Hãng hàng không Bombardier của Canada là biểu tượng của sự gia tăng quan hệ giữa hai nước |
Những năm gần đây, đồng đôla Canada (CAD) ngày càng mạnh so với USD và đạt đỉnh vào ngày 20/9/2007 khi lần đầu tiên sau đúng 30 năm USD và CAD có giá trị ngang nhau. Thực trạng này đã làm cho ngành công nghiệp chế biến gặp nhiều bất lợi, nhất là các ngành sản xuất hướng về xuất khẩu. Mặc dù vậy, ngân sách quốc gia cho năm tài chính 2006-2007 vẫn cân đối, thậm chí còn dư thừa đôi chút và theo IMF, đây là trường hợp duy nhất của G7. Tuy nhiên, các nhà doanh nghiệp Canada cũng nhận thức rằng đã đến lúc phải đa dạng hóa thị trường.
Vượt 1 tỷ USD
Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao đã 35 năm, tiềm lực kinh tế của 2 nước không nhỏ nhưng quan hệ kinh tế và đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, 250.000 Việt kiều ở Canada là một lực lượng hùng hậu để góp phần nâng tầm quan hệ. Phải đến năm 2007, quan hệ kinh tế giữa 2 nước mới bắt đầu đầu có chuyển biến đáng kể. Cao ủy Kinh tế-Thương mại Canada khẳng định rằng, năm 2007 chứng kiến sự khởi sắc trong quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Canada, và kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước lần đầu tiên vượt mức 1 tỷ USD.
Nhiều công ty Canada đã công bố kế hoạch kinh doanh lâu dài tại thị trường Việt Nam. Đáng chú ý là sự hiện diện của Manulife, tập đoàn bảo hiểm đầu tư tài chính lớn thứ tư trên thế giới của Canada, đã khai trương trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh và cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực địa ốc. Biểu tượng của sự gia tăng quan hệ là Hãng hàng không Bombardier của Canada đã có các chuyến bay trình diễn của máy bay phản lực chở khách hàng đầu thế giới CRJ900 NextGen tại Việt Nam. Một phái đoàn đầu tư lớn của Tập đoàn năng lượng quốc tế Talisman, tập đoàn năng lượng lớn thứ hai của Canada, cũng đã đến Việt Nam để trao đổi về mở rộng đầu tư trong lĩnh vực dầu khí vốn là thế mạnh của Canada.
Sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Manulife và Talisman tại Việt Nam sẽ mang tới cho các doanh nghiệp Canada một thông điệp rằng Việt Nam là địa chỉ cần đến. Việc hai nước xúc tiến đàm phán Hiệp định Bảo hộ đầu tư nước ngoài (FIPPA) sẽ là động lực khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Canada tới đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong những năm tới. Điều đáng mừng là sinh viên và doanh nghiệp trẻ Canada rất quan tâm đến VN.
Cuối tháng 12/2007, Hội đồng Doanh nghiệp Canada-Việt Nam đã ra mắt chính thức tại thành phố Toronto, trung tâm kinh tế-tài chính lớn nhất Canada. Các thành viên sáng lập Hội đồng bao gồm Ngân hàng Trust (TD) của Canada, Tập đoàn máy tính IBM, Hitachi, Cathay Pacific, Công ty phát triển hạ tầng và bất động sản (ACDL), Công ty lữ hành và giải trí Canada (DSL), Đại học Niagara…
Chậm mà chắc
Cũng như người Nhật, các doanh nghiệp Canada thường rất cẩn trọng trước mỗi quyết định đầu tư. Khi dự tính kinh doanh tại một thị trường nào đó, họ điều tra rất kỹ lưỡng và chỉ ra quyết định khi chắc chắn khoản đầu tư của mình được bảo hộ bởi cạnh tranh công bằng, hệ thống minh bạch. Theo đại diện của Đại sứ quán Canada tại Hà Nội, trong thời gian dài qua, các doanh nghiệp Canada chỉ chú trọng việc xuất khẩu vào thị trường láng giềng rộng lớn là Mỹ. Và họ đã tốn khá nhiều thời gian để nhận ra rằng, còn nhiều thị trường khác để đầu tư. Hiện ĐSQ Canada đã thiết lập một mạng lưới liên lạc rất tốt với các địa phương tại VN. Khi có các doanh nghiệp Canada đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại VN, sứ quán có thể cung cấp thông tin toàn cảnh về thị trường này, cũng như giúp họ tìm kiếm đối tác tin cậy để đầu tư. Đoàn nghị sĩ và doanh nghiệp Canada do Quốc vụ khanh dẫn đầu xông đất Việt Nam trong những ngày đầu năm 2008 báo hiệu sự gia tăng nhanh chóng quan hệ kinh tế và thương mại giữa 2 nước.
Phong Nhi