Hội nghị XTĐT tai Quảng Ngãi năm 2019. |
Quyết tâm phát triển bứt phá
Kết thúc năm 2019 và khởi đầu năm 2020 là thời điểm hội tụ nhiều cơ hội cho sự phát triển của tỉnh bởi lẽ Quảng Ngãi đã có những bước chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 của tỉnh tăng 6,7% so với năm 2018, đây là mức tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại và trước tình hình khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Do vậy, để đạt được kết quả tăng trưởng này là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cố gắng phấn đấu của các ngành, các cấp, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2019, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, về lĩnh vực kinh tế: GRDP ước đạt 55.102 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch: tăng trưởng 6,5%), trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 29.162,9 tỷ đồng, tăng 7,3%; khu vực dịch vụ đạt 16.948,8 tỷ đồng, tăng 7,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.990,3 tỷ đồng, tăng 3,5%. GRDP không tính sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt 37.710,5 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2018, GRDP bình quân đầu người đạt 67,4 triệu đồng/người, tương đương 2.868 USD/người, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch: 2.682 USD). Thu ngân sách nhà nước ước đạt 20.496 tỷ đồng, vượt 2,5% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Về cơ cấu kinh tế: ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,64%; ngành dịch vụ 29,17%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 17,19%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm ước đạt 750 triệu USD, tăng 26,8% so với năm 2018, đặc biệt có một số doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất và ký được nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu mới như: xuất khẩu tinh bột mỳ đi thị trường Hồng Kông, dăm gỗ đi thị trường Indonesia và thép Hòa Phát xuất đi Nhật Bản. Ngành nông nghiệp mặc dù gặp khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm, hạn hán nhưng ngành đã tập trung cơ cấu lại theo hướng hiệu quả hơn; Chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, diện tích rừng trồng tập trung, sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh nên giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 4,6% so với năm 2018 và vượt 1,6% kế hoạch.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực; trong đó, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới trong năm cho khoảng 40.500 lao động; 1.900 người tham gia xuất khẩu lao động. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng, tiếp tục thực hiện các chính sách về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 7,79%, giảm 1,6%; trong đó, miền núi còn 31,5%, giảm 5,48% so với năm 2018. Chủ trương sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được triển khai nghiêm túc, Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, các lực lượng chức năng đã triển khai đấu tranh, triệt phá, giải quyết một số vụ việc nổi cộm, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển và đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
KCN VSIP Quảng Ngãi. |
Khó khăn và thách thức
Trước những khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi trong những tháng đầu năm 2020 đạt được một số kết quả tích cực như: Giá trị sản xuất công nghiệp lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 40.433,4 tỷ đồng, tăng 2,37% so với cùng kỳ năm trước và đạt 28,8% kế hoạch năm; nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì GTSX tăng 17,8%; diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 6.263 ha, tăng 0,2%; sản lượng thuỷ sản đạt 89.680,4 tấn, tăng 3,5%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 389,69 triệu USD, tăng 55,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 39% kế hoạch năm. Dịch bệnh ở gia súc, gia cầm được giám sát, phòng trị kịp thời; bệnh dịch tả lợn châu phi được kiểm soát tốt. Tình hình thị trường, cung cầu lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định, lượng hàng hóa đảm bảo cung ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách về an sinh xã hội luôn được các ngành, các cấp chú trọng thực hiện; tập trung triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, đến nay chưa phát hiện ca bệnh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế - xã hội tỉnh phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: sản xuất công nghiệp tuy duy trì được sự phát triển nhưng còn thấp so với mục tiêu đề ra. Một số doanh nghiệp FDI, ngành dệt may, điện tử, giày da thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào do chủ yếu nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu bị ngưng trệ sản xuất và giảm tiêu thụ như tinh bột mỳ, thủy sản chế biến, dăm gỗ nguyên liệu giấy, bánh kẹo các loại... Các mặt hàng nông sản xuất khẩu như dưa hấu, ớt gặp khó khăn trong tiêu thụ. Các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, du lịch lữ hành và dịch vụ vui chơi, giải trí giảm mạnh. Số lượng lớn người lao động, chuyên gia nước ngoài không thể trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, dự án, vì vậy, hoạt động của các nhà máy sản xuất bị trì trệ, việc thi công các dự án bị gián đoạn, chậm tiến độ đề ra, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Trước tình hình trên, trong thời gian qua tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, hạn chế thấp nhất những tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra và luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua “cơn bão” dịch Covid-19; Đồng thời yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị căn cứ Nghị quyết của Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương và thực tiễn của địa phương khẩn trương xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công quản lý, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Phát triển bền vững và đồng bộ
Ngay từ đầu năm 2020, Quảng Ngãi xác định tập trung các nguồn lực để tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất 03 nhiệm vụ đột phá, 03 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX, tạo đà cho sự phát triển giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế - xã hội miền núi.
Về công nghiệp, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án lớn như Hòa Phát – Dung Quất, các dự án tại KCN VSIP Quảng Ngãi, FLC, Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, các chủ đầu tư tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án lớn như: cầu Cửa Đại, Đập dâng sông Trà Khúc, đường Ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, giai đoạn 2; Kè chắn cát cảng Dung Quất; Đập ngăn mặn Bình Nguyên và Bình Phước. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; quan tâm, hỗ trợ các nhà đầu tư đang triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Tận dụng tiềm năng sẵn có, tỉnh sẽ phát triển mạnh kinh tế biển và ven biển theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, tỉnh cũng khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án về du lịch, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao. Về lĩnh vực văn hóa – xã hội, các sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện Đề án nâng cấp, sửa chữa các trường lớp học để giữ chuẩn và đạt chuẩn; thực hiện Dự án nâng cấp các Trạm y tế cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế của huyện và phân tuyến, phân luồn hợp lý, tránh tình trạng tuyến trên rất đông bệnh nhân, tuyến dưới thì ít. Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực thể dục, thể thao, nhất là thể thao thành tích cao. Tập trung chỉ đạo công tác giảm nghèo, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, giải quyết khiếu nại, phòng chống tham nhũng và công tác tư pháp.
Tuy nhiên, Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu, mục tiêu trọng yếu được tỉnh đề ra trong năm 2020 có khả năng không đạt được và ít nhiều ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Do vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung sức, đồng lòng của Chính quyền, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ, chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các đoàn thể trong giai đoạn khó khăn. Nhiệm vụ quan trọng đang đặt ra hiện nay là cần rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng các kịch bản "vực dậy" nền kinh tế để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới. Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trên, UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành sẽ quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn và khẩn trương trong thực hiện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nhiểu nguồn lực thực hiện. Trước mắt, cùng với việc phòng, chống dịch, tỉnh huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch; tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa.