Trà hoa vàng Quy Hoa của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Quy Hoa (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao năm 2022. (Nguồn: BQN) |
Chương trình OCOP đã làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn; phát huy tối đa sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển và hoàn thiện sản phẩm đặc sản địa phương.
Các sản phẩm OCOP từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực, góp phần phục vụ phát triển du lịch dịch vụ của Quảng Ninh, đồng thời, phát huy các tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương.
Tăng cường hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm
Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đang có 393 sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3 đến 5 sao của 13 địa phương.
Trong đó, 100% sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao được đưa lên sàn thương mại điện tử. 100% sản phẩm OCOP đã được cấp mã vạch và QR code tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc.
Để đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP, Quảng Ninh đã tăng cường thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu của tỉnh tới các thị trường trong và ngoài nước.
Tỉnh cũng thường xuyên đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh, trong đó đã tổ chức thành công nhiều hội chợ, mới đây nhất là Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2024 và Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024. Các hội chợ thu hút trên 120.000 lượt người đến tham quan mua sắm, tổng doanh thu bán hàng đạt trên 25 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành công thương và các địa phương cũng đã phối hợp tổ chức 12 hội chợ, tuần lễ sản phẩm cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là cơ hội để các đơn vị sản xuất, chế biến tìm kiếm, gặp gỡ bạn hàng, các đơn vị phân phối trong và ngoài tỉnh.
Một trong những kết quả rõ nét nhất từ các phiên hội chợ này là đến nay đã có trên 80 sản phẩm OCOP Quảng Ninh được tham gia vào các hệ thống phân phối lớn, các siêu thị, trung tâm thương mại như Go! Winmart, Coop Mart...
Đặc biệt, tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh thương mại xuyên biên giới, đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đến với các thị trường quốc tế. Trong năm nay, tỉnh đã tổ chức các gian hàng tại 4 chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Đơn cử như: Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (VIETNAM EXPO 2024); Lễ hội Du lịch biên giới Trung Việt 2024 và Hội chợ giao dịch hàng hoá xuất, nhập khẩu Trung Quốc - ASEAN; Hội chợ triển lãm Trung Quốc - Nam Á lần thứ 8 và Hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu Côn Minh, Trung Quốc lần thứ 28 tại thành phố Côn Minh - Trung Quốc; Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Lào 2024. Những chương trình này đều đã mang lại những kết quả hết sức tích cực, giúp doanh nghiệp OCOP Quảng Ninh tìm kiếm được những hướng đi mới trong xuất khẩu.
Gian hàng Quảng Ninh tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Lào 2024. (Nguồn: BQN) |
Xây dựng Chương trình OCOP bền vững
Xây dựng một Chương trình OCOP bền vững là mục tiêu mà tỉnh Quảng Ninh tập trung hướng tới. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đang nỗ lực quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.
Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất...
Với nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo, tận dụng lợi thế này, tỉnh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.
Nhìn từ huyện Ba Chẽ, ngay khi triển khai đề án OCOP, các hộ trồng trà đã chủ động liên kết với Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh và Hợp tác xã Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ để xây dựng vùng trồng, chế biến, bao tiêu sản phẩm.
Tính đến cuối năm 2023, diện tích trồng cây trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ hiện đã mở rộng đến 230 ha, sản lượng thu hoạch hoa trà tươi bình quân đạt 20 tấn/năm, lá trà tươi là 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng hàng năm mang lại cho người dân huyện Ba Chẽ hơn 20 tỷ đồng.
Thời gian tới, ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương, Sở Công thương Quảng Ninh cho hay, ngành Công thương sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm OCOP mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Trước mắt, sẽ tập trung tổ chức hiệu quả Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024; Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông 2024; Tổ chức Đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia các Hội chợ trọng điểm năm 2024 tại các địa phương trọng điểm kinh tế Vùng của cả nước như: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Đối với thị trường quốc tế, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; tham gia các Hội chợ Asean - Trung Quốc; Hội chợ hàng Việt Nam tại Campuchia 2024; Tham gia Hội chợ thương mại và du lịch biên giới Trung - Việt 2024 tại Đông Hưng (Trung Quốc).
Quảng Ninh sẽ tổ chức Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024 từ ngày 29/8 đến 3/9 tại Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh. Hội chợ có quy mô trên 250 gian hàng được chia thành 4 khu vực gồm các gian hàng như: trưng bày sản phẩm OCOP Quảng Ninh, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Houaphan, Luang Prabang, Xayabury (Lào), Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), Pakistan, tuyên truyền quảng bá về quyền lợi người tiêu dùng… |