Kể từ sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, các quốc gia Đông Nam Á đã thiết lập một cấu trúc khu vực hiệu quả trong việc viện trợ thảm họa, được minh chứng qua phản ứng chung trong các sự kiện như sự cố vỡ đập tại Lào, động đất và sóng thần ở Indonesia năm 2018, cũng như bão Mocha ở Myanmar vào đầu năm nay.
Hợp tác quốc tế là yếu tố không thể thiếu trong tiến trình này. Tình trạng khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng làm gia tăng nhu cầu cứu trợ thảm họa, đặt ra vấn đề hợp tác viện trợ thảm họa giữa khu vực với các cường quốc nước ngoài cũng như kỳ vọng với các đối tác này.
Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương trước thiên tai nhất trên thế giới. Trong ảnh: Vùng Central Luzon, Philippines bị ảnh hưởng bởi siêu bão Karding. (Nguồn: Philippine Star) |
Ý nghĩa chiến lược và thực tiễn
Công tác cứu trợ thảm hoạ ở Đông Nam Á có ý nghĩa chiến lược và thực tiễn. Từ góc độ chiến lược, hợp tác cứu trợ thảm họa - thường được xem là "quả ngọt dễ hái" do bản chất lành mạnh và ít nhạy cảm - tạo điều kiện cho các nước Đông Nam Á quản lý quan hệ với các cường quốc từ một vị thế tương đối yếu thế, song vẫn có thể duy trì vị trí trung tâm của mình trong an ninh khu vực.
Chẳng hạn, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã khởi xướng cơ chế Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào thập niên 1990, và cứu trợ thảm họa là một lĩnh vực hợp tác quan trọng. Tư duy chiến lược này cũng được phản ánh trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025 khi xác định hợp tác hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) là một phương thức quan trọng để nâng cao vị thế trung tâm của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Việc định hình ARF và ADMM+ đều đảm bảo rằng ASEAN giữ vai trò chủ đạo trong việc đề ra chương trình và điều phối hoạt động của những cơ chế này, từ đó duy trì vị thế lãnh đạo của mình trong các cuộc trao đổi.
Các nước Đông Nam Á cũng nhận thức được giá trị thực tiễn của việc hợp tác trong cứu trợ thảm họa. Do thiên tai là một mối đe dọa an ninh phi truyền thông lớn trong khu vực, việc cứu trợ thảm họa hiệu quả trở thành một phần quan trọng trong tầm nhìn của ASEAN nhằm hướng tới xây dựng một khu vực an toàn. Kể từ sau trận sóng thần năm 2004, ASEAN đã thiết lập một loạt cơ quan để thực hiện mục tiêu này, bao gồm Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) và Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA Centre).
Những cơ quan này đóng vai trò quan trọng để cho các quốc gia khác tham gia vào quyết sách và hoạt động cứu trợ sau thảm họa của ASEAN. Nhật Bản là đối tác tài trợ lớn nhất của AHA Centre, với khoản đóng góp hơn 40 triệu USD từ năm 2011 đến năm 2021. Đến năm 2021, ASEAN đã thiết lập thêm các cơ chế chính trị nhằm tăng cường hợp tác về vấn đề thảm họa với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc qua cơ chế ACDM+. Những mối quan hệ này cho phép ASEAN và các cuộc gia thành viên huy động được tài nguyên về chuyên môn, quan điểm, nguồn lực từ các đối tác bên ngoài, từ đó nâng cao khả năng đối phó với thảm họa của quốc gia cũng như khu vực.
Diễn tập mô phỏng Ứng phó khẩn cấp thảm họa khu vực ASEAN năm 2023 (ARDEX-2023) do Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia và Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA Centre) đồng tổ chức. (Nguồn: Asean.org) |
Kỳ vọng đối với quan hệ đối tác liên quan đến thảm họa
Tính liên tục và chắc chắn đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định và bền vững trong quan hệ đối tác giữa Đông Nam Á và các cường quốc ngoài khu vực. Trên thực tế, Mỹ luôn là một trong những nhà cung cấp hàng đầu về HADR. Sự hỗ trợ tài chính của Nhật Bản cho AHA Centre từ Quỹ hội nhập Nhật Bản-ASEAN, thành lập vào năm 2006, một phần nhằm hỗ trợ hợp tác trong quản lý thảm họa và hỗ trợ nhân đạo. So với các hình thức hợp tác đặc biệt, những cơ chế chính thức này mang lại độ chắc chắn trong quan hệ hợp tác giữa Đông Nam Á và các đối tác của mình.
Sự bổ sung lẫn nhau cũng là một yếu tố quan trọng. Trong hơn hai thập kỷ, ASEAN đã tích lũy kinh nghiệm quý báu trong hợp tác cứu trợ thảm họa và đã kết nối với tất cả các cường quốc lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với việc Vương quốc Anh gần đây trở thành đối tác đối thoại của ASEAN và Pháp đang thảo luận với khối về quy chế đối thoại này, ASEAN có thể chứng kiến sự xuất hiện của nhiều quan hệ đối tác liên quan đến quản lý thảm họa hơn trong tương lai.
ASEAN vẫn phụ thuộc vào nguồn tài trợ của các đối tác cho các hoạt động liên quan đến thảm họa. Chẳng hạn, hơn một nửa ngân sách hàng năm AHA Centre trong năm 2020 do các đối tác bên ngoài cung cấp. Ngoài việc cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp, các đối tác cũng có thể hợp tác với Đông Nam Á để tìm ra các phương thức tài trợ mới, nhằm tăng cường độc lập và bền vững tài chính cho khu vực.
Nhu cầu hợp tác trong việc xây dựng năng lực đang gia tăng do biến đổi khí hậu và môi trường chính trị nội địa ở các quốc gia Đông Nam Á đang thay đổi. Sự thay đổi trong mô hình thiên tai do khí hậu gây ra và bối cảnh hoạt động cứu trợ thảm họa đòi hỏi những kỹ năng, năng lực và công nghệ mới. Tinh thần dân tộc ngày càng gia tang tại các quốc gia Đông Nam Á cũng khiến việc triển khai dự án với nhân viên cứu trợ từ các quốc gia nước ngoài sau thảm họa trở nên khó khăn hơn. Do đó, xây dựng năng lực là một lựa chọn cần thiết và thuận tiện hơn cho các đối tác nước ngoài để tiếp tục hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á về vấn đề thảm họa.
Cứu trợ thảm họa sẽ tiếp tục là một lĩnh vực quan trọng cho hợp tác an ninh ở Đông Nam Á, do khu vực này dễ bị tổn thương trước các thảm họa cũng như tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của khu vực này đối với các cường quốc. Trong khi phục vụ lợi ích chiến lược của cả khu vực và các cường quốc, việc hợp tác cần phù hợp với tầm nhìn của khu vực về quản lý thiên tai, chẳng hạn như thông qua tăng cường tài chính và sử dụng công nghệ, nâng cao hơn nữa hiệu quả cứu trợ thiên tai trong khu vực.