📞

Quảng Bình đẩy mạnh xúc tiến du lịch đến thị trường ASEAN

Nguyễn Ngọc Quý 17:17 | 17/06/2022
Tiềm năng, lợi thế du lịch của Quảng Bình vẫn còn rất lớn, cần thêm năng lực và điều kiện để phát huy. Việc kết nối du lịch Quảng Bình với các vùng trong cả nước sẽ cộng hưởng sức mạnh, giúp du lịch thăng hoa mạnh mẽ.
Bờ kè sông Nhật Lệ, Quảng Bình. (Nguồn: quangbinh.gov.vn)

Thích ứng mới, vận hội mới

Phát triển du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế, khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Bình gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc: du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp…

Định vị Quảng Bình là một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Châu Á trong đó Khu du lịch quốc gia Phong Nha – Kẻ bàng trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao.

Việc Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn các dịch vụ du lịch là cơ hội để du lịch Quảng Bình "thức giấc" và phục hồi phát triển trong thời gian tới. Trên thực tế, với việc cả nước đạt tỉ lệ tiêm phủ vaccine Covid-19 cao và Chính phủ đã cho phép mở cửa hoàn toàn các dịch vụ du lịch thì đây là thời điểm thích hợp để du lịch Quảng Bình "thức giấc" và phục hồi.

“Không nhiều địa phương làm được như Quảng Bình, chỉ sau một thời gian ngắn nỗ lực đã khẳng định được là một địa chỉ du lịch quốc tế đặc sắc và đẳng cấp. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của du lịch Quảng Bình dựa trên nền tảng lợi thế to lớn về tài nguyên du lịch và việc thay đổi mang tính đột phá trong tư duy và cách tiếp cận phát triển - biến bất lợi thế "truyền thống" thành lợi thế phát triển hiện đại”.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế Trung ương

Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, Tổng số khách du lịch 06 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 549.442 lượt khách, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách người quốc tế ước đạt 7.500 lượt khách tăng 138% so với cùng kỳ năm 2021, khách nội địa ước đạt 541.768 lượt khách tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2022, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đạt 1,99 triệu lượt, khách quốc tế 10.000 lượt. Quảng Bình tiếp tục duy trì vị thế thương hiệu du lịch của tỉnh là một trong những điểm đến được tìm kiếm và lựa chọn nhiều nhất trên Google (Google search, Youtube), các trang đặt phòng, diễn đàn du lịch (TripAdvisor); du lịch Quảng Bình được các tạp chí uy tín bình chọn, đánh giá là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam; Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục là một trong 10 vườn quốc gia được yêu thích nhất châu Á và thế giới.

Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình. (Ảnh: Ryan Deboodt)
Hang Va, Quảng Bình. (Ảnh: Ryan Deboodt)
Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. (Ảnh: Hoàng An)

Trên thực tế, Du lịch Quảng Bình sớm “thích ứng mới trong vận hội mới" như tên một Hội thảo do Tỉnh tổ chức gần đây. Ngay khi Chính phủ, Bộ VHTT&DL có phương án mở của du lịch, Quảng Bình đã là địa phương đầu tiên đón khách du lịch sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có những bước phục hồi tích cực trong 3 tháng đầu năm. Đặc biệt dịp Giỗ tổ Hùng Vương, tỉnh đã đón lượng khách lớn, cho thấy những dấu hiệu khả quan của sự phục hồi du lịch.

Tuy nhiên, để khắc phục những điểm còn tồn tại, nhanh chóng “thích ứng” với tình trạng bình thường mới, đón bắt được “vận hội mới” để phát triển du lịch Quảng Bình tương xứng với tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Bình xác định cần sự nỗ lực hơn nữa của Lãnh đạo các cấp, ngành du lịch và sức mạnh tổng hợp từ doanh nghiệp và toàn thể xã hội.

Tiềm năng, lợi thế du lịch của Quảng Bình vẫn còn rất lớn, cần thêm những năng lực, điều kiện để phát huy. Việc kết nối du lịch Quảng Bình với du lịch vùng và cả nước sẽ cộng hưởng sức mạnh, giúp du lịch Quảng Bình thăng hoa mạnh mẽ. Đó là điều Quảng Bình cần làm, đang làm và sẽ làm thành công tạo đà phục hồi và phát triển chung với cả đất nước trong giai đoạn tới.

Hiện tại, Quảng Bình đã tiếp tục liên kết để kết nối, xây dựng các tour - tuyến cung cấp thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch, tạo thành một chuỗi du lịch. Hiện đã phát triển tour Di sản miền Trung (từ Quảng Bình vào đến Quảng Nam), du khách có thể lựa chọn nhiều sản phẩm du lịch khác nhau tại từng tỉnh, thành theo các combo khác nhau như 3 ngày, 5 ngày đến 10 ngày…

Bên cạnh đó, Ngành Du lịch Quảng Bình cũng phối hợp với các công ty lữ hành tại TP. Hồ Chính Minh và Hà Nội để giới thiệu, bán các sản phẩm du lịch của Quảng Bình. Đồng thời, phối hợp với các đối tác ở nước ngoài tiếp tục mời gọi khách truyền thống từ các thị trường châu Âu, châu Mỹ, các nước đang phát triển.

Tận dụng cơ hội vàng - SEA Games 31

Trong vận hội mới, SEA Games 31 chính là một cơ hội tốt để du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn đến đông đảo các đại biểu, vận động viên, phóng viên, người hâm mộ trong khu vực Đông Nam Á và thông qua họ đến với bạn bè quốc tế, khách du lịch trên toàn thế giới.

Quảng Bình có tiềm năng lớn để phát triển du lịch với những "đặc sản" của miền Trung là "nắng, gió, sông, biển, rừng" và các di tích lịch sử. Quảng Bình lại có những thương hiệu "độc nhất vô nhị" đó là hệ thống hang động vô cùng đặc sắc, quê hương của đại tưởng Võ Nguyên Giáp. Để tạo dựng nên những giá trị du lịch mới, Quảng Bình cần đa dạng hóa các loại hình du lịch như du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe nghỉ dưỡng, MICE, du lịch văn hóa, tâm linh; cùng với đó là bổ sung các sản phẩm cùng các dịch vụ mới về thể thao, giải trí mua sắm, du lịch sự kiện".

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh

SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam thực sự là một cú hích cho sự phục hồi, phát triển của du lịch, kinh tế Việt Nam và ASEAN. Đây cũng là cơ hội vàng để quảng bá tại chỗ hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và cũng là cơ hội “không thể bỏ qua” để du lịch Quảng Bình được tiếp cận nhiều hơn tới bạn bè quốc tế, đặc biệt là các du khách trong ASEAN.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch Quảng Bình đến các thị trường khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là thị trường các nước ASEAN, Sở Du lịch Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị triển khai chiến dịch truyền thông chuyên biệt để quảng bá du lịch Quảng Bình qua chuỗi hoạt động của SEA Games 31.

Nổi bật thông điệp - Quảng Bình là điểm đến hàng đầu châu Á, điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt, điểm phải đến để trải nghiệm tại Việt Nam. Đến du lịch Quảng Bình, du khách có thể tự do hòa mình vào thiên nhiên, khám phá nhiều cảnh quan kỳ vĩ tại vùng đất của hang động, của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và cũng là điểm đến của du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao giải trí cao cấp và du lịch văn hóa, lịch sử.

Quảng Bình đẩy mạnh xúc tiến du lịch đến thị trường ASEAN. (Nguồn: quangbinh.gov.vn)

Nhân dịp SEA Games 31, du lịch Quảng Bình cũng đã dành một số phần thưởng đặc biệt tặng riêng cho các vận động viên, huấn luyện viên và phóng viên quốc tế. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch Quảng Bình cũng có chương trình ưu đãi đặc biệt cho các vận động viên, huấn luyện viên đạt huy chương vàng tại SEA Games 31với mức chiết khấu từ 20%-30%.

Trong dịp đặc biệt này, du lịch Quảng Bình cũng đã thực hiện chương trình truyền thông trực tiếp và qua nền tảng số đế giới thiệu du lịch Quảng Bình - điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt với nội dung chuyên biệt, phương thức đa dạng tới các thị trường khách du lịch các nước ASEAN và một số thị trường khách quốc tế trọng điểm trong thời gian diễn ra SEA Games 31, như: Quảng bá, xúc tiến tại Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2022, lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022; quảng bá trên các nền tảng số như: Google, Facebook, Instagram…

ASEAN là một trong những thị trường, đối tác quan trọng của du lịch Việt Nam. Năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Các thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN năm 2019 là: Malaysia (chiếm 3,4% tổng lượng khách), Thái Lan (chiếm 2,8% tổng lượng khách), Singapore (chiếm 1,7% tổng lượng khách), Campuchia (chiếm 1,3% tổng lượng khách)..., Báo cáo của Tổng cục Du lịch.