Ngoại trưởng Pháp, Đức gặp lãnh đạo chính quyền lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Damascus, ngày 3/1. (Nguồn: Al Jazeera) |
Ngay những ngày đầu năm, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock đã bay đến Damascus gặp lãnh đạo chính quyền lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa.
Chuyến đi "thay mặt" cho Liên minh châu Âu (EU) hôm 3/1 của Ngoại trưởng hai "đầu tàu" EU rất được chú ý.
Thứ nhất, đây là chuyến thăm cấp cao nhất từ phương Tây đến Syria kể từ khi lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad đầu tháng 12/2024. Thứ hai, chuyến đi dường như "chậm chân" sau khi một số nước đã tiếp xúc với Damascus như Saudi Arabia, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ...
Bên cạnh đó, "sự cố" ông al-Sharaal không bắt tay nữ Ngoại trưởng Annalena Baerbock khiến giới quan sát bình luận với giải thích riêng. Một số cho rằng, việc từ chối bắt tay bà Baerbock có thể do quan niệm của đạo Hồi, vì thế đây không phải là hành động thiếu tôn trọng. Nhưng có người lại cho rằng đây là tín hiệu một chính phủ Hồi giáo sẽ trở lại ở Syria và điều này khiến phương Tây lo lắng.
Phát biểu tại Đại sứ quán Pháp ở Damascus, ông Barrot nhấn mạnh nguyện vọng hòa bình của người Syria có thể thành hiện thực, cho dù là "hy vọng mong manh". Ông Barrot kêu gọi chính quyền mới nhanh chóng liên hệ với tổ chức giám sát vũ khí hóa học để tiêu hủy kho dự trữ từ chính quyền cũ.
Trong khi đó, bà Baerbock cho biết, chuyến đi này là tín hiệu rõ ràng rằng EU muốn mở đường cho một khởi đầu chính trị mới giữa châu Âu và Syria cũng như giữa Berlin và Damascus. Ngoại trưởng Đức khẳng định "châu Âu sẽ hỗ trợ Syria trong quá trình chuyển đổi nhưng sẽ không tài trợ cho các cấu trúc Hồi giáo mới và sự hỗ trợ đó sẽ tùy thuộc vào Damascus".
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với France24 vào tháng 12/2024, ông al-Sharaa đã kêu gọi phương Tây dỡ bỏ trừng phạt áp đặt lên Syria từ chế độ cũ. Sau khi chính quyền Bashar al-Assad sụp đổ, nhiều chính phủ phương Tây đã mở kênh liên lạc với lãnh đạo HTS và cân nhắc đưa lực lượng này ra khỏi danh sách "khủng bố".
Chính quyền mới tại Syria cũng đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia, đặc biệt là trong khu vực. Ngày 1/1, một phái đoàn chính phủ lâm thời Syria đã đến Saudi Arabia. Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với kênh Al Arabiya cuối tháng trước về quan hệ Nga - Syria, ông Ahmed al-Sharaa khẳng định "Syria có lợi ích chiến lược trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với quốc gia hùng mạnh thứ hai thế giới" và "không muốn Nga rời Syria theo cách không phù hợp với quan hệ lâu dài hai nước". Hiện Moscow đang vận hành căn cứ không quân Khmeimim và trung tâm hỗ trợ hậu cần tại Tartus ở Syria. Các căn cứ này được chính quyền trước đây đồng ý cho quân đội Nga đồn trú tại đó trong 49 năm.
Trước đó, hôm 23/12/2024, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran lên tiếng khẳng định quan điểm bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria trong mọi hoàn cảnh và sẵn sàng hỗ trợ người dân Syria. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ còn loan tin, ông Erdogan sẽ thăm Syria trong tháng này.
Trong bối cảnh mọi chuyện còn ngổn ngang ở Syria, các nước, đặc biệt là các nước vốn có quan hệ mật thiết với quốc gia Trung Đông sẽ nỗ lực để không bị "uống nước đục". Vì thế, chuyến đi của hai Ngoại trưởng Đức, Pháp đến Damascus gặp người đứng đầu chính quyền lâm thời mà họ từng cho là có liên quan đến khủng bố hứa hẹn sẽ báo hiệu sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa EU với Syria.