📞

Quan hệ Việt Nam-Mỹ: Niềm tin và thế hệ

Bảo Anh 14:00 | 10/07/2020
TGVN. Khi xây dựng quan hệ đối ngoại, niềm tin được xác định có vai trò quan trọng, làm tiền đề để quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu và phát triển bền vững. Nếu thiếu niềm tin thì mối quan hệ sẽ hời hợt và sẽ khó có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề bất đồng, nhạy cảm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số thành viên nhóm tình báo “Con Nai” tại Hà Nội năm 1945. (Ảnh tư liệu)

Lịch sử quan hệ Việt-Mỹ từ năm 1945 lại nay có nhiều thăng trầm, một trong những căn nguyên của những thăng trầm này là chưa xây dựng được niềm tin vững chắc. Tuy nhiên, niềm tin không dễ có được một sớm, một chiều. Để có mối quan hệ tốt đẹp, tin tưởng lẫn nhau giữa Việt Nam và Mỹ như hôm nay, chúng ta phải qua mấy thế hệ xây dựng và phát triển.

Nếu chia quãng thời gian từ năm 1945 lại nay thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn là một thế hệ, thì mối quan hệ tốt đẹp Việt-Mỹ hôm nay đã phải trải qua 3 thế hệ mới xây dựng thành công.

Quay về những năm 40 của thế kỷ trước, chắc chắn có rất ít người Việt Nam biết đến nước Mỹ xa xôi bên kia Thái Bình Dương. Đến cuối năm 1944, một chiếc máy bay quân sự của Mỹ khi bay qua bầu trời Hòa An (Cao Bằng) thì bị quân Nhật bắn hạ. Du kích Việt Minh đã cứu sống viên phi công và đưa về gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Cảm kích sự đối xử chu đáo của Việt Minh, quân đội Mỹ khi đó đã sắp xếp các cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với tướng Chennault, đại diện Không quân của Đồng minh vào tháng 3/1945 và thiếu tá tình báo A. Patty của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ vào cuối tháng 4/1945.

Niềm tin ban đầu giữa Việt Minh và quân đội Mỹ đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh gây dựng. Đề nghị quân đội Mỹ giúp đỡ vũ khí, huấn luyện quân sự của Việt Minh để chống phát xít Nhật đã được hai bên thỏa thuận. Đáng tiếc là cục diện thế giới thay đổi quá nhiều sau Thế chiến II nên kế hoạch hợp tác này bị bỏ lỡ.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư và điện cho Tổng thống Mỹ Harry Truman đề nghị Mỹ ủng hộ đối với nền độc lập non trẻ của Việt Nam nhưng phía Mỹ đã không hồi đáp. Niềm tin ban đầu với Mỹ đã mất.

Trong những năm 60, căng thẳng trong quan hệ Việt-Mỹ bị đẩy lên đỉnh điểm do những đối đầu về ý thức hệ. Ngày 8/3/1965, Mỹ đem quân đổ bộ lên bờ biển Đà Nẵng, chính thức bắt đầu quá trình can thiệp quân sự công khai ở Việt Nam. Niềm tin vỡ vụn, hai nước trở thành đối đầu.

Từ những nông dân chân lấm tay bùn, cha ông chúng ta đã trở thành những chiến binh anh dũng. Sau một thập kỉ chiến tranh khốc liệt, họ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là bảo vẹn toàn vẹn lãnh thổ, bờ cõi quê hương Việt Nam, thống nhất đất nước.

Thế hệ chúng ta, những người sinh sau năm 1975, quan hệ Việt-Mỹ bước sang một giai đoạn mới, có những thành công đột phá trong xây dựng niềm tin giữa hai nước. Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Từ đó đến nay, quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ đã trở nên sâu sắc và đa dạng hơn. Hai nước thường xuyên mở rộng trao đổi chính trị, an ninh khu vực, đối thoại cởi mở về các vẫn đề nhạy cảm, bất đồng. Tháng 7/2000, hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương. Tháng 11/2007, Mỹ thông qua Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng. Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh trong một cuộc họp báo: "Chúng tôi tin rằng quan hệ Việt Mỹ đang ở mức tốt nhất và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Sự hợp tác này sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn nữa bất kể chúng ta gọi tên mối quan hệ đó là gì".

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, "Quan hệ Việt Nam-Mỹ chứng kiến những bước phát triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực và trên cả bình diện song phương và đa phương trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau".

Phải mất đến hơn hai thế hệ, Việt Nam-Mỹ mới đứng cạnh nhau, có cùng tiếng nói trên trường quốc tế. Có được điều đó là nhờ vào niềm tin chiến lược hai bên dành cho nhau. Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, quan hệ Đối tác toàn diện mà hai nước có được hôm nay sẽ được tiếp tục phát triển lên tầm cao mới trong các thế hệ con, cháu của chúng ta.

Hiểu về quá khứ, trân trọng hiện tại và cùng hướng về tương lai. Niềm tin chiến lược có được sau 25 năm là tiền đề cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước tiến xa hơn. Xin kết thúc bài viết bằng hai câu Kiều mà Tổng thống Barack Obama đã trích trong bài diễn văn ở chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5/2016.

Rằng trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi.