Chẳng hạn, việc thiết lập các tiêu chuẩn riêng của Nhật Bản (cả chính thức và không chính thức); Việc đòi hỏi hỏi chứng minh kinh nghiệm trong thị trường Nhật Bản; Các quy định chính thức nhằm bảo trợ sản xuất trong nước và phân biệt đối xử đối với hàng ngoại nhập; Quyền cấp phép nằm trong tay các hiệp hội sản xuất; Việc nắm giữ cổ phiếu của nhau cũng như việc liên kết chặt chẽ các lợi ích thương mại trong nước của các doanh nghiệp trong hiệp hội; Tầm quan trọng của các mối quan hệ cá nhân và kinh doanh...
Hầu hết các hàng hóa được tự do nhập khẩu và không phải chịu một yêu cầu nào về Giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng xuất nhập khẩu của một số loại hàng hóa bắt buộc có giấy phép phụ thuộc vào sự cho phép hay xác nhận của các Bộ có liên quan. Đặc biệt trong trường hợp hàng cần hạn ngạch nhập khẩu, thì việc nhập khẩu các mặt hàng đó chỉ có thể sau khi có hạn ngạch nhập khẩu dựa theo thông báo hạn ngạch nhập khẩu chính thức. Và việc thanh toán cũng chỉ có thể thực hiện sau khi giấy phép nhập khẩu đã được cấp.
Hạn ngạch nhập khẩu được áp dụng với 3 loại hàng: Các mặt hàng thương mại thuộc kiểm soát của nhà nước (vũ khí, rượu, chất nổ, súng cầm tay và dao, vật liệu hạt nhân, ma túy, và các thực phẩm chịu sự kiểm soát); Những mặt hàng hạn chế nhập khẩu (cá trích, cá mòi, sò, và các loại hải sản khác); Các loại thực vật và động vật có tên trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng trong hệ động thực vật (CITES). Trong các trường hợp này, nhà nhập khẩu phải có giấy phép và giấy phê chuẩn liên quan đến việc nhập khẩu hàng hoá theo Luật Hải quan, để phục vụ việc kiểm tra hoặc đáp ứng những yêu cầu cần thiết khác. Thực tế, ngoài yêu cầu giấy phép hoặc giấy phê chuẩn trên, còn có quy định khác ngoài Luật Hải quan, nhà nhập khẩu phải trình lên một giấy chứng nhận đã cho phép theo những đạo luật hay quy định này.
Hầu hết sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu của Nhật đều phải chịu kiểm tra hàng hóa và không thể tiêu thụ tại thị trường này nếu không được cấp những Giấy chứng nhận sản phẩm đã tuân theo những tiêu chuẩn. Một số tiêu chuẩn là bắt buộc, một số tự nguyện. Trong nhiều trường hợp, những giấy chứng nhận này có thể mang tính quyết định thành bại của các thương vụ.
Hiện nay, tại Nhật Bản, có hai xu hướng đối với các loại tiêu chuẩn này, dần nới lỏng hoặc thống nhất chúng với những tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi các cơ quan chức năng đang cố gắng cải cách thì vẫn tồn tại hàng loạt những đạo luật và quy định tác động đến những tiêu chuẩn bắt buộc. Vì vậy, những doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Nhật Bản cần tìm hiểu sâu những văn bản luật này.
Hương Thủy(Theo VYSA)