📞

Quan hệ Ấn Độ - Mỹ: Giúp người, lợi mình

Dịch Dung 16:02 | 23/09/2019
TGVN. Trong lịch sử Ấn Độ, chưa có Thủ tướng nào như ông Narendra Modi khi thăm Mỹ được đón chào bằng cuộc mít tinh của 50.000 người. Sự kiện cho thấy nét "đặc biệt" trong quan hệ Mỹ - Ấn hiện nay. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Hai người này tạo thành cặp bài trùng mới trong cả quan hệ song phương lẫn chính trị khu vực và thế giới. (Minh họa của trang Republicworld.com)

Chuyện như thế xưa nay chưa từng xảy ra đối với Mỹ và Ấn Độ. Trong lịch sử Ấn Độ, chưa có Thủ tướng nào như ông Narendra Modi hiện tại, khi thăm Mỹ lại có được cuộc mít tinh đón chào với sự tham gia của hơn 50.000 người.

Sẽ là một tiền lệ rất đặc biệt

Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có Tổng thống đương nhiệm nào như ông Donald Trump tham dự cuộc mít tinh được tổ chức để đón chào người đứng đầu nhà nước hay chính phủ quốc gia nước ngoài sang thăm Mỹ như ông Modi vừa rồi. Đối với cả Mỹ và Ấn Độ, đấy đều là tiền lệ chính trị đối ngoại và đối nội với tác động rất đặc biệt. Đối với cá nhân ông Modi và ông Trump, việc họ cùng xuất hiện và đều phát biểu tại cuộc mít tinh như thế là cách hậu thuẫn lẫn nhau để có lợi cho từng bên.

Ông Modi sang Mỹ tham dự khoá họp Đại hội đồng (ĐHĐ) năm nay của Liên hợp quốc (LHQ). Hai mục tiêu được ông Modi theo đuổi hàng đầu với chuyến đi Mỹ này là cùng ông Trump ký tắt thoả thuận thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ và đấu tranh ngoại giao, dư luận với Thủ tướng Pakistan Imran Khan - người cũng đến Mỹ, cũng sẽ gặp ông Trump và cũng sẽ phát biểu trước ĐHĐ LHQ như ông Modi nhưng không cùng tham dự cuộc mít tinh như ông Modi và ông Trump ở Houston - về những quyết sách mới đây của ông Modi liên quan đến vùng Kashmir.

Giá trị của hậu thuẫn

Việc ông Trump tham dự cuộc mít tinh ở Houston được nhìn nhận chung như một biểu hiện rõ ràng là ông Trump đứng về phía ông Modi trong các quyết sách của ông Modi về Kashmir cũng như trong mối bất hoà hiện tại giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến Kashmir, cũng có thể hiểu đấy là một thất bại ngoại giao của ông Khan.

Sự hậu thuẫn này của ông Trump có ý nghĩa và tác động vô cùng quan trọng đối với Ấn Độ và cá nhân ông Modi bởi xưa nay, Mỹ vốn luôn là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Pakistan. Không có viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ, Pakistan không thể duy trì nhịp độ chạy đua vũ trang thông thường và hạt nhân cũng như phát triển tên lửa với Ấn Độ, đồng thời cũng còn yếu thế và thực lực trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ ở vùng Kashmir.

Trong khối Phương Tây nói riêng và cả trên thế giới nói chung có một số nước phê phán những quyết sách mới rồi của ông Modi về Kashmir. Vì thế, sự hậu thuẫn kia của ông Trump sẽ giúp ông Modi phân hoá các nước phê phán và vô hiệu hoá sự phê phán đó, tiếp tục kiên định thực hiện quyết liệt hơn và đến cùng những quyết sách về Kashmir nói riêng và về đối nội cũng như đối ngoại nói chung ở Ấn Độ.

Sự hiện diện của ông Trump ở cuộc mít tinh tại Houston bởi thế có ý nghĩa và giá trị đặc biệt to lớn và quan trọng đối với ông Modi. Đương nhiên, điều ấy còn bộc lộ mối quan hệ cá nhân hiện tại giữa ông Modi và ông Trump, giữa Mỹ và Ấn Độ hiện tốt đẹp và tin cậy đến mức độ như thế nào.

Hiệu ứng tranh cử

Ông Trump giúp ông Modi nhưng cũng được lợi tương tự. Số liệu thống kê cho thấy, ở Mỹ, có khoảng 4 triệu người Ấn Độ và gốc Ấn Độ. Cộng đồng này được đánh giá là khá thành đạt và thịnh vượng, nhưng thân thiện với Đảng Dân chủ nhiều hơn là với Đảng Cộng hoà của ông Trump. Năm 2016, chỉ có khoảng 14% cử tri Mỹ gốc Ấn Độ bỏ phiếu bầu ông Trump.

Texas là bang có truyền thống bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên của Đảng Cộng hoà nhưng ở Houston với khoảng 300.000 người gốc Ấn Độ thì lại thường luôn bỏ phiếu cho các ứng cử viên thuộc Đảng Dân chủ. Giới doanh nhân và thương nhân gốc Ấn Độ ở Mỹ tâm đắc với đường lối chính sách về kinh tế và tài chính của ông Trump trong khi những người khác trong cộng đồng người Mỹ gốc Ấn Độ lại lo ngại sâu sắc về các biện pháp đã được ông Trump áp dụng về nhập cảnh, nhập cư hay về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khoẻ....

Ông Trump ý thức được rằng, lá phiếu bầu của cử tri người gốc Ấn Độ ở Mỹ quan trọng như thế nào đối với triển vọng được tái đắc cử tổng thống Mỹ năm 2020. Bởi vậy, cuộc mít tinh ở Houston tuy trên danh nghĩa để chào mừng ông Modi nhưng trong thực chất lại là một hoạt động tranh cử của ông Trump và ông Modi chẳng khác gì đã vận động tranh cử trực tiếp cho ông Trump.

Cả kẻ ở trong lẫn người bên ngoài đều có thể dễ dàng nhận thấy là ông Modi ngầm vận động, thuyết phục và khuyến nghị người Ấn Độ ủng hộ ông Trump và bỏ phiếu bầu ông Trump trong năm tới. Động tác này của ông Modi đưa lại hiệu ứng tranh cử to lớn và thiết thực cho ông Trump hơn rất nhiều mọi nỗ lực và chiêu thức vận động tranh cử của ông Trump nhằm vào diện cử tri người gốc Ấn Độ ở Mỹ.

Cùng cách giúp người để lợi mình như thế, hai người này tạo thành cặp bài trùng mới trong cả quan hệ song phương lẫn chính trị khu vực và thế giới cho dù không hẳn cùng hội cùng thuyền với nhau.

Dịch Dung