Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. (Nguồn: AP) |
Xây dựng phi pháp căn cứ quân sự
AP ngày 20/3 dẫn lời Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM), cho biết Trung Quốc dường như đã xây dựng xong kho chứa tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar cùng các hạ tầng quân sự khác ở đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Theo Đô đốc John Aquilino, các hành động của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với lời đảm bảo trước đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp thành căn cứ quân sự.
Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có tiếp tục xây dựng các hạ tầng quân sự ở các khu vực khác trên Biển Đông hay không.
"Chức năng của các đảo đó là mở rộng khả năng tấn công của quân đội Trung Quốc ra ngoài bờ biển của họ. Họ có thể triển khai máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và các hệ thống tên lửa".
Ông Aquilino cảnh báo thêm, bất cứ máy bay dân sự nào hoạt động ở khu vực này có thể lọt vào tầm bắn của hệ thống tên lửa của Trung Quốc tại đây. "Đó là lý do tại sao việc (Trung Quốc) quân sự hóa các đảo này đáng lo ngại".
Trung Quốc đơn phương đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết Biển Đông và ngang nhiên xây dựng các đảo nhân tạo nhiều năm qua. Để phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh, Mỹ đã liên tục đưa tàu chiến đến khu vực trong các sứ mệnh mà Washington gọi là "tuần tra tự do hàng không, hàng hải".
Đô đốc Aquilino nói: "Tôi cho rằng trong 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến hoạt động xây dựng lực lượng quân đội lớn nhất của Trung Quốc kể từ Thế chiến II. Họ nâng cao tất cả năng lực của mình và hành động quân sự hóa đang gây bất ổn trong khu vực".
Bắc Kinh duy trì các chính sách quân sự này nhằm phòng thủ, bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình. Sau nhiều năm tăng chi tiêu quân sự, Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) và đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng của mình với các hệ thống vũ khí, trong đó có máy bay chiến đấu tàng hình J-20, tên lửa siêu thanh và 2 tàu sân bay...
Ông Aquilino kêu gọi giải quyết hòa bình cách tranh chấp. Ông đánh giá cao Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Gia tăng tập trận
Thông báo mới được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) cho biết, cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ 9h ngày 19/3 đến 18h ngày 9/4. Thông báo này được đăng vào lúc 16h38 ngày 19/3, hơn 7 tiếng đồng hồ sau khi cuộc tập trận bắt đầu.
Trước đó, ngày 4/3, Trung Quốc cũng thông báo cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ ngày 4-15/3. Thông báo không nêu rõ quy mô của cuộc tập trận, chỉ nói rằng cấm tàu thuyền vào khu vực liên quan.
Theo Asia Times, điều đáng lo ngại là Trung Quốc đang mở rộng hoạt động thăm dò biển sâu trên khắp vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trong một báo cáo gần đây, Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á có trụ sở tại Washington cho biết: “Trung Quốc cũng tiến hành một số lượng đáng kể cuộc khảo sát ở Biển Đông. Dữ liệu của hệ thống nhận dạng tự động (AIS) về các cuộc khảo sát của Trung Quốc từ năm 2020 và năm 2021 chứng kiến các hoạt động khảo sát của Trung Quốc kéo dài trên toàn bộ Biển Đông và thường xuyên diễn ra trong các EEZ của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.
Trước tham vọng trên biển ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Đô đốc Michael Gilday, Tham mưu trưởng các hoạt động Hải quân của Lầu Năm Góc, nói rằng Hải quân Mỹ cần mở rộng hạm đội của mình lên hơn 500 tàu trong những năm tới để bắt kịp cam kết của Lầu Năm Góc, vốn được đưa ra dựa trên Chiến lược quốc phòng dưới thời chính quyền Biden.
Với ý định kiềm chế tham vọng hải quân của Trung Quốc, Chính quyền Tổng thống Biden đã tăng cường các hoạt động triển khai Hải quân Mỹ.
Tháng 11/2021, Lầu Năm Góc công bố báo cáo cảnh báo rằng Trung Quốc có lực lượng hàng hải lớn nhất thế giới với 355 tàu chiến. Theo báo cáo này, Hải quân Mỹ dự kiến mở rộng hạm đội của mình lên tới 420 tàu trong vòng 4 năm tới và 460 tàu vào năm 2030.
Ngày 7/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông báo cuộc tập trận ở Biển Đông từ 18h ngày 4/3 đến 18h ngày 15/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam luôn theo sát các diễn biến tại khu vực Biển Đông và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)". Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, một phần khu vực thông báo hàng hải nêu trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông. |