Lễ ký Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam-Campuchia, năm 1985. |
Biên giới lịch sử
Việt Nam và Campuchia có quan hệ lâu đời. Trải qua các triều đại phong kiến, giữa hai nước đã hình thành biên giới lịch sử nhưng chỉ là những ranh giới vùng-miền.
Trong thời kỳ thực dân, biên giới giữa hai nước được chia thành 2 phần: (1), Biên giới quốc tế tức đoạn biên giới giữa Nam Kỳ (thuộc địa thuộc Pháp theo Hiệp ước Patenot 1874) và Campuchia được hoạch định bởi Thoả ước Pháp-Campuchia năm 1870 và Công ước Pháp-Campuchia năm 1873, đã được phân giới cắm mốc nhưng đến nay còn rất ít dấu tích trên thực địa.
(2), Đoạn ranh giới giữa các tỉnh Trung Kỳ và Campuchia là 2 xứ bảo hộ trong Liên bang Đông Dương, được xác định bởi một số nghị định, văn bản hành chính và chưa được phân giới cắm mốc.
Hai phần biên giới trên đã được chính quyền Pháp thể hiện trên 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản trong nhiều năm khác nhau.
Trong giai đoạn từ 1954 đến 1975, tranh chấp biên giới cả trên biển và trên bộ thường xuyên diễn ra giữa chính quyền Sài Gòn và Campuchia.
Trong các năm từ 1964 đến 1967, khi Campuchia công bố trung lập, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã ra tuyên bố công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong đường biên giới hiện tại.
Trong các năm 1964, 1966, 1975 và 1976, hai bên đã xúc tiến một số cuộc đàm phán, thương lượng về biên giới nhưng không đạt được thoả thuận.
Giai đoạn đàm phán, ký kết các hiệp ước
Sau khi Nhà nước Cộng hoà nhân dân Campuchia ra đời, Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà nhân dân Campuchia đã ký Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày 18/2/1979. Hai bên ký Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam-Campuchia ngày 20/7/1983, Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam-Campuchia ngày 20/7/1983 và Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Campuchia ngày 27/12/1985.
Hai bên thống nhất áp dụng nguyên tắc kế thừa đường biên giới quốc tế Nam Kỳ-Campuchia và nguyên tắc uti posidetis chấp nhận chuyển các ranh giới hành chính từ thời Liên bang Đông Dương giữa Trung Kỳ và Campuchia thành đường biên giới giữa hai nước.
Mốc biên giới số 230(1) tại vùng ngập lụt tỉnh Đồng Tháp. |
Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia 1985 quy định, trên đất liền, hai bên coi đường biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ đã được hai bên xác nhận) là đường biên giới quốc gia giữa hai nước; ở nơi nào đường biên giới chưa được vẽ trên bản đồ hoặc hai bên đều thấy chưa hợp lý thì hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc giải quyết trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Campuchia, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Sau khi Hiệp ước 1985 có hiệu lực, hai bên đã tiến hành phân giới được hơn 200 km trong tổng số 1.137 km đường biên và cắm được 72 mốc trong tổng số 322 mốc dự kiến. Năm 1989, vì những lý do nội bộ Campuchia, công việc phân giới cắm mốc phải tạm dừng lại.
Từ năm 1999, đàm phán đã được nối lại trong khuôn khổ Uỷ ban liên hợp. Ngày 10/10/2005, hai bên ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia 1985 tại Hà Nội, điều chỉnh một số điều khoản của Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 theo yêu cầu khách quan, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, phù hợp với mối quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam-Campuchia, với nguyện vọng của chính quyền và nhân dân hai nước.
Hiệp ước bổ sung tái khẳng định giá trị hiệu lực của các hiệp định, hiệp ước về biên giới mà hai nước đã ký kết trong những năm 1980, đặc biệt là Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia 1985, thể hiện quyết tâm sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc.
Từ 2006 đến 2021, hai nước hoàn thành phân giới cắm mốc trên 84% chiều dài biên giới, trong đó đã xây dựng 2047 cột mốc tại 1553 vị trí mốc (chưa tính vị trí mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, gồm 315 cột mốc chính tại 264 vị trí, 1511 cột mốc phụ tại 1068 vị trí và 221 cọc dấu. Hai bên đã phân giới 1.044,985 km đường biên giới.
Kết quả trên được ghi nhận trong Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Campuchia (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung 2019) và Nghị đinh thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Campuchia ký cùng ngày 5/10/2019.
Hai điều ước quốc tế trên chính thức có hiệu lực ngày 22/12/2020.
| Tỉnh An Giang hỗ trợ tỉnh Kandal, Campuchia phòng chống dịch Covid-19 Đoàn công tác đã hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở xã Prek Chrey, huyện ... |
| Ý nghĩa việc hoàn thành hoạch định và phân giới cắm mốc đường biên giới Việt Nam-Lào Biên giới Việt Nam-Lào là một mẫu mực của sự hợp tác, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và ... |