ cho ra lò một đội ngũ giáo viên kém. Hệ quả kéo theo là chất lượng của sản phẩm giáo dục không thể tốt, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng không thể đáp ứng được yêu cầu. Phân tích theo hướng ấy, gọi tình trạng điểm chuẩn đầu vào của ngành sư phạm quá thấp là “thảm hoạ” cũng không sai.

Kinh nghiệm từ các nước có nền giáo dục phát triển cho thấy, giáo viên chính là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của một quốc gia. Vậy thực trạng chỉ cần đầu vào 3 điểm/môn là đỗ ngành Sư phạm như ở Việt Nam có phải đang đi ngược lại xu thế chung ấy? 

Đúng là ở hầu hết các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Hà Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc..., yếu tố quyết định chất lượng giáo dục chính là việc đầu tư cho giáo viên. Do đó, nghề giáo luôn được xã hội tôn trọng. Nhà nước có những chính sách để thu hút, đào tạo và tuyển chọn đội ngũ giáo viên từ những người xuất sắc. Chẳng hạn, tại Singapore, chỉ những học sinh xuất sắc mới có thể đăng ký vào ngành sư phạm. Còn ở Phần Lan, mọi giáo viên phải có trình độ từ thạc sỹ trở lên. Trong khi ở Hàn Quốc, chỉ 5% cử nhân giỏi nhất mới có thể giảng dạy ở bậc tiểu học.

Ở Việt Nam, thực trạng điểm chuẩn vào sư phạm với bình quân 3 điểm/môn đúng là đang đi ngược với xu thế chung về đầu tư cho giáo dục của các nước tiên tiến. Về quan điểm, chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và đang tập trung cho công cuộc đổi mới “căn bản, toàn diện” giáo dục nhưng việc các em lựa chọn nghề giáo như "hạ sách" là điều cần phải suy nghĩ. 

Chúng ta cần xem xét lại cách chúng ta đang ứng xử đối với giáo dục. Nếu không có những giải pháp đúng đắn, kịp thời để có được đội ngũ nhà giáo bảo đảm chất lượng thực sự, giáo dục Việt Nam rất khó thành công trong công cuộc đổi mới lần này.

Theo bà, cần làm gì để nâng cao vị thế cho ngành sư phạm và bảo đảm chất lượng giáo dục Việt Nam?

Muốn nâng cao vị thế cho ngành sư phạm và bảo đảm chất lượng của giáo dục Việt Nam, tôi nghĩ phải bắt đầu từ những chính sách đột phá, thiết thực. Trong đó, bao gồm chính sách trao quyền tự chủ để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm gắn với phân công. Đồng thời, bố trí việc làm cho sinh viên sư phạm ngay sau khi ra trường. Bảo đảm mức lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương để nhà giáo yên tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người…

Nếu có đủ các chính sách ấy, ngành sư phạm chắc chắn sẽ là ngành "hot”, thu hút được nhiều thí sinh xuất sắc không kém gì các trường công an, quân đội như hiện nay.

Xin cảm ơn bà!