Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO. |
Quần thể Danh thắng Tràng An đã trở thành di sản thế giới với sự đồng thuận cao của các thành viên của Ủy ban Di sản thế giới. Xin Thứ trưởng cho biết, di sản được công nhận ở những giá trị nào?
Việc Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới đã nâng tổng số các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam lên con số 8. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được công nhận và cũng là một trong hai di sản hỗn hợp được đệ trình xem xét công nhận trong kỳ họp lần thứ 38 của Ủy ban này.
"Giá trị nổi bật toàn cầu" của Tràng An nằm ở nhiều tiêu chí. Về văn hóa, Tràng An chứa đựng các bằng chứng cho thấy sự thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi về địa lý và môi trường theo lịch sử Trái đất. Về thẩm mỹ, Tràng An có thiên nhiên tuyệt đẹp với những ngọn núi quyến rũ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh, với cả đền, chùa, miếu linh thiêng. Về địa chất - địa mạo, Tràng An minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm. Ủy ban Di sản thế giới cũng đánh giá cao việc đảm bảo tính toàn vẹn và xác thực cũng như bảo đảm thực thi đầy đủ việc bảo vệ, quản lý Di sản.
Với vai trò của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông đánh giá gì về ý nghĩa của sự kiện?
Đây là vinh dự to lớn đối với Việt Nam, bởi lần đầu tiên chúng ta có một di sản thế giới hỗn hợp cả văn hóa lẫn tự nhiên, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và thế giới. Điều đó cũng thể hiện sự đánh giá cao của quốc tế đối với cộng đồng dân cư nơi đây.
Được ví như "Hạ Long trên cạn", quần thể Danh thắng Tràng An nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gồm ba khu vực bảo tồn: Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Khu rừng đặc dụng Hoa Lư. Tổng diện tích của quần thể là 4.000 ha, chiếm toàn bộ khối đá vôi Tràng An và được bao quanh bởi vùng đệm rộng 8.000 ha. |
Tỉnh Ninh Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ để xây dựng, bổ sung, bảo vệ thành công hồ sơ này. Việc công nhận Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới sẽ góp phần thu hút du lịch, đầu tư, tạo công ăn việc làm phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đến nay, những di sản này đã góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam đang tích cực làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa thế giới. Thành công trong lĩnh vực bảo toàn di sản cũng giúp nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Năm 2013, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã đánh giá cao sự quan tâm của Việt Nam với công tác di sản, đặc biệt là các di sản thế giới. Việt Nam cần phát huy điểm mạnh này như thế nào?
Đối với các di sản thế giới đã được công nhận, chúng ta cần tiếp tục bảo vệ, quảng bá các giá trị nổi bật, tính toàn vẹn và xác thực của chúng đối với người dân. Cần tổ chức các hội thảo khoa học, xây dựng mạng lưới chuyên gia đánh giá sâu sắc hơn nữa các giá trị của di sản trên phương diện khảo cổ học, kiến trúc hay kinh tế- xã hội. Hơn nữa, cần tiếp tục đào tạo lực lượng cán bộ quản lý di sản tại các quốc gia phát triển về lĩnh vực này.
Việt Nam sẽ xem xét tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với các Ủy ban Quốc gia UNESCO các nước (như đã làm với Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc) theo tinh thần Điều 7 của Hiến chương UNESCO nhằm tìm kiếm và tạo cơ hội nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên trên các lĩnh vực, chương trình, chiến lược và tầm nhìn của UNESCO.
Xin cảm ơn ông!
Bà Đặng Thị Bích Liên,Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Việc ghi danh của Ủy ban Di sản Thế giới đối với Quần thể Danh thắng Tràng An là vinh dự to lớn, đồng thời cũng trao cho chúng ta trọng trách bảo vệ, quảng bá những "Giá trị nổi bật toàn cầu" của di sản và chuyển giao nguyên vẹn cho các thế hệ tương lai". Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: "Thành công hôm nay không chỉ là nỗ lực của tỉnh Ninh Bình mà là của hàng vạn lao động đang hàng ngày miệt mài phục vụ du khách và bảo vệ Quần thể Danh thắng Tràng An". Giáo sư Paul Dingwall, chuyên gia Hiệp hội Bảo tồn thế giới của UNESCO: "Lịch sử tiến hóa của loài người có thành công hay không phụ thuộc vào việc con người có thích ứng được với sự thay đổi của môi trường hay không. Tại Tràng An đã có đầy đủ chứng cứ khẳng định điều này". |
TUẤN LÊ (thực hiện)