Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa (mà Israel gọi là Núi Đền) có ý nghĩa thiêng liêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. (Nguồn: AFP) |
Theo hãng thông tấn Palestine WAFA, ông Abu Rudeineh, người phát ngôn của Tổng thống Palestine, tuyên bố, người dân nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động xâm phạm "ranh giới đỏ" - Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa linh thiêng.
Ông Rudeineh cũng cáo buộc Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel tìm cách kéo khu vực này vào một cuộc xung đột tôn giáo gây tác động tiêu cực tới tất cả mọi người.
Quan chức Palestine kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là chính quyền Mỹ, hành động ngay lập tức để kiềm chế chính quyền Israel, buộc họ phải tuân thủ nguyên trạng pháp lý và lịch sử tại Jerusalem.
Trong khi đó, hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cùng ngày đưa tin, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng đã lên án mạnh mẽ những phát biểu của Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir về kế hoạch xây dựng giáo đường Do Thái trên.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ, Israel phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc tuân thủ nguyên trạng tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa và tôn trọng các địa điểm linh thiêng của Hồi giáo và Thiên chúa giáo.
Ai Cập đồng thời kêu gọi Israel tuân thủ các nghĩa vụ của mình với tư cách là một thế lực chiếm đóng và chấm dứt các tuyên bố khiêu khích nhằm mục đích leo thang căng thẳng trong khu vực.
Theo Cairo, những tuyên bố vô trách nhiệm như vậy liên quan các địa điểm linh thiêng của Hồi giáo và Thiên chúa giáo ở các vùng lãnh thổ của Palestine chỉ làm phức tạp thêm tình hình trong khu vực, cản trở nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của giải pháp cuối cùng cho vấn đề Palestine, dựa trên giải pháp hai nhà nước và việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập dọc theo đường biên giới ngày 4/6/1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Trong phản ứng cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Israel ra thông cáo báo chí nhấn mạnh, "không có sự thay đổi nào về nguyên trạng" ở Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa
Khu phức hợp Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa (mà Israel gọi là Núi Đền) có ý nghĩa thiêng liêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Từ lâu, nơi đây đã là điểm nóng giữa hai bên.
Theo nguyên trạng, các tín đồ không phải người Hồi giáo có thể đến thăm công trình này ở trung tâm Thành cổ Jerusalem nhưng không được phép cầu nguyện hoặc trưng bày các biểu tượng tôn giáo khác ở đó.