📞

Quản lý biên giới Việt -Trung: Song hành cùng phát triển kinh tế địa phương

07:30 | 07/10/2017
Từ 23-26/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia Lê Hoài Trung dẫn đầu Đoàn công tác liên Bộ đã khảo sát và làm việc tại Lai Châu.

Chuyến làm việc mang ý nghĩa quan trọng, cả về mặt quản lý khu vực biên giới Việt Nam (VN) - Trung Quốc (TQ) và về mặt phát triển kinh tế địa phương.

Trong bốn ngày, Đoàn đã khảo sát khu vực biên giới và hệ thống cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trong chuyến khảo sát biên giới tại Lai Châu.

Đây là dịp để các cơ quan quản lý biên giới Trung ương và địa phương gặp gỡ, trao đổi, cùng trao đổi, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, vừa đảm bảo củng cố an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, vừa  góp phần tháo gỡ các khó khăn về thủ tục, về thực hiện các văn kiện pháp lý, góp phần giữ gìn đường biên giới Việt - Trung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Ba văn kiện pháp lý về quản lý biên giới trên đất liền VN - TQ

1. Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền VN - TQ;

2. Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền VN - TQ;

3. Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền VN - TQ;

Sẵn sàng làm cầu nối

Tại buổi làm việc với Chủ tịch tỉnh Đỗ Ngọc An và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Lai Châu, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Đặc biệt, việc Lai Châu hợp tác với địa phương TQ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, qua đó phát triển kinh tế địa phương, góp phần xây dựng đường biên giới Việt - Trung hòa bình, ổn định và phát triển.

Thứ trưởng đề nghị Lai Châu tiếp tục phối hợp với địa phương TQ nghiêm túc thực hiện ba văn kiện pháp lý về biên giới đất liền giữa hai nước; phát huy thế mạnh và tiềm năng, đặc biệt là du lịch, chủ động tăng cường quan hệ đối ngoại, nhất là với địa phương TQ; nắm bắt, tận dụng cơ hội TQ mở rộng kết nối để phát triển kinh tế cho chính địa phương mình.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Ngoại giao luôn đồng hành, sẵn sàng làm cầu nối, hỗ trợ Lai Châu trong công tác đào tạo nhân lực, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông Bắc Á, mà trước mắt là tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư ở Lai Châu.

Quan hệ láng giềng hữu nghị giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã hình thành từ xa xưa trong lịch sử, luôn được hai bên quan tâm duy trì và phát triển. Trao đổi thương mại qua biên giới tăng tương đối nhanh, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 11,5 triệu USD năm 2010 lên 205,6 triệu USD năm 2016.

Việc xuất nhập khẩu hàng hóa chủ yếu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng, gồm nông sản địa phương (chuối, gạo...) và vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cư dân biên giới.

Phối hợp chặt chẽ

Lai Châu có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc dài 265,095 km, với 101 cột mốc và ba huyện biên giới gồm: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ. Trên địa bàn tỉnh có một cửa khẩu song phương (Ma Lù Thàng), một cửa khẩu sẽ mở khi có đủ điều kiện ghi nhận tại Hiệp định cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền VN - TQ (U Ma Tu Khoòng) và sáu đường qua lại (Pô Tô, Lùng Than, Sì Choang, Gia Khâu, Kẻng Mỏ, Pa Thắng).

Được biết, sau khi ba văn kiện pháp lý về biên giới có hiệu lực, các lực lượng chức năng quản lý biên giới tỉnh Lai Châu đã phối hợp triển khai hiệu quả ba văn kiện pháp lý về biên giới đất liền VN - TQ ; phê duyệt xây dựng nhiều công trình biên giới; kịp thời phát hiện và xử lý ổn thỏa các sự việc nảy sinh trên biên giới, chủ quyền quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với địa phương đối diện TQ quản lý biên giới theo ba văn kiện pháp lý và hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.