Vợ chồng ông Mỹ (trái) cùng các thực khách tại nhà hàng. |
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc về ông, một người từng bôn ba nhiều năm ở Đức, Mỹ rồi trở về Việt Nam… và sau đó lại đưa cả gia đình đến với Nam Phi xa xôi?
Đó là năm 1996. Nó như một cơ duyên tình cờ. Tôi vốn có niềm đam mê với công việc bếp núc. Tôi học ở Đức rồi sang Mỹ làm việc cho một nhà hàng và từng giành giải về ẩm thực châu Á tại đây. Sau này, khi đã trở về Việt Nam, tôi tình cờ gặp một người bạn Đức lấy vợ Nam Phi. Anh ấy rất yêu ẩm thực Việt và chia sẻ với tôi ý định mở một nhà hàng phục vụ các món ăn Việt ở Cape Town. Anh ấy muốn tôi đảm nhiệm vị trí bếp trưởng và quản lý cho nhà hàng… Đấy! Lý do rất đơn giản. Tôi đã quyết định lên đường và sau đó đưa cả bà xã sang.
Vậy là đến nay ông đã có ngót 20 năm nấu món ăn Việt trên mảnh đất châu Phi này…
Không có điều gì là dễ dàng. Thời điểm mở nhà hàng Saigon Cape Town, chúng tôi có lẽ là những người Việt đầu tiên đến đây làm ăn, sinh sống. Vì thế, ẩm thực Việt là một điều gì đó xa lạ với người dân Nam Phi. Nhưng may mắn, Cape Town là một thành phố du lịch nên những du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây. Họ từng thưởng thức món ăn Việt ở những nước khác, thậm chí từng đến Việt Nam nên rất thích thú khi phát hiện ra Saigon Cape Town. Sự quan tâm của họ đối với ẩm thực Việt đã thúc đẩy người dân bản địa đến với nhà hàng. Tuy nhiên, để người dân bản địa biết đến và yêu quý ẩm thực Việt, chúng tôi đã phải trải qua thời gian “huấn luyện” họ làm quen với một số gia vị đặc biệt của Việt Nam, điển hình là nước mắm. Không có nước mắm thì không còn là món ăn Việt.
Việc “huấn luyện” thực khách như thế hẳn không đơn giản?
Đúng vậy! Nhân viên nhà hàng đã mất nhiều thời gian giải thích cho thực khách từng chút một về vai trò của các loại gia vị trong món ăn Việt, cách ăn như thế nào cho ngon, cho đúng… Chẳng hạn, khi dùng nem cuốn, gỏi cuốn thì cách cuốn như thế nào, chấm nước mắm ra sao… Khi đã quen rồi thì họ bắt đầu “nghiện” gia vị Việt. Có những người bản địa còn đến nhà hàng mua bánh tráng và nước chấm về để chế biến tại nhà.
Người Nam Phi có thói quen yêu cầu bếp trưởng ra tận bàn để trình bày khi gọi món. Còn khi ăn xong, nếu hài lòng, họ vào tận bếp để cảm ơn. Niềm vui và cũng là niềm tự hào của tôi chính là khi đang tất bật nấu nướng mà vẫn phải đáp lễ các thực khách kéo vào bếp cảm ơn trước khi ra về…
“Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” như vậy hẳn Saigon Cape Town rất đông khách?
Hàng năm, từ tháng Mười Một đến tháng Tư là mùa du lịch ở Cape Town. Trong thời gian này, nhà hàng phục vụ cho trung bình 160 thực khách mỗi tối. Người Nam Phi không hay đi ăn trưa ở nhà hàng vì họ ăn sáng muộn. Bữa tối là bữa chính trong ngày của họ nên buổi tối, nhà hàng rất đông khách.
Vậy các đầu bếp của ông cũng là người Việt hay cả người bản địa?
À, đây cũng là một trong những niềm tự hào của tôi. Gần 20 năm mở nhà hàng, có nhiều nhân viên đã gắn bó với Saigon Cape Town đến tận bây giờ, trong đó có rất nhiều người bản địa. Tôi có hai học trò là người Nam Phi và hiện là bếp trưởng phụ trách món ăn Việt của hai khách sạn 5 sao ở Madagascar. Trải qua nhiều cuộc thi, bình chọn của thực khách, Saigon Cape Town hiện được mệnh danh là nhà hàng châu Á phục vụ món ăn ngon nhất Nam Phi. Đó cũng là điều mà bất cứ nhân viên nào của chúng tôi lấy làm tự hào.
Hiện tại, nhà hàng có ba đầu bếp người Việt, còn lại đều là người Nam Phi. Công việc của tôi từ sáng đến tối khuya là gặp gỡ thực khách để giải thích cho họ, đáp ứng những yêu cầu của họ về món ăn, tham gia chế biến và đặc biệt là thường xuyên phải lên thực đơn cho các buổi tiếp khách đoàn.
Với bề dày kinh nghiệm quảng bá món ăn Việt ở nhiều nước trên thế giới, theo ông, điều gì đã khiến các món ăn Việt được thực khách bốn phương yêu mến đến vậy?
Đó là bởi món ăn Việt ít chất béo, không sử dụng nhiều dầu mỡ, nhiều rau và rất tươi ngon. Điều này ngày càng phù hợp với xu thế sử dụng đồ ăn tốt cho sức khỏe trên thế giới. Mặt khác, trong phong cách ẩm thực Việt và ẩm thực Nam Phi nói riêng có một số điểm tương đồng như sở thích ăn những món chua chua, mằn mặn, ngòn ngọt mà không quá cay… khiến món ăn Việt thực sự hấp dẫn với người dân nơi đây.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
“Chúng tôi mất khoảng hai năm chỉ làm ăn cầm chừng. Trong suốt thời gian này, tôi và anh bạn người Đức cứ đều đặn trở về Việt Nam sáu tháng một lần để tự tay chọn các loại gia vị mang sang Nam Phi. Đến năm 2004, Thủ tướng Nam Phi đã chọn Saigon Cape Town làm địa điểm chiêu đãi đoàn khách cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu trong chuyến thăm chính thức tới Nam Phi. Buổi chiêu đãi này có sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp nước sở tại. Đây chính là sự kiện khiến tên tuổi của nhà hàng được phổ biến trong giới doanh nhân nước này, trở thành một cú hích cho sự phát triển của nhà hàng” Bếp trưởng Nguyễn Văn Mỹ
Khánh Nguyễn (thực hiện)