📞

Quá trình đàm phán và ký kết các văn kiện pháp lý về đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc

Nguyễn Hồng Thao 08:32 | 02/12/2021
Baoquocte.vn. Trong quá trình đàm phán biên giới Việt Nam-Trung Quốc, hai bên đã so sánh các Công ước Pháp - Thanh, văn bản pháp lý và bản đồ kèm theo.
Lễ cắm mốc quốc giới đầu tiên tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái ngày 27/12/2001.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Gần 900km trên tổng chiều dài biên giới khoảng 1350km (đo trên bộ bản đồ thể hiện đường biên giới chủ trương của hai bên) nhận thức của hai bên trùng nhau, tức là không có tranh chấp.

Khoảng 450km còn lại, tức là 33% tổng chiều dài đường biên giới, không có văn bản, hoặc văn bản và bản đồ chưa rõ ràng nên nhận thức hai bên có khác nhau, được chia thành 289 khu vực (với tổng diện tích khoảng 231km2), trong đó: 74 khu vực khác nhau vì lý do kỹ thuật vẽ chồng lấn lên nhau, được gọi là khu vực A; 51 khu vực vì lý do kỹ thuật hai bên đều chưa vẽ tới, gọi là khu vực B.

Các khu vực loại A và B có diện tích không lớn, chỉ khoảng 5km2; 164 khu vực có tranh chấp, hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới, gọi là khu vực C (rộng khoảng 227km2).

Các cuộc đàm phán chủ yếu tập trung vào việc xử lý 164 khu vực C này. Hiệp ước 1999 đã ghi nhận kết quả, quy thuộc khoảng 114,9 km2 cho Việt Nam (gồm 112,3km2 thuộc khu vực C; 2,6km2 thuộc khu vực A và B) và khoảng 117,2 km2 thuộc Trung Quốc (trong đó có 114,8 km2 thuộc khu vực C; 2,4 km2 thuộc khu vực A và B).

Đây là một kết quả công bằng, hai bên có thể chấp nhận và là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên tiến hành phân giới cắm mốc (PGCM) tức chuyển đường biên giới từ lời văn Hiệp ước 1999 và bản đồ ra thực địa, một cách chính xác, rõ ràng và đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới chính quy hiện đại.

Giai đoạn hai triển khai PGCM trên thực địa

Đây là một công trình trọng điểm quốc gia, có khối lượng công việc lớn, nội dung liên quan đến nhiều chuyên ngành kỹ thuật, pháp lý, quản lý, bảo vệ... của các bộ, ngành Trung ương, 7 tỉnh biên giới Việt – Trung và 2 tỉnh biên giới Trung-Việt.

Công việc được thực hiện trong thời gian dài và có tính song phương tại thực địa trong điều kiện khó khăn về địa hình (nhiều núi cao trên 1000 - 2000 m), cơ sở hạ tầng, giao thông kém phát triển và xa các khu dân cư, nhiều nơi không có đường đi lại, bom mìn, vật nổ nhiều, khí hậu phức tạp, một số khu vực dân cư đan xen nhau và dân cư biên giới có nhiều quan hệ huyết thống, dòng họ, qua lại với nhau từ lâu đời.

Toàn tuyến biên giới được chia thành 12 đoạn giao cho 12 Nhóm PGCM phụ trách.

Tháng 12/2001, hai bên cắm cột mốc đầu tiên (mốc 1369) tại cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng.

Từ tháng 10/2002, hai bên đồng loạt triển khai PGCM trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung. Hai bên gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các mâu thuẫn giữa lời văn với bản đồ đính kèm Hiệp ước, giữa bản đồ với thực địa và sự không rõ ràng của một số từ ngữ trong Hiệp ước như “phía Nam”, “mé”, “xuống khe ”…

Hoạt động tuần tra song phương biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Càng về cuối, đàm phán càng khó khăn, căng thẳng.

Các lực lượng PGCM đã có những nỗ lực hết sức to lớn cả trên bàn đàm phán và trên thực địa.

Lãnh đạo Chính phủ đã sâu sát ra tận thực địa thị sát, chỉ đạo.

Kết quả đàm phán đã theo đúng các nguyên tắc chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao: Căn cứ theo Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa ký năm 1999, xuất phát từ lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước và việc phát triển quan hệ truyền thống hữu nghị Việt - Trung, hiệp thương hữu nghị, thẳng thắn, chiếu cố thích đáng đến các mối quan tâm của nhau, cố gắng hết sức giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sản xuất của người dân vùng biên giới hai nước, tìm giải pháp hai bên đều chấp nhận được, hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2008 nhưng không nôn nóng, vội vã.

Trong 8 năm, hai bên đã tổ chức 14 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn Chính phủ và nhiều cuộc họp bất thường khác, 35 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban Liên hợp về PGCM, 17 vòng đàm phán cấp nhóm chuyên gia.

Hệ thống mốc giới dày đặc, rõ ràng

Kết quả ngày 31/12/2008, hai bên hoàn thành PGCM trên toàn bộ đuờng biên giới dài 1449,566 km, cắm 1971 cột mốc (gồm 1 cột mốc ngã ba biên giới Việt-Lào-Trung, 1548 cột mốc chính và 442 cột mốc phụ.

So sánh với hệ thống cột mốc các nước trên thế giới, hệ thống mốc giới Việt - Trung được đánh giá là có mức độ dày đặc nhất, rõ ràng nhất, được xác định bằng các phương pháp hiện đại, bảo đảm tính trung thực và bền vững lâu dài.

Giai đoạn ba từ 1/1/2009 đến 14/7/2010, hai bên đã hoàn thiện và đưa vào thực thi 3 văn kiện quan trọng: Nghị định thư phân giới cắm mốc mô tả chi tiết hướng đi của đường biên giớ, mốc giới; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới: Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu.

So sánh với hệ thống cột mốc các nước trên thế giới, hệ thống mốc giới Việt - Trung được đánh giá là có mức độ dày đặc nhất, rõ ràng nhất, được xác định bằng các phương pháp hiện đại, bảo đảm tính trung thực và bền vững lâu dài.