Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (bìa phải) trực tiếp tham gia quá trình chuẩn bị chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 23-26/7/2013. |
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chuẩn bị thăm Việt Nam, theo lời mời của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn. Thường xuyên theo dõi quan hệ Việt-Mỹ, trước đây cũng như hiện nay, Đại sứ nhận định ý nghĩa của chuyến thăm?
Chuyến thăm Việt Nam từ ngày 14-16/4 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ là một dấu mốc quan trọng trong đà phát triển tích cực của mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ những năm gần đây, đặc biệt là việc duy trì tiếp xúc thường xuyên ở cấp cao sau một thời gian bị chững lại vì đại dịch Covid-19.
Tháng 5/2022, chúng ta chứng kiến chuyến thăm rất thành công tới Mỹ và tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính với hơn 60 hoạt động tiếp xúc song phương và đa phương. Tiếp đó, Thủ tướng ta cũng có dịp tiếp xúc, trao đổi với Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 ở Campuchia vào tháng 11/2022.
Gần đây nhất là cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden vào ngày 29/3 với những nội dung rất quan trọng và thực chất. Trong đó, hai nhà lãnh đạo cao nhất thống nhất đánh giá mối quan hệ đã và đang phát triển tích cực và toàn diện, đồng thời nhất trí sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trong những năm tới.
Dư luận chung rất chú ý tới việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc lại lời mời thăm cấp cao lẫn nhau, cả hai nhà lãnh đạo đều vui vẻ nhận lời mời và giao cho các cơ quan hữu quan thu xếp vào thời gian phù hợp.
Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Blinken vào cuối tuần này nên được đặt trong bối cảnh chung của đà phát triển quan hệ hai nước những năm qua, cũng như trong việc duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên đó. Cá nhân tôi xin chúc cho chuyến thăm Việt Nam của ông Blinken đạt nhiều kết quả thực chất, cụ thể hoá những trao đổi, thoả thuận ở cấp cao nhất giữa hai nước thời gian qua.
Tin liên quan |
Tiểu sử Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken |
Năm 2023 đánh dấu 10 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Từng là “người trong cuộc” chứng kiến sự kiện quan trọng giữa hai nước tròn một thập niên trước, lúc này, điều Đại sứ nhớ và tâm đắc nhất là...?
Tôi rất vinh dự được chứng kiến và trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước lúc đó là ông Trương Tấn Sang và đàm phán Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ vào tháng 7/2013, khi đó tôi đang làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ.
Chuyến thăm thực chất chỉ diễn ra trong vài ngày, nhưng quá trình chuẩn bị được nhiều bộ, ngành của cả hai nước tích cực tham gia trong nhiều tháng trước đó.
Nhìn và ngẫm lại thì điều tôi tâm đắc hơn cả đó chính là tầm nhìn xa trông rộng của lãnh đạo cả hai nước. Một thực tế không thể phủ nhận là hai nước từng là cựu thù, trải qua cuộc chiến tranh rất khốc liệt và để lại những hậu quả rất nặng nề đối với cả hai bên, nhất là ở Việt Nam. Việc vượt qua những rào cản đó, gác lại quá khứ và hướng tới tương lai, nói thì dễ, nhưng thực tế thì không dễ chút nào. Nội bộ ở cả hai nước đều có những ý kiến khác nhau và đó là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Chính trong bối cảnh ấy, việc lãnh đạo hai nước thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước lên thành Đối tác toàn diện không phải là đơn giản và vì thế càng thể hiện quyết tâm cũng như tầm nhìn xa trông rộng của các nhà lãnh đạo lúc đó.
Suốt quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm, tôi đã thẳng thắn trao đổi với các đồng nghiệp tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ rằng, ngay trong các nhà lãnh đạo Việt Nam, có những người đã từng bị bắt giữ và tra tấn đến thương tật trong chiến tranh, có người bị mất cả người thân, có người vẫn còn những mảnh bom, đạn Mỹ găm trong người… nhưng nay họ đồng ý nâng cấp quan hệ với Mỹ, thực sự đó là cơ hội lớn không được bỏ lỡ đối với cả hai bên.
Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà phía Mỹ đã thỏa thuận ghi nhận trong Tuyên bố chung năm 2013 những nguyên tắc của mối quan hệ Đối tác toàn diện, trong đó có nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau. Đây cũng là điều tôi rất tâm đắc. Nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau đã được khẳng định lại trong tất cả các tuyên bố chung và các cuộc tiếp xúc song phương giữa lãnh đạo hai nước những năm qua.
Tổng thống Joe Biden trong điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/3 vừa qua cũng đã chủ động khẳng định lại các nguyên tắc này.
Đại sứ cảm nhận như thế nào về những bước tiến mới về “lượng” và “chất” trong quan hệ Việt-Mỹ?
Đánh giá bao trùm của tôi là trong mười năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đúng hướng.
Mười năm trước, lãnh đạo hai nước đã xác định chín nội dung hợp tác trong quan hệ Đối tác toàn diện. Đó là quan hệ chính trị ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hóa, thể thao và du lịch.
Nhìn lại, quan hệ hai nước trên cả chín nội dung này đều có những bước phát triển tốt. Bên cạnh các tiếp xúc cấp cao nêu trên, các cơ chế đối thoại định kỳ giữa hai nước cũng được duy trì thường xuyên như đối thoại chính trị-an ninh quốc phòng, đối thoại châu Á-Thái Bình Dương, đối thoại nhân quyền…
Đặc biệt, quan hệ kinh tế thương mại tăng trưởng mạnh, thực sự trở thành một trụ cột chính trong quan hệ song phương. Thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục 123 tỷ USD năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ lần đầu tiên vượt mức 100 tỷ USD. Số du học sinh Việt Nam ở Mỹ là trên dưới 30.000 sinh viên, lớn nhất trong số sinh viên các nước ASEAN ở Mỹ.
Tôi rất ấn tượng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ động đề nghị với Tổng thống Joe Biden trong điện đàm là Mỹ tiếp tục tạo thuận lợi để tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ và hoan nghênh việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao ở khu vực.
Bên cạnh những nội dung hợp tác “truyền thống” nêu trên, giữa hai nước lại đang có những cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực mới như hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế sau đại dịch như việc bảo đảm chuỗi cung ứng, logistics, hợp tác trong kinh tế số, chuyển đổi xanh và y tế.
Trong đại dịch Covid-19, Mỹ đã là nước cung cấp vaccine Covid-19 lớn nhất cho Việt Nam với hơn 40 triệu liều. Hai nước tích cực tham gia đàm phán cùng các đối tác khác về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF)…
Vì vậy, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trên cả bình diện song phương và đa phương là rất lớn.
Tin liên quan |
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ: Trông đợi những kết quả chiến lược song phương và đa phương |
Đại sứ từng chia sẻ tâm niệm rằng, với bất kỳ điều gì đều phải diễn ra theo đúng trình tự, đúng thời điểm, không thể “đốt cháy giai đoạn” được, có lẽ dù có những kỳ vọng luôn thôi thúc nhưng quan hệ Việt - Mỹ đã đi đúng trình tự, phát triển theo lẽ tự nhiên vốn có. Điều Đại sứ mong mỏi lúc này về một “bến đậu mới” của quan hệ song phương?
Đúng là quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ là một mối quan hệ khá đặc biệt. Từ cựu thù nay trở thành Đối tác toàn diện, đó đã là một kỳ tích. Tôi nhớ lại khi còn ở Mỹ, có lần Đại sứ quán Việt Nam tổ chức kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ thương mại Việt Nam-Mỹ (1994-2014) ngay tại phòng họp lớn của Thượng viện Mỹ với sự tham dự rất đông đảo các nghị sĩ, quan chức, doanh nghiệp và bạn bè người Mỹ và Việt Nam.
Sau lễ chào cờ và cử quốc ca của hai nước, Thượng nghị sĩ John McCain (1936-2018) đã lên phát biểu rằng, ông không thể hình dung được có một ngày lại nhìn thấy lá cờ của Việt Nam ở ngay trong trụ sở Thượng viện Mỹ như hôm đó. Ông có nói đùa rằng: “Nếu bạn sống đủ lâu, như tôi đây, thì bạn có thể được chứng kiến những điều không thể trở thành có thể”.
Tuy đã có những bước phát triển “ngoạn mục” như đã nói, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, giữa hai nước vẫn còn những tồn tại và khác biệt, không chỉ là về chế độ chính trị, về nhận thức trong một số vấn đề như dân chủ nhân quyền… mà ngay cả những vấn đề liên quan đến kinh tế thương mại đầu tư, tài chính tiền tệ và cả các vấn đề quốc tế và khu vực. Những nghi kỵ, rào cản về xã hội, nhất là về việc giải quyết hậu quả chiến tranh cũng vẫn còn.
Đó là thực tế mà cả hai bên còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng khắc phục, vượt qua, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, một “bến đậu mới” như cách bạn đặt vấn đề.
Điều tôi mong chờ trước mắt là các cơ quan hữu quan của hai bên tích cực thu xếp để các lãnh đạo cao nhất của hai nước có thể sớm thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã nhất trí. Các chuyến thăm đó, nếu được thực hiện, sẽ là động lực quan trọng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước trong những năm tới.
Xin cảm ơn Đại sứ!
| Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 12 Ngày 30/3, tại thủ đô Washington D.C, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề chính ... |
| Việt Nam-Hoa Kỳ: Tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương Ngày 4/4, tại trụ sở Bộ, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã tiếp bà Michele Sison, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhân ... |
| Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ sẽ ‘tiếp lửa’ quan hệ với Việt Nam Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ hy vọng rằng chuyến thăm Việt Nam từ ngày 7-11/4 sẽ kế thừa, phát huy truyền thống của những người ... |
| Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken thể hiện sự coi trọng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ Chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho thấy thể hiện sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ ... |
| Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: Hợp tác giáo dục là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ Ngày 11/4, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng đã tới thăm và nói chuyện với các giáo sư, sinh viên Đại học Virginia (UVA), tiểu bang ... |