📞

Quảng Nam: Để vùng hạ du không trở thành "rốn" lũ

11:09 | 16/09/2018
Với hàng chục nhà máy thủy điện đang hoạt động và 4 hồ chứa có tổng dung tích hơn 2 tỷ mét khối nước ở vùng thượng lưu, công tác đảm bảo an toàn hồ đập và điều tiết lũ vùng theo cơ chế vận hành liên hồ nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du luôn được tỉnh Quảng Nam coi trọng. Tỉnh yêu cầu các nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm.

Công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du, nơi chịu tác động trực tiếp của các công trình thủy điện cũng được tỉnh đặt lên hàng đầu, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần để vùng hạ du không trở thành "rốn" lũ.

Để giúp người dân chủ động trong việc ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa lũ, trước mùa mưa năm nay, Công ty thủy điện Sông Tranh đã tổ chức diễn tập và tuyên truyền về các tình huống khẩn cấp khi có thiên tai bão lũ xảy ra tại địa bàn huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Trong cuộc diễn tập này, bên cạnh những tình huống giả định như mưa to, gió lớn gây sạt lở đất đá, vùi lấp nhà cửa… thì việc tuyên truyền để người dân hiểu, không nghe theo những tin đồn thất thiệt như vỡ đập thủy điện do động đất gây ra là một trong những nội dung trọng tâm. 

Nhà máy thủy điện (Ảnh Minh họa)

Ông Phùng Ngọc Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My cho biết: Sau đợt diễn tập này, các tổ dân phố tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động nhân dân về vấn đề an toàn hồ đập. Bên cạnh đó, UBND thị trấn cũng thành lập tổ công tác tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động nhân dân nắm tình hình thủy điện Sông Tranh; đồng thời, giải thích cho nhân dân về tình hình động đất kích thích trong thời gian qua là hiện tượng tự nhiên, không gây nguy hại đến an toàn hồ đập,  không nên hoang mang trước những  tin đồn của kẻ xấu.

Mặc dù, động đất ở khu vực các huyện miền núi Nam Trà My và Bắc Trà My chưa gây nguy hại lớn đến đời sống và sản xuất của người dân trong vùng, song do động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, đã làm người dân trong vùng lo lắng.

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Lân, Phó Giám đốc công ty thủy điện Sông Tranh cho biết: Trước mùa mưa lũ năm nay, công ty mời tất cả các huyện ở vùng hạ du cùng tham gia diễn tập, ứng phó với các tình huống do mưa lũ gây ra. Mục tiêu của công ty là làm sao để công tác phối hợp giữa công ty và các huyện hạ du đảm bảo triệt tiêu những tin đồn thất thiệt.

Thừa Thiên Huế, Quảng Nam hay có lũ lớn. (Nguồn: TP Quảng Nam)

Không chỉ ở Bắc Trà My, Nam Trà My, các huyện miền núi có nhiều nhà máy thủy điện đang hoạt động như: Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn…, công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân trong chủ động ứng phó với mưa bão, việc kiểm tra an toàn hồ đập, xây dựng các phương án vận hành đơn hồ, liên hồ chứa cũng được tỉnh Quảng Nam và các nhà máy thủy điện chú trọng triển khai. Trước mùa mưa năm nay, Quảng Nam đã cử nhiều đoàn công tác kiểm tra phương án cũng như quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, từ đó đề ra giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân vùng hạ du.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Phương án vận hành để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du và hồ chứa, quy trình vận hành, kiểm tra, giám sát tất cả các mặt hoạt động trong vận hành liên hồ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du là yêu cầu bắt buộc và xuyên suốt. Trong các phương án ngành chức năng và địa phương cũng đã tính đến các khu vực ngập lụt cụ thể ở từng địa phương, tương ứng với các tần suất lũ để có giải pháp hợp lý. Đặc biệt, Quảng Nam yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan có phương án xử lý kịp thời, an toàn, hiệu quả về tình huống xấu nhất là xảy ra sự cố vỡ đập. Những hồ thủy điện nào trong phương án không có phương án vỡ đập, Ủy ban Nhân dân Tỉnh yêu cầu phải có. Đến trước mùa mưa năm nay, về cơ bản các nhà máy thủy điện đã bổ sung các phương án này.

Với sự chủ động trong công tác tuyên truyền, kiểm tra an toàn hồ đập, cũng như xây dựng các kịch bản chi tiết, sát với tình huống thực tế trong phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân vùng hạ du đã và đang được tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện có ý nghĩa lớn trong công tác phòng chống thiên tai, nhất là không để hơn 2 tỷ mét khối hiện hữu ở vùng đầu nguồn biến vùng hạ du trở thành "rốn" lũ./.

(theo TTXVN