Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |
Cùng tham dự có một số chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên ngành.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn cho biết, Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; được xác định là địa bàn quan trọng của cả nước về kinh tế, xã hội cũng như quốc phòng, an ninh.
Với hơn 5 triệu người sinh sống cùng nhiều thành phần dân tộc đa dạng, phong phú, tỷ lệ đồng bào có tôn giáo ở Tây Nguyên khá cao với 4 tôn giáo chính (Phật giáo, Công giáo, Tin lành và đạo Cao Đài) cùng một số tín ngưỡng khác. Điều này đã tạo nên một bức tranh dân tộc, tôn giáo khá sinh động của Việt Nam nói chung và của Tây Nguyên nói riêng.
Trong những năm qua với sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách về phát triển kinh tế-xã hội đã được ban hành, nhờ đó, đời sống của đồng bào Tây Nguyên từng bước khởi sắc. Cộng đồng các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên luôn đóng góp trong xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, vận động các tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo; xây dựng đời sống mới.
Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, một số nét văn hóa truyền thống, tập tục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đang có biểu hiện dần mai một dưới tác động của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đánh giá, Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về lý luận và thực tiễn; qua đó, các nghiên cứu sẽ làm rõ những vấn đề về quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo; đánh giá thực trạng và xu hướng biến đổi của quan hệ dân tộc với tôn giáo ở các tỉnh Tây Nguyên; từ đó, cung cấp những luận cứ khoa học, góp phần bổ sung, hoàn thiện chính sách dân tộc, tôn giáo tại Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung nhằm củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngăn chặn âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, xây dựng đất nước phát triển vững mạnh.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã gợi mở một số vấn đề cần thảo luận tại Hội thảo. Theo đó, về quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên, ngoài các đặc điểm chung về quan hệ dân tộc và tôn giáo của Việt Nam, quan hệ này tại Tây Nguyên có những đặc thù rõ nét, là giá đỡ, trụ cột đời sống tinh thần của cả cộng đồng cư dân nông nghiệp nương rẫy nơi đây, là hệ thống tín ngưỡng đa tầng, phản ánh thế giới khai sơ, huyền thoại gắn với hoạt động của các cá nhân, cộng đồng, làm nên nền văn hóa cộng đồng phong phú, đặc sắc của Tây Nguyên.
Cùng với đó là sự du nhập của các tôn giáo, tín ngưỡng mới vào cộng đồng làm cho cơ cấu dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên đa dạng, phong phú, nhưng cũng thay đổi văn hóa cộng đồng, xáo trộn đời sống đồng bào nơi đây.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện các tôn giáo mới, trong đó có cả những tà đạo, đã gây nên nhiều hệ lụy đối với cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Đặc biệt, các phần tử xấu, thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng những biến đổi của quan hệ dân tộc, tôn giáo, kích động tư tưởng dân tộc, tôn giáo cực đoan, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đưa ra dự báo về xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc, tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi cho rằng các tôn giáo chính được Nhà nước công nhận như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, đạo Cao Đài tiếp tục phát triển, thích ứng với đời sống, gắn bó chặt chẽ với người dân Tây Nguyên.
Việc phát triển tôn giáo sẽ làm rạn nứt cộng đồng truyền thống, đồng thời hình thành nên cộng đồng tôn giáo mới. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước không những không từ bỏ mà sẽ tiếp tục lợi dụng các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, kích động xuyên tạc, làm phức tạp hóa, gây mâu thuẫn gia tăng, xung đột quan hệ dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã làm rõ những vấn đề lý luận về quan hệ dân tộc với tôn giáo; đánh giá thực trạng quan hệ dân tộc với tôn giáo và xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc với tôn giáo ở các tỉnh Tây Nguyên; đề xuất, kiến nghị các giải pháp với các cơ quan Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo nói riêng, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung.