Nhỏ Bình thường Lớn

Quan hệ Kazakhstan-Việt Nam: Thế mạnh lớn nhất là sự hiểu biết, tin cậy ở mức độ cao

Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Kazakhstan (29/6/1992-29/6/2022), Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov đã có chia sẻ với báo chí về những điểm nhấn nổi bật trong quan hệ song phương.
Quan hệ Kazakhstan-Việt Nam: Thế mạnh lớn nhất là sự hiểu biết, tin cậy ở mức độ cao
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) tiếp Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan Nurlan Nigmatulin nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2019. (Nguồn: VGP)

Kazakhstan và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992. Tuy nhiên, theo Đại sứ Yerlan Baizhanov, trong hai thập niên đầu, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao và mở các Đại sứ quán đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển hợp tác song phương.

Kazakhstan coi Việt Nam là đối tác quan trọng.

Kể từ đó, Kazakhstan và Việt Nam đã đi được một chặng đường dài. Hai nước duy trì đối thoại chính trị thường xuyên ở tất cả các cấp, tăng cường trao đổi tại các diễn đàn song phương và đa phương, góp phần củng cố hòa bình và an ninh toàn cầu.

Về kinh tế, Đại sứ Yerlan Baizhanov cho biết, ngay từ khi thiết lập quan hệ hợp tác, Kazakhstan và Việt Nam đã có những hoạt động giao thương, buôn bán qua lại. Tuy nhiên, quá trình này đặc biệt sôi động sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam (VN-EAEU FTA) có hiệu lực từ tháng 10/2016.

Đại sứ Yerlan Baizhanov khẳng định: “Hiệp định này đã khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước. Chỉ trong vòng vài năm, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã có sự tăng trưởng khá tích cực”.

Theo Ủy ban Doanh thu nhà nước của Bộ Tài chính Kazakhstan, năm 2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Kazakhstan và Việt Nam đạt 426,1 triệu USD, tăng 11,6% so với năm 2020.

Mặt hàng xuất khẩu chính từ Kazakhstan sang Việt Nam là chì và các sản phẩm từ chì, sắt và thép. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Kazakhstan là điện thoại, thiết bị văn phòng, các sản phẩm quần áo, giày dép.

Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước còn rất lớn, do đó, hai bên cần tìm kiếm những cơ hội mới để tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại song phương tương xứng với tiềm năng hiện có.

Đại sứ Yerlan Baizhanov cho rằng, thế mạnh lớn nhất trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước là sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau về chính trị ở mức độ cao. Hai nước có chung quan điểm và lập trường trong các vấn đề quốc tế. Kazakhstan coi Việt Nam là một đối tác quan trọng.

Chia sẻ về hợp tác giữa hai nước trong các cơ chế đa phương, Đại sứ Yerlan Baizhanov cho biết, trong những năm qua, Kazakhstan và Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả hợp tác tích cực tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại Liên hợp quốc. Đây là một kênh phối hợp quan trọng cần thúc đẩy trong thời gian tới.

Quan hệ Kazakhstan-Việt Nam: Thế mạnh lớn nhất là sự hiểu biết, tin cậy ở mức độ cao
Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov. (Nguồn: VTC)

Kazakhstan đánh giá cao việc Việt Nam ủng hộ các sáng kiến quốc tế của Kazakhstan, đặc biệt là tiến trình Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA).

“Vào tháng 10 năm nay, Hội nghị Thượng đỉnh CICA lần thứ 6 sẽ được tổ chức tại Nur-Sultan. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị diễn đàn lần này”, Đại sứ Yerlan Baizhanov nói.

Đại sứ cũng cho biết thêm, vào tháng 9 tới, đại diện Việt Nam sẽ tham gia Hội nghị các nhà lãnh đạo thế giới và tôn giáo truyền thống tổ chức tại thủ đô của Kazakhstan. Đây là lần thứ hai Việt Nam tham dự Hội nghị này.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17-18/8.

Theo kế hoạch, tại Hội nghị, các nhà hoạt động tôn giáo sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển xã hội của nhân loại trong giai đoạn hậu Covid-19.

Hội nghị cũng là nơi để các bên chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác tôn giáo cũng như nhấn mạnh sự cởi mở, hiểu biết lẫn nhau và nỗ lực chung giữa các tôn giáo trong việc duy trì hòa bình, ổn định chung của thế giới.

Đại sứ Yerlan Baizhanov nhấn mạnh: “Tôi nhận thấy, Việt Nam luôn ủng hộ các nỗ lực quốc tế của Kazakhstan và là bên tham gia đầy đủ các dự án quốc tế này. Ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong quan hệ song phương Kazakhstan-Việt Nam”.

Khám phá những dư địa, lập đầy những khoảng trống

Là đất nước nằm ở trung tâm lục địa Á-Âu, kết nối châu Á với châu Âu, Kazakhstan có thể tận dụng tiềm năng về logistic để tăng cường hợp tác giao thương với Việt Nam.

Cụ thể, theo Đại sứ Yerlan Baizhanov, Hành lang vận tải Việt Nam-Trung Quốc-Kazakhstan (EAEU) - châu Âu là một giải pháp thay thế tốt cho vận tải đường biển, cho phép vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam và các nước ASEAN đến châu Âu trong thời gian tương đối ngắn.

Để thúc đẩy giao thương với Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Kazakhstan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ trên nguyên tắc cùng có lợi, sử dụng lợi thế của hai bên để bổ sung cho nhau, nâng cao giá trị và thúc đẩy sự phát triển.

Theo đó, hai bên sẽ đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện các thủ tục logistic, tăng khối lượng giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty vận tải hai nước hoạt động hiệu quả hơn.

Đại sứ Yerlan Baizhanov cho rằng, VN-EAEU FTA đã mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại song phương giữa hai nước.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Đại sứ Yerlan Baizhanov tin tưởng tiềm năng phát triển thương mại giữa hai nước còn nhiều dư địa, do đó, hai bên cần tranh thủ ưu đãi thuế quan mà VN-EAEU FTA mang lại cho mỗi bên.

Ngoài ra, chính phủ hai nước cần đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư và phát triển du lịch.

Ngoài cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, Đại sứ Yerlan Baizhanov cũng nhấn mạnh, hai nước cần thiết lập thêm các cơ chế hợp tác mới như: quỹ đầu tư chung, ngân hàng xuất- nhập khẩu, ngôi nhà kinh doanh…

Bên cạnh đó, Chính phủ hai nước cần hỗ trợ các cơ quan chức năng nối lại các chuyến bay thẳng và áp dụng chế độ miễn thị thực cho công dân hai bên, thúc đẩy ngành du lịch hai quốc gia.

Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan tổ chức hoạt động trồng cây nhớ Bác

Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan tổ chức hoạt động trồng cây nhớ Bác

Ngày 19/5, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan đã diễn ra hoạt động trồng cây nhớ Bác nhân kỷ niệm 132 ...

Cộng đồng người Việt tại Kazakhstan đón Tết Nhâm Dần 2022

Cộng đồng người Việt tại Kazakhstan đón Tết Nhâm Dần 2022

Những hoạt động đón Tết Nhâm Dần của cộng đồng người Việt tại Kazakhstan có nhiều ý nghĩa, tăng cường sự gắn kết, tiếp thêm ...

Khai mạc Hội thao quân sự quốc tế Army Games-2022 tại Nur-Sultan, Kazakhstan

Khai mạc Hội thao quân sự quốc tế Army Games-2022 tại Nur-Sultan, Kazakhstan

Ngày 13/8, lễ khai mạc Hội thao quân sự quốc tế (Army Games-2022) đã được tổ chức trọng thể tại Học viện Quốc phòng Kazakhstan ...

Xiếc Việt Nam trên đất nước Kazakhstan

Xiếc Việt Nam trên đất nước Kazakhstan

Sau gần một tuần biểu diễn với tinh thần đoàn kết, hữu nghị, chuyên nghiệp, Liên hoan Xiếc quốc tế “Tiếng vọng châu Á-2022” đã ...

Khánh thành Tranh tường gốm do Đại sứ quán Kazakhstan tặng Học viện Ngoại giao

Khánh thành Tranh tường gốm do Đại sứ quán Kazakhstan tặng Học viện Ngoại giao

Sáng ngày 30/6, nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Kazakhstan, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ cắt băng ...